Cần bảo vệ loài khỉ trên bán đảo Sơn Trà
Thời gian qua, do rừng được bảo vệ tốt nên loài linh trưởng, gồm vọoc chà vá chân nâu và khỉ phát triển, sinh sôi rất mạnh. Đây là nhóm động vật rừng nổi trội nhất ở rừng Sơn Trà. Tuy nhiên, đối với loài vọoc, đã có rất nhiều đề tài từ cấp quốc gia đến quốc tế quan tâm nghiên cứu, bảo tồn. Còn loài khỉ chưa được nghiên cứu, bảo tồn; trong khi đó, giống khỉ vàng ở rừng Sơn Trà thuộc danh mục động vật rừng quý hiếm thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Cần bảo vệ đàn khỉ trên bán đảo Sơn Trà khi triển khai thực hiện các dự án. |
“Được xếp vào danh mục động vật rừng quý hiếm, nhưng có bao nhiêu con, bao nhiêu đàn khỉ ở rừng Sơn Trà thì chưa được rõ. Lực lượng KL chỉ có trách nhiệm bảo vệ… Qua quan sát thì số lượng khỉ xuất hiện rất nhiều trên khắp khu vực bán đảo Sơn Trà. Và, do cạnh tranh khu vực sinh sống, nhiều đàn khỉ đã lấn ra ngoài địa phận rừng để kiếm ăn. Chúng tràn vào các khu vực nhà nghỉ, khu dân cư, các khu doanh trại quân đội, nhà hàng, khu vực nhà chùa Linh Ứng, Miếu Đội khu vực đường Hoàng Sa - Lê Văn Lương…”, ông Thắng nói.
Thực tế, lực lượng KL liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn đã nhiều lần nhận được thông tin khỉ vào nhà dân, khách sạn… phá hoại tài sản, cây trái, rau màu, nhưng cũng chỉ có cách là xua đuổi chúng, hoặc tìm cách nhử bắt rồi mang thả vào rừng. Đáng lo ngại, tại các chùa, miếu, người dân đến cúng bái rồi bỏ thức ăn thừa ra bãi rác, lũ khỉ tìm đến bới kiếm thức ăn.
Nhiều du khách thấy khỉ trên núi xuống còn ném thức ăn, thậm chí còn mang cả bao thức ăn cho khỉ, lâu dần lũ khỉ quen với loại thức ăn có sẵn này, mất dần ý thức tìm kiếm thức ăn trong thiên nhiên. Đã có thông tin du khách, người dân bắn khỉ, hoặc bẫy khỉ, nhưng qua xác minh chưa có hiện tượng đó xảy ra.
Gần đây, ngày 10-5-2020, trên báo điện tử và mạng xã hội có phản ánh một người đàn ông dùng ná cao su bắn khỉ tại khu vực chùa Linh Ứng, Hạt KL liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn lập tức phối hợp xác minh và làm việc với ông L. là thợ chụp ảnh, trú tại đường Đinh Công Trứ, Đà Nẵng. Ông này thừa nhận có dùng ná cao su bắn khỉ, nhưng chỉ là để đuổi khỉ, chứ không gây thương tích cho khỉ. Hạt KL đã nhắc nhở và yêu cầu ông L. cam kết không tái diễn hành vi nói trên.
Tại bãi đỗ ôtô của du khách tham quan chùa Linh Ứng thường xuất hiện một đàn khỉ lớn vài chục con, có khi cả trăm con. Mặc dù nhà chùa và Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà đã cắm rất nhiều bảng khuyến cáo du khách không cho động vật hoang dã thức ăn, nhưng khi không có bảo vệ, du khách vẫn cho khỉ thức ăn để chụp ảnh, dẫn đến việc đàn khỉ tranh giành thức ăn, nhiều con chạy ngang qua đường bị ôtô cán chết, hoặc bị thương. Ngoài ra cũng có một số trường hợp khỉ leo trèo cột điện bị điện giật rơi xuống đất chết, hoặc thương tật...
Ông Thắng chia sẻ rằng, trong thời gian qua, lực lượng KL đã phối hợp với nhà chùa, tổ chức DLF tiến hành cứu hộ, chữa trị nhiều trường hợp khỉ bị thương tích, khi lành vết thương thả về tái đàn trong rừng. Đồng thời, để bảo vệ đàn khỉ ở rừng Sơn Trà, Hạt KL liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn đã báo cáo Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT đề nghị Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị lữ hành khuyến cáo đối với các đoàn khách tham quan Sơn Trà không được mang thức ăn cho khỉ, hạn chế tiếp xúc với khỉ. Đề nghị chính quyền TP Đà Nẵng xây dựng quy chế, quy định riêng mang tính pháp lý để có chế tài xử phạt rõ ràng đối với hành vi xâm hại tới động vật hoang dã ở bán đảo Sơn Trà, trong đó có loài khỉ…
Điều đáng nói là việc cho xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên bán đảo Sơn Trà. Qua tìm hiểu, từ năm 1992, Bộ Lâm nghiệp công nhận bán đảo Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích 4.400ha. Tuy nhiên, đến giai đoạn năm 2003-2013, thực hiện theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, TP Đà Nẵng đã phê duyệt, chấp thuận cho 18 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng trên bán đảo Sơn Trà với tổng diện tích chiếm đến 1.222,5ha, quy mô lưu trú gồm 1.920 biệt thự, 24 bungalow và 206 buồng khách sạn. Việc làm này khiến “lá phổi xanh” Sơn Trà bị xâm lấn, gây ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà, thì trong 18 dự án được TP Đà Nẵng phê duyệt, có tới 6 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, chưa kể đến việc tại thời điểm thanh tra, xác định UBND TP Đà Nẵng chưa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Những sai phạm của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến đất đai tại bán đảo Sơn Trà diễn ra trong một thời gian dài đã tác động tiêu cực đến khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, làm ảnh hưởng đến các loài động vật rừng quý hiếm sinh sống tại đây.