Cảnh báo chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại, mạng xã hội

Thứ Hai, 05/07/2021, 09:19
Các chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại và mạng xã hội Facebook tái diễn ngày càng nhiều và rất nhiều người đã “mắc bẫy”, mặc dù đây là chiêu lừa đảo không mới nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ, cả tin, trở thành nạn nhân và phải gánh trên vai những khoản nợ không biết đến bao giờ mới trả hết.

3 chiêu thức lừa đảo phổ biến

Theo số liệu từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), tính đến tháng 6 năm 2021, Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) 1800.6838 của Cục CT&BVNTD đã nhận được hàng trăm cuộc gọi tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ những vụ việc liên quan đến các chương trình trúng thưởng của các doanh nghiệp, các kênh quảng cáo trên truyền hình hoặc nhận được những tin nhắn trúng thưởng qua messenger của Facebook,…

Hầu hết NTD đều có tâm lý chung là hoang mang, lo lắng vì tin và làm theo hướng dẫn của những đối tượng lạ khiến họ đã mất từ vài triệu đến hàng trăm triệu nhưng không nhận được bất cứ phần thưởng hoặc quà khuyến mại nào. “Đây là những chiêu trò lừa đảo không mới, tuy nhiên nhiều NTD vẫn nhẹ dạ, cả tin trở thành nạn nhân và phải gánh trên vai những khoản nợ không biết đến bao giờ mới trả hết”, đại diện Cục CT&BVNTD cho hay.

Từ những phản ánh của NTD Cục CT&BVNTD đã liệt kê ra 3 chiêu thức lừa đảo phổ biến như: Thứ nhất, gọi điện thông báo trúng thưởng: Hình thức rất phổ biến của chiêu thức này là NTD nhận được cuộc gọi của đối tượng lạ, tự xưng là nhân viên của Công ty X nào đó thông báo trúng thưởng. Để tạo lòng tin cho NTD, khi gọi điện đến, các đối tượng đều tự xưng là người của cơ quan chức năng có uy tín hoặc chương trình đã được Bộ Công Thương cấp phép, thậm chí cung cấp đầy đủ tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hotline, số zalo,...

Đối với hình thức này, NTD thường không tìm hiểu, kiểm chứng mà liên hệ ngay số điện thoại đã được đối tượng lạ cung cấp và làm theo hướng dẫn. Cũng có những NTD tìm hiểu thông tin nói trên bằng công cụ google, dù không tra được kết quả rõ ràng nhưng vẫn mù quáng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng lạ. Vì số tiền hoặc món hàng trúng thưởng có giá trị lớn nên khi đối tượng lạ yêu cầu NTD phải đóng vài triệu làm tiền cọc để nhận thưởng, thậm chí còn hứa hẹn khi trả thưởng sẽ trả lại số tiền cọc đó, NTD đã ngay lập tức mắc bẫy và nhanh chóng chuyển tiền.

Thứ hai, mời chào mua hàng để tiếp tục nhận mã trúng thưởng: Hình thức này, sau khi được thông báo trúng thưởng, ngoài hình thức chuyển tiền thuế, đối tượng lừa đảo còn đưa thêm chiêu trò dụ dỗ NTD mua thêm sản phẩm để nhận thêm mã quay thưởng với lời hứa hẹn càng mua nhiều mã, càng trúng thưởng nhiều, số tiền trúng thưởng càng lớn. NTD cũng không tìm hiểu, xác minh thông tin, tiếp tục đặt mua những sản phẩm với trị giá cao từ vài triệu đến hơn chục triệu với mong muốn trúng được nhiều phần thưởng.

Điển hình là trường hợp của người tiêu dùng N.T.H ở Gia Lai vào tháng 5-2021, sau khi nhận thông báo trúng thưởng qua điện thoại của đối tượng tự xưng là đại diện của 1 Công ty có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, trị giá giải thưởng là 35 triệu đồng nếu nhận sản phẩm hoặc quy đổi sang tiền mặt là 30 triệu đồng và để nhận được giải thưởng anh H phải mua 1 sản phẩm coi như là nộp thuế. Anh H đã xác nhận nhận trả thưởng bằng tiền mặt và đồng ý mua sản phẩm để nhận mã trúng thưởng.

Tuy nhiên trong 4 lần được mời chào mua sản phẩm, tổng giá trị hàng đã lên đến 16,3 triệu đồng, anh H vẫn không nhận được tiền thưởng. Đến lần thứ 5, thứ 6, anh H tiếp tục được mời chào mua sản phẩm nhưng hỏi đến tiền thưởng thì đối tượng lừa đảo chỉ trả lời vòng vo và thông báo anh H chưa đủ điều kiện để nhận tiền thưởng.

Người tiêu dùng T.T.P ở Thái Bình cũng phản ánh đến Tổng đài 1800.6838 trường hợp của mình, đối tượng lừa đảo có hẳn ekip, với nhiều vai diễn khác nhau để tạo lòng tin như quản lý, trưởng phòng, đội trưởng đội chuyển hàng, rồi đối tác phối hợp với họ là các Siêu thị Điện máy như Nguyễn Kim, Điện máy xanh, Điện máy Chợ lớn sẵn sàng hỗ trợ mua lại sản phẩm nếu người tiêu dùng gặp hoàn cảnh khó khăn với điều kiện sản phẩm còn đầy đủ giấy tờ, hóa đơn, phiếu bảo hành.

Để tạo thêm lòng tin với anh P, đối tượng lạ đã cung cấp thông tin chi tiết như họ tên mình, tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế của doanh nghiệp, thậm chí đọc rõ ràng tên, tuổi địa chỉ cũng như những nơi và những sản phẩm anh P đã mua trước đây. Tuy nhiên sau khi đã chuyển tiền nhiều lần và nhận phần thưởng theo đúng thông báo với lời hứa hẹn sẽ được hoàn lại những khoản tiền này thì anh P đã ko thể liên hệ được với họ.

Theo Cục CT&BVNTD, ở hình thức này, nhiều NTD có thể biết mình bị lừa nhưng vẫn cố theo đuổi hoặc chờ đợi, thậm chí vẫn tin và hy vọng một ngày nào đó mình sẽ nhận được phần thưởng giá trị lớn theo như hứa hẹn của đối tượng lạ. Đến khi không còn niềm tin nữa thì cũng không có cách nào liên hệ lại với họ.

Thứ ba, nhắn tin trúng thưởng qua Facebook: NTD nhận được thông báo trúng thưởng qua tin nhắn messenger của Facebook với nội dung: “ Xin chúc mừng tài khoản messenger… đã may mắn nhận được giải nhất/giải đặc biệt từ sự kiện Tuần lễ tri ân khách hàng,… Giải thưởng là 1 xe máy SHi, 100-200 triệu đồng tiền mặt và nhiều phần quà giá trị khác…” nhằm tạo niềm tin cho người nhận, trong tin nhắn còn thông báo đây là tin nhắn chính xác được xác nhận từ hệ thống và đề nghị người nhận không cung cấp mã trúng thưởng cho bất kỳ ai.

Để nhận được giải thưởng như thông báo thì người nhận cần làm hồ sơ theo hướng dẫn trong đó bao gồm đầy đủ thông tin của người nhận để hoàn tất thủ tục nhận giải thưởng. Nhiều NTD khá cảnh giác nên cũng thử liên hệ với số điện thoại được cung cấp trên tin nhắn, nhưng sau khi nghe xong cuộc gọi lại hoàn toàn tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn, làm thủ tục chuyển tiền cho đối tượng lạ. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền xong thì NTD sẽ không thể nào liên hệ được với số điện thoại này nữa và tài khoản thông báo trúng thưởng kia cũng chặn luôn facebook của NTD.

Trong rất nhiều cuộc gọi đến Tổng đài 1800.6838 có 1 cuộc gọi gần như kêu cứu của người tiêu dùng N.T.V ở Long An. Sau khi nhận được thông báo trúng thưởng trong tin nhắn messenger, chị V đã làm theo hướng dẫn mà không hề nghi ngờ và xác minh vì khi nhận được thông tin chị đã gọi lại tổng đài của messenger, có người nhấc máy và tự xưng là Phó Giám đốc bộ phận CSKH của Facebook Việt Nam, hơn nữa còn cung cấp cho chị cả số di động để phòng khi tổng đài bận. Tin tưởng tuyệt đối và làm theo hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ nhận thưởng, chị V đã nộp một khoản “thuế nhà nước” cho bên họ là 3 triệu đồng, sau đó là rất nhiều lần nộp tiền để làm thuế trước bạ nhận xe máy, tiền thuế thu nhập cá nhân cùng rất nhiều chi phí khác,…

Điều đáng nói là tất cả số tiền chị V nộp đều là tiền giấu chồng đi vay mượn khắp nơi với hy vọng khi nhận được 200 triệu đồng tiền thưởng sẽ trả nợ. Khi số tiền đã nộp lên đến hơn 100 triệu đồng thì chị V không thể liên lạc được với số điện thoại tổng đài cũng như di động của vị phó giám đốc kia nữa.

Trường hợp của chị V chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người tiêu dùng sau khi bị lừa nộp một khoản tiền nhất định thì không thể liên hệ với tổng đài của Facebook nữa. Chị V đã gọi đến Tổng đài 1800.6838 trong tình trạng lo lắng, hoảng sợ, không biết bấu víu vào đâu, hoang mang vì không biết lấy đâu ra tiền trả nợ.

Người tiêu dùng nên tự bảo vệ thông tin và cẩn trọng khi đi “chợ mạng”. (Ảnh minh hoạ Internet).

Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác

Nhằm tránh sa bẫy của những đối tượng lừa đảo, Cục CT&BVNTD khuyến cáo NTD cần lưu ý những nội dung: Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Nâng cao cảnh giác với những cuộc gọi từ người lạ, cảnh giác với những thông tin mà đối tượng lạ cung cấp. Trường hợp cần thiết yêu cầu đối tượng đó cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại (đối với đối tượng là cá nhân); tên Công ty, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (đối với đối tượng là doanh nghiệp). Sau đó NTD cần tìm hiểu và xác minh thông tin của đối tượng đó thông qua các nguồn thông tin khác.

Tất cả các chương trình khuyến mại, trao thưởng phải được đăng ký và cấp phép tại các cơ quan chức năng có thẩm quyền như Sở Công Thương địa phương hoặc Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương (đặc biệt là những chương trình có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên). Nếu cần xác minh thông tin, NTD có thể liên hệ với các cơ quan này để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời.

Đại diện Cục CT&BVNTD cho biết, bất kể là trúng thưởng trong một chương trình nào đó thì NTD cũng phải là người đăng ký tham gia các chương trình quay thưởng/bốc thăm trúng thưởng đó. Không có việc doanh nghiệp tự lựa chọn khách hàng rồi quay thưởng và trao thưởng khi không có thông báo trước cho NTD. Đặc biệt, rất ít trường hợp các doanh nghiệp lớn công bố trúng thưởng thông qua hình thức gửi tin nhắn trên Facebook.

Trong trường hợp nghi ngờ đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, NTD cần cảnh giác, khôn khéo yêu cầu đối tượng cung cấp thêm thông tin, sau đó làm đơn trình báo ngay cho cơ quan Công an để được hỗ trợ kịp thời. NTD cũng nên thường xuyên cập nhập thông tin thời sự để không bị sa bẫy của những đối tượng lừa đảo này. NTD cũng có thể liên hệ đến Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ NTD 1800.6838 của Cục CT&BVNTD, Bộ Công Thương để được tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời.

Lừa đảo qua sàn thương mại điện tử, trực tuyến

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho biết, hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của NTD của Cục thời gian qua đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt NTD khi thực hiện giao dịch mua sắm trên các gian hàng thương mại điện tử (TMĐT).

Đơn cử như trường hợp của anh N.H.T.A, cư trú tại TP Hồ Chí Minh đặt mua 1 đôi giày trên gian hàng của một sàn TMĐT với giá 689.000 đồng vào tháng 6/2021. Khi đơn hàng đã đặt chưa được giao cho anh, có 1 đơn vị khác lợi dụng thông tin cá nhân của anh để giao cho anh đơn hàng với đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị.

Anh N.H.T.A đã không biết việc này và tin tưởng rằng, đây là đơn hàng của mình, nên đã nhận hàng và thanh toán tiền. Khi bóc kiện hàng ra, anh N.H.T.A phát hiện đôi giày không đúng với quy cách, chất lượng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh N.H.T.N đã liên hệ với bên giao hàng để trả lại thì không được đồng ý, đồng thời khi liên hệ với gian hàng thì bị chặn số. Anh đã phản ánh với sàn TMĐT và kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình thì thấy đơn hàng đã bị hủy.

Một vụ việc tương tự của anh N.V.T cư trú tại Vĩnh Long. Anh N.V.T đã đặt mua hàng của 1 shop trên sàn TMĐT vào tháng 10/2020. Sau khi nhận hàng và trả tiền, Anh N.V.T phát hiện thấy sản phẩm giao không đúng với đơn hàng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh đã kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình trên sàn TMĐT thì thấy đơn hàng vẫn đang trong tình trạng đóng gói, chờ chuyển đi. Như vậy, thông tin cá nhân, thông tin về đơn hàng của anh N.V.T đã bị đối tượng nào đó thu thập và sử dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Để bảo vệ quyền lợi NTD tránh việc quyền lợi NTD của mình bị xâm phạm, Cục CT&BVNTD khuyến cáo NTD không chia sẻ, tiết lộ các thông tin cá nhân, các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo, xâm hại NTD. Trước khi thực hiện giao dịch, NTD cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các review đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng của mình.

Bên cạnh đó, NTD nên lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn TMĐT có uy tín, đặc biệt là các sàn TMĐT đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.

Lưu Hiệp
.
.
.