Bộ GD&ĐT kiểm tra làm rõ vụ việc tại Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Thứ Tư, 24/06/2020, 16:47

Lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được các thông tin phản ánh, các vấn đề Báo CAND đặt ra và cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ để phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, làm rõ.





Như Báo CAND đã thông tin, thời gian qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tổ chức cho nghiên cứu sinh (NCS) có dấu hiệu vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, trong nhiều hồ sơ bảo vệ luận án Tiến sĩ, nhà trường đã cấp giấy xác nhận cho NCS đã tham gia kỳ thi và đạt trình độ tiếng Anh bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Tuy nhiên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 không nằm trong danh sách 14 đơn vị mà Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Tiếng Anh).

 Theo phản ánh, được biết thời gian qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ cho nhiều học viên, nghiên cứu sinh với giấy xác nhận ngoại ngữ nêu trên.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Trước thông tin phản ánh của Báo CAND, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nhanh chóng xác minh, làm rõ. Theo đó, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT có Công văn số 954/QLCL-QLVBCC, ngày 17/6/2020 gửi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, yêu cầu báo cáo vụ việc.

 Ngay sau đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có Công văn số 313, ngày 17/6/2020 gửi Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT. Văn bản nêu: NCS Nguyễn Văn Đệ trúng tuyển NCS chuyên ngành Giáo dục học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tại Quyết định số 1061/QĐ-DHSPHN2, ngày 16/11/2014. 

Theo đó, NCS chịu quy định của Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT, ngày 15/02/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sửa đổi một số điều của Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 và trình độ ngoại ngữ của NCS trước khi bảo vệ luận án được quy định tại Điều 22 của Thông tư này.

Công văn cũng nêu:  Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã có Công văn số 232/DHSPHN2-SĐH, ngày 13/4/2017 về việc đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho người học các chương trình đào tạo và bồi dưỡng của nhà trường gửi Bộ GD&ĐT và đã nhận được phúc đáp tại Công văn số 1885/BGDĐT-GDĐH, ngày 05/5/2017.

 “Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân ngôn ngữ Anh từ năm 2005, cử nhân Sư phạm tiếng Anh từ năm 2012. Do đó, Trường có thẩm quyền cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khoản 1, Điều 22, Thông tư 05/2012/TT-BGDDT cho người học của Trường” – văn bản nêu rõ. Đại diện Trường Đại học Sư phạm 2 cũng cung cấp văn bản, tài liệu cho Báo CAND với nội dung như trên.

Văn bản của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 gửi Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT

Trong khi đó, sau khi Báo nêu thông tin, đại diện một số trường cho rằng hiện chỉ có 14 trường được thi, cấp chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Các trường khác có khoa Ngoại ngữ, đào tạo cử nhân song không được phép tổ chức đào tạo, thi, cấp chứng chỉ nên mấy năm qua cũng không được phép làm điều này. Do đó, viện dẫn như trên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là trái quy định của Bộ GD&ĐT.

Trước vấn đề trên, chúng tôi đã chuyển thông tin tới lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT để làm rõ theo thẩm quyền. Theo đó, Vụ Giáo dục Đại học sẽ phối hợp các đơn vị chức năng làm rõ một số nội dung dư luận quan tâm sau đây:  

Thứ nhất, việc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 không nằm trong danh sách 14 trường được Bộ GD&ĐT cho phép thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam mà vẫn tổ chức thi, cấp giấy xác nhận cho nghiên cứu sinh, xác nhận đạt trình độ tiếng Anh để tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ là đúng hay sai? Giải thích trên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có đúng với quy định của Bộ GD&ĐT?

Thứ hai, được biết, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, thời gian qua nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh đã được bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ với xác nhận trình độ ngoại ngữ do trường cấp. Đáng chú ý, nhiều hồ sơ chỉ có giấy xác nhận trình độ ngoại ngữ của Phòng Đào tạo nhà trường chứ không có văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT. Vậy, cần thanh tra, kiểm tra cụ thể việc thi, cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ tại trường để xác định rõ tính chất, mức độ, hiện trạng vấn đề như thế nào?

Thứ ba, trong trường hợp xác định Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT (không được phép thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ) mà vẫn tổ chức thi, xác nhận cho học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh để bảo vệ luận án tiến sĩ thì hướng xử lý của Bộ GD&ĐT là gì? Xử lý như thế nào đối với các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ với xác nhận ngoại ngữ của trường như trên? Nếu xác định Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sai phạm, Bộ sẽ xử lý trách nhiệm của nhà trường, trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường trong vấn đề này như thế nào?

Thứ tư, hiện các học viện, trường đại học đang thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT về chuẩn đầu vào, đầu ra ngoại ngữ đối với các hệ đào tạo. Trong đó, nhiều NCS chưa thể bảo vệ luận án do chưa có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định. Việc làm rõ và xử lý vấn đề này tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng là cơ sở để các trường tham chiếu trong việc thực hiện quy định của Bộ. Nếu trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sai phạm thì việc xử lý cần được làm rõ và công khai để các trường nắm rõ, thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Đồng thời cần rà soát hiện trạng này tại các trường không nằm trong danh sách 14 trường được Bộ cho phép thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).

Trao đổi với phóng viên, Lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được các thông tin phản ánh, các vấn đề Báo CAND đặt ra và cho biết, Vụ Giáo dục Đại học sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ để phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, làm rõ vấn đề. Khi có kết luận cụ thể sẽ thông tin tới Báo. Đây cũng là vấn đề mà các học viện, trường đại học đang chờ đợi phản hồi chính thức từ Bộ GD&ĐT.


Nguyễn Thanh
.
.
.