Cần làm rõ việc ồ ạt chuyển đổi đất trồng cây hàng năm để phân lô, bán nền

Thứ Hai, 19/04/2021, 08:02
Những ngày qua, cò đất tìm mọi cách khuấy động thị trường đất đai tại địa bàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Đặc biệt, trên các trang mạng do Công ty  CP Bất động sản Quang Group (trụ sở tại TP Đông Hà, Quảng Trị và Chi nhánh tại 91 Phan Bội Châu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) liên tục rao bán 18 lô đất tại làng Lâm Lang 2, xã Cam Thủy, với quảng cáo như: Dự án KDC Bắc sông Hiếu 01, sổ hồng đất ở, đường bê tông ôtô 2 làn xe, view sông Hiếu, hệ thống đèn đường chiếu sáng…; giá 358 triệu đồng/lô 8x20m.

Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế, nhiều thông tin kể trên là không đúng sự thật; việc phân lô, bán nền ở đây có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai và sự buông lỏng quản lý của một số ngành chức năng liên quan và chính quyền cấp cơ sở.

Từ hướng Đông Hà ngược lên đường Xuyên Á, hỏi đường vào Lâm Lang 2, người đàn ông tên Huấn ở cạnh trụ sở xã Cam Thủy cho hay: “Hai chú qua khỏi cầu Lâm Lang một đoạn, cổng chào vào làng nằm bên tay trái”.

Chúng tôi chưa kịp cảm ơn, ông liền hỏi: “Hai chú đi mua đất à? Mua nền hay đất nông nghiệp để phân lô. Nếu đất nền thì bên tay trái, ra sát bờ sông, còn đất nông nghiệp phải đi lên mạn bên phải thì may ra mới còn”. “Đất nền, chỗ 18 lô view sông ấy!”. “À, rứa bên trái, sát sông đó”.

Quan sát khu đất chỗ Quang Group quảng cáo ở trên, chúng tôi thấy chỉ có 2 nhánh đường bê tông, mỗi nhánh dài chừng 70m, rộng chừng 2,5m, trong đó 1 nhánh đấu nối vào đường liên thôn, nhánh còn lại đấu nối vuông góc với nhánh này và chạy theo hướng chiều dài sông.

Hai bên đường này có cắm một số cột sắt dạng ống to bằng cổ tay người lớn, tương tự ở k thành 54 lô để bán nền.hu đất trồng cây lâu năm thuộc địa bàn thôn Phước Môn, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, bị phân

Tuy nhiên, người dân ở đây cho biết, ở giữa khu đất này còn có một đoạn bê tông khác, ngoài ra có các cọc bê tông cắm phân chia thành 18 nền đất nhưng do đợt lũ lụt lớn vừa rồi bồi lấp sâu cả mét.

Theo chỉ dẫn của bà con, chúng tôi tìm gặp ông Lê Phổ (SN 1941), bà Nguyễn Thị Triêm (SN 1946) có nhà ở cạnh bên đã bán đất này cho cò đất phân lô, bán nền. Ông Phổ kể lại, cách đây gần 2 năm, cò đất bỗng đổ về làng để tìm mua đất. Lúc đó, vợ chồng ông bàn với 5 đứa con đều đã ra riêng bán một số đất để lấy tiền phòng khi ốm đau.

Được các con đồng thuận nên ông bà bán hơn 6,8 sào đất (hơn 3.400m²) trong tổng số 4.446m2 đất của gia đình thuộc đất trồng cây hàng năm khác. Người mua là ông Quang có công ty buôn bán đất ở Đông Hà.

Lần đầu, ông này cọc 30 triệu đồng, đến chừng 1 tháng sau thì cọc tiếp 50 triệu đồng rồi mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) nói trên đi làm thủ tục chuyển đổi thành đất ở. Sau đó hơn một tháng, ông này mang đến trả hết số tiền còn lại với tổng cộng 822 triệu đồng.

Hàng nghìn m² đất trồng cây hàng năm khác được chuyển đổi không đúng nhu cầu tại làng Lâm Lang 2 để cò đất phân lô, bán nền trái pháp luật.

Ngày 15/4, chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Thành Công, Trưởng phòng TN-MT huyện Cam Lộ về thẩm định nhu cầu khi chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm khác sang đất ở đối với hộ gia đình ông Phổ, bà Triêm.

Ông Công cho biết, đơn vị đã thẩm định theo đơn. Hỏi, chế tài nào để xử lý khi xảy ra sai phạm đối với quản lý, mua bán đất đai không đúng quy định kể trên? Ông Công cho hay, việc cho phép chuyển nhượng QSDĐ là Văn phòng đăng ký đất đai; việc phân lô, tách giấy CNQSDĐ đó cũng là thẩm quyền của đơn vị này. Do đó, sau khi một diện tích đất lớn từ trồng cây hàng năm khác được chuyển sang đất ở, bị phân lô, bán nền thì đơn vị không nắm được.

Việc này rõ ràng là trái với nhu cầu thực tế về đất ở của hộ ông Phổ, bà Triêm nhưng hiện chưa có chế tài, hướng dẫn để xử lý tình trạng sai phạm này. Ông Công đồng thời nhấn mạnh: “Tình trạng này là do lợi ích nhóm”.

Trong khi đó, ông Lê Nhật Tiên, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy nói rằng, ngay khi phát hiện cò đất tiến hành các thủ tục chuyển đổi một diện tích đất lớn từ đất trồng cây hàng năm khác thuộc hộ gia đình ông Phổ, bà Triêm sang đất ở, ông đã có văn bản báo cáo Phòng TN-MT huyện với nội dung lo sợ khu đất trên hình thành một khu dân cư là không an toàn, do nằm sát bờ sông, hàng năm thường bị lũ lụt rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, đơn vị này trả lời bằng miệng rằng, qua kiểm tra khu đất trên không nằm trong diện bị sụt lún, phải di dời dân cư. Ông Tiên còn xác nhận, không có việc xây dựng KDC như quảng cáo của Công ty CP Bất động sản Quang Group tại điểm đất chuyển mục đích sử dụng và phân lô, bán nền kể trên.

Công ty này không xây dựng dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư, phân lô, bán nền phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, phê duyệt. Quá trình họ đổ đường bê tông, cắm một số ống sắt để bắt điện sáng, thôn có biết nhưng không báo xã (?). 

Xác minh cho thấy, trong số 4.446m² đất trồng cây hàng năm khác của hộ gia đình ông Phổ, bà Triêm, có tới 2.700m² được chuyển sang đất ở nông thôn. Người đứng tên nhận chuyển nhượng diện tích đất này cùng 729m2 đất trồng cây hàng năm khác trong giấy CNQSDĐ là ông Phạm Văn An, địa chỉ KP 9, phường Đông Thanh, TP Đông Hà.

Thời gian 3.429m² đất này (bao gồm 2.700m² đất ở và 729m² đất trồng cây hàng năm khác) bị phân thành 18 lô, rao bán nền trên Quang Group bắt đầu từ đầu tháng 4 đến nay, không đúng theo quy định của pháp luật nhưng không bị cơ quan nào xử lý.

Tương tự, tại thôn Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, hàng nghìn m2 đất nông nghiệp được Phòng TN-MT huyện này chuyển đổi thành đất ở nông thôn cho ông Lê Đức Thăng, trú thôn này.

Sau đó, ông Thăng chuyển cho ông Lê Tất Công Bình và bà Phan Thị Minh Thiện, trú Triệu Phong. Ông bà này tiếp tục được Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở TN-MT Quảng Trị tách thành 11 lô để tiến hành bán nền với thủ đoạn tương tự trên mà không hề bị xử lý.

Ngoài ra, có nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có những sai phạm tương tự. Trước thực trạng này, chính quyền, ban, ngành chức năng tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục rà soát, kiểm tra các vụ việc liên quan một cách nghiêm túc; có những giải pháp, biện pháp cứng rắn đối với nạn cò đất, buôn bán đất bất chấp phép tắc gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho địa phương, nhất là đối với công tác quy hoạch và xây dựng, phát triển nông thôn mới.


Thanh Bình
.
.
.