Cần xử lý nghiêm những kẻ phá hoại hoa màu của người dân

Thứ Sáu, 30/03/2018, 09:24
Những năm gần đây, nông dân các tỉnh Tây Nguyên phải đối mặt với nạn phá hoại cây trồng mà nguyên chủ yếu là do tranh chấp đất đai và trả thù cá nhân. Vấn nạn này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho nạn nhân mà còn ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây tâm lý bất an cho người dân.

Ông Võ Đình Hồng (54 tuổi), trú tại thôn 7, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chua xót đưa chúng tôi ra thăm lại vườn cà phê tái canh hơn 3 năm tuổi bị kẻ xấu chặt phá trước Tết Nguyên đán. 

Theo ông Hồng, để có được vườn cà phê này, gia đình phải thế chấp, vay ngân hàng 30 triệu đồng để đầu tư (ghép cành) và chăm sóc. Vợ chồng ông Hồng kỳ vọng chỉ sau 2 vụ thu hoạch cà phê gia đình sẽ có đủ tiền để trả nợ ngân hàng cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, vườn cà phê khoảng 300 gốc đang ra hoa đã bị kẻ xấu phá sạch. 

Tương tự, sau những ngày nghỉ Tết, ông Đỗ Thế Xưởng (52 tuổi), trú tại buôn Kré A, xã Ea Knuêk, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) ra thăm vườn tá hỏa phát hiện 200 gốc cà phê cùng 50 gốc hồ tiêu đã bị kẻ xấu chặt phá tan tành. 

Theo ông Xưởng, đây không phải lần đầu gia đình bị kẻ xấu chặt phá cây trồng. Năm 2015, hơn 200 cây cà phê của gia đình ông bị chặt hạ, năm 2016 gần 20 trụ tiêu tiếp tục bị băm nát. Đặc biệt, cuối 2017 vừa qua, toàn bộ vật dụng để trong căn chòi ở rẫy của gia đình ông Xưởng đã bị kẻ gian đốt cháy.

Một vụ phá hoại tài sản, hoa màu ở Lâm Đồng.

Tại Lâm Đồng, những vụ hủy hoại tài sản, hoa màu cũng thường xảy ra. Gần đây nhất, ngày 8-3, vợ chồng bà Nguyễn Thị Phượng (56 tuổi), ngụ tại tổ 6A, phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc đang ở nhà thì bị một nhóm người lạ cùng hai xe máy xúc tới phá hủy tài sản, hoa màu của gia đình. Vợ chồng bà Phượng ra ngăn cản liền bị các đối tượng giữ lại. 

Chỉ trong một buổi, nhóm người này đã phá hủy khoảng 1.000 gốc cà phê trên diện tích 5.000m², hiện mỗi năm trung bình cho gia đình bà Phượng thu khoảng 3 tấn nhân. 

Căn nhà cấp 4 với diện tích 20m² được dùng làm nơi trông coi vườn cà phê và cất giữ dụng cụ lao động cũng bị các đối tượng phá hủy hoàn toàn. Theo bà Phượng, vụ hủy hoại tài sản trên khiến gia đình thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Bước đầu, Công an TP Bảo Lộc xác định người cầm đầu và chỉ đạo việc hủy hoại tài sản, hoa màu của bà Nguyễn Thị Phượng là Võ Hoài Phi Vũ, ngụ tại đường Hồ Tùng Mậu, phường 1, TP Bảo Lộc. Nguyên nhân dẫn đến hành động này được cho là giữa mẹ ruột của Võ Hoài Phi Vũ (bà Đỗ Thị Kim Yến) đang có tranh chấp thửa đất trên với gia đình bà Nguyễn Thị Phượng.

Có trường hợp đánh trả lại người tới hủy hoại tài sản, hoa màu đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là trường hợp Phạm Văn Công (25 tuổi), ngụ tại khu phố Đăng Lèn, thị trấn Lạc Dương (Lâm Đồng). 

Cụ thể, trưa 23-8-2015, Trần Thị Thơm, ngụ phố Đăng Lèn, thị trấn Lạc Dương đang ở nhà bị một nhóm người mang theo gậy sắt vào phá hoa màu (bắp cải) vừa trồng và hệ thống ống dẫn nước tưới tự động có chiều dài khoảng 300m tại khu vườn phía sau nhà của gia đình chị Thơm.

Những người này cho rằng, thửa đất mà vợ chồng chị Thơm canh tác hơn chục năm qua là của ông Nguyễn Đăng Dũng. Bị người phía ông Dũng phá hoại hoa màu, ống dẫn nước, chị Thơm ra cản lại thì phát sinh xô xát. 

Thấy chị dâu bị vây đánh, anh Phạm Văn Công cầm theo hung khí, đánh ông Dũng gây thương tích. Từ kết quả giám định pháp y, Công an huyện Lạc Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Văn Công về hành vi cố ý gây thương tích.

Điều đáng lo ngại là tình trạng phá hoại cây trồng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang có chiều hướng gia tăng. Thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, Cơ quan Công an gặp rất nhiều khó khăn khi điều tra các vụ chặt phá hoa màu, bởi đối tượng thường lợi dụng vào ban đêm để gây án, những nơi gây án thường xa khu dân cư, ít người qua lại nên rất khó phát hiện. 

Bên cạnh đó, khi người dân phát hiện rẫy của mình đã bị chặt phá thì thời gian xảy ra vụ việc khá lâu nên dấu vết thu thập được không nhiều. 

Thiếu tá Phạm Thanh Hùng, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, những vụ hủy hoại hoa màu xảy ra tại các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng tương đối nhiều nhưng hầu hết là nhỏ lẻ, chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hủy hoại hoa màu là do tranh chấp đất đai và trả thù do mâu thuẫn cá nhân.

Khắc Lịch – Văn Thành
.
.
.