Bất an trước nạn chó chạy rông ngoài phố

Thứ Sáu, 21/09/2018, 10:33
“Đối diện nhà tôi là nhà 2 vị bác sỹ, họ rất yêu động vật nên nuôi 5 con mèo và 1 con chó. Thế là nhà tôi bỗng dưng lãnh đủ chất thải của mèo và chó của họ. Con chó lại rất dữ, người khác đi ngang là xồ ra cắn, kể cả người nhà tôi là hàng xóm. Vì nể nang nên chúng tôi không dám căng thẳng, thật sự chúng tôi rất bức xúc”...

Ám ảnh thú cưng thả rông

Trong tháng 8 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành quận 1 (TP Hồ Chí Minh) gồm lực lượng Trật tự đô thị phối hợp với Chi cục Thú y (CCTY) thành phố và Đội bắt chó đã xuống đường xử lý tình trạng chó thả rông. “Chiến dịch” này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người dân.

Anh Quân (quận Bình Thạnh) bày tỏ: “Tôi ủng hộ việc bắt chó thả rông và phạt thật nặng chủ chó. Tôi từng bị đụng phải chó khi đang đi xe và ám ảnh mãi vì đang đi, chó từ đâu lao ngang qua, giật mình phanh không kịp. Bị ngã xe trầy xước hết cả người".

Chị N.T.M.N. (ngụ tại quận 2) kể, cho tới nay dù đã hơn 1 năm nhưng chị vẫn phải chịu di chứng những cơn đau đầu khủng khiếp do bị té xe dẫn tới chấn thương sọ não chỉ vì tránh một con chó chạy ngang đường khi chị đang xuống dốc cầu. Do đâm phải chó nên chị bị té đập đầu xuống vỡ cả mũ bảo hiểm, hôn mê nên người dân phải đưa vào BV Chợ Rẫy.

“Để bảo vệ tính mạng cho bản thân và cộng đồng, ngoài việc cần giữ chó trong nhà, có dây buộc, không để chó chạy rông, người nuôi thú cưng cần cho chó tiêm vắc xin đầy đủ, nên hạn chế dẫn chó tới những nơi đông người, hoặc nhất định phải cho chó đeo rọ mõm trước khi đi để tránh nguy cơ chúng tấn công người khác. Gần nhà tôi còn có người nuôi chó, cứ tối là thả ra nó đến nhà mình với nhà kế bên ị, tè hôi kinh khủng, mà khi có ý kiến thì họ la um sùm! Rất bực mình mà không biết làm sao! Mong cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hơp vi phạm", chị N. nói.

Anh Hải (quận Gò Vấp) cũng bức xúc: “Đối diện nhà tôi là nhà 2 vị bác sỹ, họ rất yêu động vật nên nuôi 5 con mèo và 1 con chó. Thế là nhà tôi bỗng dưng lãnh đủ chất thải của mèo và chó của họ. Con chó lại rất dữ, người khác đi ngang là xồ ra cắn, kể cả người nhà tôi là hàng xóm. Vì nể nang nên chúng tôi không dám căng thẳng, thật sự chúng tôi rất bức xúc”.

Đoàn liên ngành của UBND quận 1 thực hiện bắt chó thả rông.

Ngày 28-9 hằng năm là ngày mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại. Một trong những mục tiêu đặt ra của ngành Y tế Việt Nam là phấn đấu không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, vẫn có nhiều trường hợp người dân bị chó dại cắn do chủ quan không đi tiêm phòng nên tử vong thương tâm. Ngoài ra, trên cả nước hằng năm số người bị chó cắn phải nhập viện cấp cứu vẫn gia tăng.

Điển hình như 2 ca bệnh nhi bị chó cắn rất thương tâm xảy ra vào đầu năm 2018. Cả hai bé đều bị chó nhà cắn nát mặt. Đó là trường hợp bé trai Lê Nguyễn Tường Lâm (1 tuổi, quê Đắk Lắk) đã bị chó lao tới cắn rách mặt, mất gần hết phần mũi. Những BS khi tiếp nhận bé Lâm đều không thể nào quên nổi hình ảnh thương tâm mà bé phải chịu đựng, họ chỉ còn biết lấy phần thịt trên mặt bé bị chó cắn đứt rời cho vào xô đá và chuyển gấp xuống BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cấp cứu. Các BS Khoa Tai mũi họng - BV Nhi đồng 1 đã nỗ lực hàng giờ liền để cố gắng gắn được phần mũi bị đứt lìa vào mặt cho bé nhưng không thể giữ được.

Trường hợp thứ 2 là bé trai Nguyễn Tiến Đạt (5 tuổi, ở Long Thành, Đồng Nai) bị 2 con chó berger cắn. Hai con chó đã cắn xé khiến bé Đạt bị thủng khí quản, rơi vào tình trạng rất nguy kịch. Thật may là các BS phát hiện ra 1 lỗ thủng ở vùng cổ và tiến hành khâu lại vết hở này. Bé đã được cứu sống nhưng người thân đã phải cùng bé "chiến đấu" vượt qua nhiều tháng trời với việc điều trị kháng sinh liều cao phòng chống nhiễm trùng. Chưa kể gia đình còn phải tốn rất nhiều tiền cho những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ sau này để lấy lại khuôn mặt cho con hoà nhập cuộc sống.

Phải nâng cao tính tự giác

"Ta có nhiều nghị định, thông tư qui định về xử lý xử phạt với hộ nuôi chó vi phạm. Luật có nhưng xử chưa nghiêm nên người dân không sợ nên chủ trương của chúng ta đưa ra chưa thực hiện được", ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú ý TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Ông Nguyên phân tích, TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng được một vùng về an toàn phòng chống bệnh dại. CCTY đã có phần mềm quản lý, mã số chăn nuôi, tiêm phòng con vật cho các hộ có nuôi chó trên địa bàn. Toàn thành phố có trên 220.000 con chó trên 110 hộ dân. Nhưng, cũng chỉ mới có địa bàn TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước có phần mềm quản lý được chó nuôi để cần truy xuất như vậy.

Tuy nhiên, do lực lượng Thú y không đủ để đi bắt hết chó thả rông nên mỗi khi tổ chức “chiến dịch”, gặp con nào thì... bắt con đó. UBND quận 1 mấy ngày vừa qua đã nghiêm túc trong quản lý, xử lý chó thả rông, được người dân rất đồng tình. Theo cách làm của quận 1, có hẳn một đội chuyên trách bắt chó thả rông có phối hợp với Công an, dân phòng với lịch công tác cụ thể. Việc xử phạt công khai minh bạch, tổ chức họp tổ dân phố với các hộ có nuôi chó...

Bên cạnh đó, sau khi xử lý, xử phạt, hộ nuôi chó vi phạm cũng sẽ được tuyên truyền hướng dẫn để nâng cao tính tự giác việc tiêm phòng cho chó, giữ vệ sinh tại nhà và xung quanh. "Được hướng dẫn tận tình như vậy tôi tin chắc rằng, hộ nuôi chó vi phạm sẽ tuân thủ đúng qui định. Các địa phương khác cũng nên tham khảo cách làm của quận 1”, ông Nguyên nhấn mạnh.

H.Nga - Nh.Sơn
.
.
.