Dấu hiệu sai phạm tại dự án Trại giống thủy sản chất lượng cao Vĩnh Long
Năm 2008, UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Trại giống thủy sản chất lượng cao tại huyện Tam Bình, với tổng mức đầu tư 171 tỷ đồng.
Dự án thực hiện bằng hai nguồn vốn là vốn vay tín dụng đầu tư của nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và vốn tự có của Công ty TNHH Biofeed (Biofeed) do ông Trương Thanh Phương làm giám đốc.
Qua hơn 10 năm, dự án chưa hoàn thành. Ngân hàng có nguy cơ mất vốn nhà nước vì doanh nghiệp mang tài sản đã thế chấp vay tiền một tổ chức tín dụng khác.
Dự án được chi nhánh VDB Vĩnh Long (sau này là VDB Cần Thơ) cho vay vốn tín dụng đầu tư được chấp thuận là 100 tỷ đồng. Vốn vay được sử dụng thực hiện hạng mục chi phí bồi thường giải phóng mặt và chi phí xây lắp.
Ngân hàng đã giải ngân hơn 30 tỷ đồng cho các hạng mục đền bù, giải phóng mặt bằng và thu giữ 19 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) với tổng diện tích thu hồi là 77.558m². Dự án triển khai đến tháng 3/2010 phải tạm dừng, các hộ dân trong vùng ảnh hưởng không thống nhất giá bồi hoàn làm dự án ngưng trệ.
Ông Trương Thanh Phương, Giám đốc Biofeed cho biết sau khi dự án bị tạm dừng, ông tìm đến Ngân hàng TMCP Quốc Dân (Ngân hàng Quốc Dân) vay vốn tiếp tục thực hiện.
Tổng số tiền Biofeed vay Ngân hàng Quốc Dân là 130 tỷ đồng để hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng. Biofeed thế chấp cho ngân hàng 7 giấy CNQSDĐ, trong đó bao gồm diện tích 19 giấy CNQSDĐ mà VDB nắm giữ.
Theo VDB Cần Thơ, ngân hàng nhận được văn bản của Sở TN&MT thông tin, toàn bộ các QSDĐ nêu trên được hợp thửa và cấp cho Biofeed và các QSDĐ đó đã được doanh nghiệp đăng ký thế chấp cho Ngân hàng Quốc Dân.
Phần đất thu hồi cho Biofeed làm dự án nằm giữa đồng, đến nay vẫn chưa hoàn thành. |
VDB Cần Thơ cho rằng việc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long cấp QSDĐ cho Biofeed đã không thu hồi các QSDĐ mà ngân hàng đã giải ngân và đang nắm giữ là trái với các quy định. Biofeed sử dụng 7 giấy CNQSDĐ được cấp này, vay vốn Ngân hàng Quốc Dân.
Biofeel dùng tài sản được hình thành từ vốn vay của VDB mang đi thế chấp vay vốn của tổ chức tín dụng khác, chưa có sự đồng ý bằng văn bản của VDB là vi phạm pháp luật, trái với quyết định phê duyệt đầu tư dự án chỉ được thực hiện và vốn vay tín dụng đầu tư của nhà nước và vốn tự có của doanh nghiệp. Tổng dư nợ của Biofeed đến năm 2019 là 56,7 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc quá hạn 25,6 tỷ đồng và dư nợ lãi 31 tỷ đồng.
Theo VDB Cần Thơ, việc cơ quan quản lý đất đai tham mưu cấp QSDĐ mới cho doanh nghiệp trùng lên phần đất doanh nghiệp đã thu hồi của dân, đồng thời đang thế chấp tại ngân hàng mà không thông báo cho VDB biết là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Từ đó, Biofeed sử dụng giấy CNQSDĐ mới cấp mang đi thế chấp tiếp ở một ngân hàng khác để vay vốn, dẫn đến hậu quả có khả năng thất thoát vốn ngân sách nhà nước.
VDB Cần Thơ cho rằng việc ký hợp đồng thế chấp giữa Biofeed và Ngân hàng Quốc Dân là vô hiệu, vì việc cấp giấy CNQSDĐ mới cho doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Minh Khởi, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long khẳng định việc cấp 7 giấy CNQSDĐ cho Biofeed là đúng quy định pháp luật.
Năm 2009, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi diện tích 313.291m² tại huyện Tam Bình thực hiện dự án. Trên cơ sở quyết định tổng thể này, UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất từng hộ dân, trong đó có 81 hộ ảnh hưởng.
Theo quy định của Luật đất đai, thu hồi đất là thu hồi QSDĐ đã cấp cho chủ sở hữu trước đây. Khi tỉnh và huyện ban hành các quyết định thu hồi đất đương nhiên các QSDĐ này đã bị thu hồi trong tổng dự án này. Sau khi thu hồi đất, UBND tỉnh Vĩnh Long mới giao QSDĐ đã thu hồi này trên tổng diện tích trên cho Biofeed thực hiện dự án.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long, Biofeed mang giấy CNQSDĐ thế chấp cho VDB là giao dịch dân sự nhưng qua rà soát, phía ngân hàng không có đăng ký với cơ quan quản lý tại địa phương. Về mặt quản lý Nhà nước, Sở TN&MT không biết về vấn đề này.
“Khi QSDĐ đăng ký vay vốn ngân hàng phải đăng ký giao dịch đảm bảo với cơ quan quản lý địa phương. Nếu VDB đứng tên trên giấy CNQSDĐ nhưng nhà nước cấp mới mà không thông báo cho ngân hàng thì mới sai”, ông Trần Minh Khởi nói thêm.
Đại diện VDB Cần Thơ cho rằng lỗi nằm ở chỗ Biofeed đã làm cho việc thu hồi nợ khó khăn. “Ngân hàng chỉ muốn thu tiền về. Nhiều năm qua ngân hàng tích cực xử lý nợ, thu hồi vốn cho Nhà nước liên quan dự án này rất vất vả”, đại diện VDB Cần Thơ nói. Giám đốc Biofeed cho rằng khi thu hồi đất được bao nhiêu thì chuyển qua tên cá nhân sau đó nộp cho VDB giữ.
“Việc của tôi là giao giấy CNQSDĐ đã thu hồi, còn việc đăng ký thế chấp giao dịch đảm bảo hay không là của VDB. Họ phải có trách nhiệm đi đăng ký giao dịch bảo đảm, họ không đăng ký tôi cũng không quan tâm. Lỗi của tôi là tới thời điểm này, VDB không có tài sản thế chấp mà chỉ giữ những giấy CNQSDĐ cũ không có giá trị pháp lý thôi”, ông Trương Thanh Phương nói.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn luật sư TP Cần Thơ phân tích, nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả là do Sở TN&MT đã tham mưu cho UBNT tỉnh Vĩnh Long cấp mới giấy CNQSDĐ, để hợp thửa đối với các giấy CNQSDĐ liền kề cho Biofeed, trong khi không thu hồi giấy CNQSDĐ cũ là hoàn toàn trái với Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. “Doanh nghiệp đã sử dụng loại giấy tờ này để thực hiện hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Quốc Dân. Hay nói cách khách, một tài sản được đem thế chấp nhiều nơi do chính quyền cấp nhiều giấy trên cùng một phần đất. Doanh nghiệp dùng một tài sản thế chấp hai ngân hàng là có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với các giao dịch trên”, luật sư Nguyễn Văn Đức nói. |