Cận cảnh “thị trường” công cụ hỗ trợ

Thứ Ba, 08/12/2015, 08:20
Theo “đầu nậu” H., thời gian qua, lực lượng chức năng làm khá gắt. Do nguồn “hàng” bị kiểm tra gắt gao nên việc giao dịch vào thời điểm hiện tại phải kín kẽ.

Quan sát thấy khách hàng tin cậy mới cung cấp “hàng”; giao dịch diễn ra chớp nhoáng… đó là những gì mà PV Báo CAND sau khi thậm nhập “thị trường” công cụ hỗ trợ ghi nhận được. Việc mua bán trái phép các sản phẩm công cụ hỗ trợ này cần được các cơ quan chức năng đẩy mạnh sự nhập cuộc, ngăn chặn xử lý nghiêm. Có như vậy, những hệ lụy đi kèm mới không xảy ra.

Do bị lực lượng chức năng liên tục ra quân truy quét, xử lý, nên hiện các “đầu nậu” kinh doanh công cụ hỗ trợ ở thành phố Lào Cai (Lào Cai) đã hoạt động lén lút, tạo cho mình các vỏ bọc khác nhau. Theo sự chỉ dẫn của anh bạn ở nơi đây, chúng tôi đã có dịp giáp mặt với “đầu nậu” kinh doanh mặt hàng này. Khác với những gì mường tượng trước đó, “đầu nậu” kinh doanh công cụ hỗ trợ mà tôi gặp tại khu vực gần Bến xe Lào Cai (hay còn gọi là Bến xe Phố Mới) vào chiều 4-12 là một người phụ nữ tuổi trạc ngoài 40.

Nếu như không được giới thiệu qua về người phụ này thì tôi cũng như nhiều người lần đầu gặp không nghĩ rằng chị chính là một “đầu nậu” chuyên cung cấp công cụ hỗ trợ khi gặp người có nhu cầu. “Bây giờ, Công an làm gắt lắm, làm gì có đèn pin dùi cui điện mà bán cơ chứ!”, chị quan sát, rồi đáp khi thấy tôi hỏi: “Bán cho em mấy cái đèn pin dùi cui điện”. Không để chị nghi ngờ thêm, tôi liền tán chuyện, đồng thời tỏ ra mình cũng là một “đầu nậu” đang đi tìm mối “hàng” – công cụ hỗ trợ rẻ nơi vùng biên để nhập về cung cấp cho khách dưới Hà Nội.

Thấy tôi đưa ra các “thông số” liên quan tới người giới thiệu tìm đến mình, chị liền cho biết mình tên là H. và chỉ cung cấp “hàng” cho người quen mà thôi. Theo “đầu nậu” H., thời gian qua, lực lượng chức năng làm khá gắt. Do nguồn “hàng” bị kiểm tra gắt gao nên việc giao dịch vào thời điểm hiện tại phải kín kẽ.

"Đầu nậu" H. 

Để kiểm chứng thông tin, tôi viện lý do: “cần mua gấp 2 đến 3 chiếc đèn pin dùi cui điện”. Nghe vậy, “đầu nậu” H. bèn đưa ra mức giá: “350 ngàn đồng/chiếc đèn pin dùi cui điện. Nếu lấy 2 chiếc, giá của nó sẽ chỉ còn 650 ngàn đồng!”. Chưa đầy 10 phút sau, khi trở lại, trên tay chị là chiếc túi ni lông, bên trong có đựng 2 chiếc đèn pin cùng hệ thống dây sạc điện không khác mấy so với đèn pin chiếu sáng thông thường.

“Đấy em xem. Loại này là đèn pin kiêm dùi cui điện đấy. Chỉ cần gí vào người, đảm bảo ngất luôn. “Hàng” này, bọn chị “xách tay” từ bên kia biên giới về nên không đóng hộp, để như thế giao dịch cho tiện”, “đầu nậu” H. vừa mở túi ni lông vừa chào hàng. Như để lấy lòng tin của tôi, chị hướng dẫn cho tôi cách sử dụng và thử các chức năng kèm với sản phẩm. “Tạch! Tạch!...”, tia điện phát ra nơi đầu chiếc đèn. “Thử ít thôi, cẩn thận không “sự” (Cảnh sát hình sự - PV) đấy! Đã bảo rồi mà, hàng xịn, đảm bảo chất lượng” - “đầu nậu” H. bảo…

Trong quá trình tiếp xúc, chị không quên nhắc tôi, có số điện thoại rồi, lúc nào cần “hàng” cứ alô, “hàng” sẽ được đóng gói cẩn thận và chuyển tới tận nơi người có nhu cầu. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, số lượng “hàng” mỗi lần đóng gói gửi sẽ không quá 10 chiếc. Trước những lời quảng cáo cũng như hình ảnh về chiếc đèn pin dùi cui điện có độ sát thương cao mà “đầu nậu” H đưa tôi xem, tôi cảm thấy lo ngại trước “sóng ngầm” thị trường công cụ hỗ trợ vẫn luôn tiềm ẩn như hiện nay nơi vùng biên Lào Cai.

Theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại… đều thuộc danh mục công cụ hỗ trợ và hành vi mua bán trái phép các loại công cụ hỗ trợ này đều bị nghiêm cấm. Quy định là thế, song vì tư lợi, một số “đầu nậu” vẫn lén lút trao đổi, mua bán trái phép các loại công cụ hỗ trợ bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn đi kèm.

Không chỉ chào bán trực tiếp, nhiều “đầu nậu” đã lập ra các trang mạng xã hội, forum trên mạng Internet để quảng cáo, chào bán công cụ hỗ trợ trái quy định. Điển hình như trên trang mạng www.shoptu....com, chủ nhân của trang mạng có số điện thoại 0938031xxx không ngần ngại quảng cáo, ra giá cho các “mặt hàng” công cụ hỗ trợ mà mình đang sở hữu. Từ bình xịt hơi cay, đèn pin dùi cui điện, roi điện cầm tay… cho đến súng bắn điện tất cả đều được rao bán một cách khá công khai.

Để hút khách hàng, “đầu nậu” này đã đăng kèm hình ảnh các sản phẩm cùng những nội dung liên quan đến tính năng, điện áp, cách sử dụng v.v... Theo “đậu nậu” này cho biết thì loại “đèn pin tự vệ chích điện 118B với điện áp 20.000 Volt có giá là 1,2 triệu đồng”. Để sở hữu các sản phẩm công cụ hỗ trợ, khách hàng có thể giao dịch trực tiếp hoặc theo hình thức “gửi hàng, thu tiền”.

Tìm hiểu chúng tôi được hay, bên cạnh các trang mạng quảng cáo, rao bán công cụ hỗ trợ thông thường, một số “đầu nậu” còn quay clip giới thiệu công năng cũng như hướng dẫn cách sử dụng các sản phẩm công cụ hỗ trợ mà mình đang rao bán.

Qua đó kích thích tính tò mò, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng mà không nghĩ rằng chính việc làm này là nguyên nhân gián tiếp dẫn dụ các đối tượng hình sự tìm mua và sử dụng để gây án (trộm cắp, cướp giật tài sản v.v..). Và trên thực tế cũng đã có không ít vụ việc liên quan đến các đối tượng sử dụng công cụ hỗ trợ để gây án.

Cách đây không lâu, Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã bắt giữ đối tượng Lê Xuân Ba, 27 tuổi, ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) về hành vi cướp tài sản. Trước đó, Ba đã sử dụng dùi cui điện để đe dọa, cướp tài sản của nhiều nạn nhân trên địa bàn. Trong đó có trường hợp của chị Đ.T.T. ở huyện Ứng Hòa. Khi chị đang điều khiển xe đạp điện đi trên đê sông Nhuệ bỗng gặp Ba tay lăm lăm dùi cui điện lao tới khống chế, cướp đi 1 chiếc điện thoại di động và 1,5 triệu đồng.

Rõ ràng, việc thắt chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, mua bán, sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ cần được các cơ quan chức năng tích cực triển khai. Có như vậy, hệ lụy đi kèm với “thị trường” công cụ hỗ trợ mới không phát sinh.

Theo Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình sẽ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép. Bên cạnh đó, cũng sẽ phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm v.v...

Nhóm PV
.
.
.