Ban Quản lý bất lực, rừng thông liên tục bị đốn hạ
Điều đáng nói, vị trí rừng thông vừa bị các đối tượng cưa hạ nằm bên cạnh tỉnh lộ 725 và sát với Đội quản lý bảo vệ rừng số 4, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà.
Sáng sớm ngày 14-5, nhiều người đi đường tỏ ra bức xúc trước việc gần 10 cây thông lớn, có đường kính gốc khoảng 40cm vừa bị cưa hạ, nằm ngổn ngang trên mặt đất, đổ ào xuống hướng đường nhựa. Đáng chú ý, bên cạnh những cây thông vừa ngã xuống này là một móng nhà bê tông cốt thép đã được xây dựng từ trước. Lý giải việc rừng bị cưa hạ bên cạnh Đội quản lý bảo vệ rừng số 4, đại diện đơn vị này cho biết, các đối tượng cưa hạ rất nhanh, khi lực lượng chức năng phát hiện thì “lâm tặc” đã cưa xong và rời khỏi hiện trường.
Tuy nhiên, để cưa hạ được những cây thông này, ước tính các đối tượng phải mất ít nhất vài chục phút trong khi Đội Quản lý bảo vệ rừng số 4 chỉ cách hiện trường trên dưới 100m và đối diện với mặt tiền của đội này. Đó là chưa kể một số hộ nhận khoán quản lý bảo vệ khu rừng trên cũng có nhà gần với vị trí “lâm tặc” cưa hạ rừng thông.
Theo tìm hiểu của PV, rừng thông tại tiểu khu 263B, vị trí sát với tỉnh lộ 725 những năm qua liên tục bị đầu độc, cưa hạ. Thậm chí các đối tượng đã “xí phần” bằng cách đưa máy múc tới xúc một vài điểm để “đánh dấu lãnh thổ”, khẳng định đất này đã có chủ. Sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiến hành thống kê thiệt hại và đưa số gỗ thông vừa bị cưa hạ về chờ xử lý.
Rừng tại tiểu khu 263B, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà vừa bị cưa hạ. |
Tương tự, rừng thông tại tiểu khu 274, thôn 5, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà cũng thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, hiện tiếp tục bị các đối tượng xâm hại, cưa hạ lấn chiếm lấy đất sản xuất nông nghiệp hoặc chuyển nhượng qua tay.
Theo Đội trưởng Đội Quản lý bảo vệ rừng số 4, từ đầu năm 2019 đến nay, rừng thông tại tiểu khu 274, xã Gia Lâm đã ít nhất 3 lần bị các đối tượng vào phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Cũng tại khu vực này, vào tháng 9-2018, ông Hoàng Đình Nghiêm, chủ một doanh nghiệp tại xã Mê Linh, huyện Lâm Hà đã cho máy xúc vào san gạt đất rừng. Khi UBND xã Gia Lâm tới làm việc, ông Nghiêm khai nhận mua lại thửa đất trên từ ông Nguyễn Hùng Cường, ngụ thôn 5, xã Gia Lâm với diện tích 2,5ha bằng “giấy tay”.
Ngày 1-5, UBND xã Gia Lâm lại bắt quả tang ông Cường thuê máy xúc về múc đất rừng tại khoảnh 2, tiểu khu 274 và lập biên bản đình chỉ, tạm giữ máy múc trên nhưng lại giao cho chính ông Cường quản lý vì không có phương tiện để đưa máy múc này về UBND xã. Chính vì vậy, mặc dù đã cam kết không tái phạm nhưng ngày 4-5, ông Nguyễn Hùng Cường lại sử dụng chính máy xúc này tiếp tục múc đất, công khai lấn chiếm rừng.
Hiện tại, rừng thông khoảng 20 năm tuổi ở tiểu ku 274, xã Gia Lâm vẫn đang bị các đối tượng cưa hạ, lấn chiếm. Ngày 14-5, PV Báo CAND có mặt tại khu vực này tiếp tục ghi nhận một số cây thông vừa bị cưa hạ, gốc còn ứa nhựa tươi. Kề đó là hàng loạt gốc thông đã bắt đầu khô. Vị trí này các đối tượng đã cho xe cơ giới tới cào xới đất, chuẩn bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thậm chí đã xuất hiện những loạt trụ bê tông và hàng rào thép lưới kiên cố để phân lô, chia thửa. Một người tên Hiếu, nhận là cán bộ Đội Quản lý bảo vệ rừng số 4, Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà cho biết, khu vực rừng trên bị các đối tượng lấn chiếm vào hồi Tết Nguyên đán 2019 và đã được cơ quan chức năng lập biên bản xử lý nhưng chưa phát hiện người vi phạm.
Tại huyện Lâm Hà, không chỉ rừng bị cưa hạ, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm mà tình trạng khai thác đất, trong đó có cả đất rừng để san lấp mặt bằng diễn ra khá phổ biến. Điển hình là tại trụ sở của Công ty TNHH vật liệu xây dựng Nghiêm Hà, thôn 2, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. Trụ sở doanh nghiệp này phía trước là mặt tỉnh lộ 725, phía sau giáp với rừng thông tiểu khu 263B. Theo phản ánh của người dân, mấy năm qua doanh nghiệp trên thường xuyên khai thác đất tại khu vực phía sau trụ sở công ty, vị trí giáp với rừng, vận chuyển đi san lấp mặt bằng.
Ngày 14-5, PV có mặt tại đây ghi nhận nhiều xe ben hối hả vận chuyển đất ra khỏi mỏ đất bất hợp pháp đang gặm sâu vào sát chân những gốc thông, tạo thành một taluy đất cao hơn 10m, có nguy cơ gây sạt lở rừng rất cao. Đáng chú ý, sát đó là những trụ điện trung thế đã bị “gặm” đất xung quanh, trơ trọi phần móng, rất nguy hiểm nếu xảy ra gãy đổ những trụ điện này.
Bà Lê Thu Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH vật liệu xây dựng Nghiêm Hà phủ nhận việc doanh nghiệp này khai thác đất mà là chỉ là “dọn dẹp”. Bà Hà cung cấp cho PV một “đơn xin dọn dẹp khuôn viên công ty” có chữ ký của ông Đào Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh với nội dung “Ngày 25-02-2019, UBND xã Mê Linh đồng ý cho múc đất dọn dẹp taluy phải đảm bảo hành lang bảo vệ rừng theo quy định cách hành lang từ 8-10m” nhưng lại không có con dấu của UBND xã Mê Linh.
Tuy nhiên, chỉ 10 phút sau, người của doanh nghiệp này đã có được con dấu vào vị trí “bút phê” của ông Chủ tịch UBND xã Mê Linh. Vị trí khai thác đất không phải cách hành lang rừng từ 8-10m mà đã gặm sát với chân các gốc thông, có thể gây sạt lở đất, gãy đổ thông bất cứ lúc nào.
Từ những sự việc trên cho thấy công tác quản lý rừng, đất lâm nghiệp và tài nguyên tại huyện Lâm Hà còn quá lỏng lẻo. Việc phát hiện để ngăn chặn, xử lý của các cơ quan chức năng còn chậm, chưa kiên quyết, triệt để nên các đối tượng vi phạm dễ “lờn”.