Báo động tình trạng san lấp hồ thủy điện, sông, suối để chiếm đất

Thứ Bảy, 27/03/2021, 09:43
Tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt rục rịch triển khai càng khiến giá đất tại các địa phương của tỉnh Lâm Đồng đua nhau… “nhảy múa”. Không chỉ tìm cách phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất, sang nhượng bất hợp pháp, nhiều người còn bất chấp pháp luật san lấp cả hồ thủy điện, sông suối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng chảy, an toàn hồ đập mùa mưa lũ.


Lợi dụng mùa khô, thời gian qua, nhiều hộ dân sinh sống cạnh thủy điện Đại Ninh, huyện Đức Trọng đã thuê xe cơ giới chở hàng nghìn mét khối đất đá đổ ập xuống lòng hồ san lấp, nhằm tạo mặt bằng để lấn chiếm đất. Hành vi này xảy ra nhiều nhất tại địa phận các xã Phú Hội, Ninh Gia và Tà Hine.

Công ty thủy điện Đại Ninh - đơn vị chủ quản hồ thủy điện Đại Ninh đã phải cắt cử người thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi lấn chiếm hành lang an toàn của hồ đập thủy điện. Thậm chí, khi bị phát hiện, ngăn chặn, những người vi phạm không hợp tác, có thái độ thách thức, chống đối. Đơn vị này cho biết đã không ít lần có đơn “cầu cứu” tới UBND huyện Đức Trọng và UBND tỉnh Lâm Đồng về việc bị nhiều hộ dân lấn chiếm, san lấp lòng hồ.

Lòng hồ thủy điện Đại Ninh (Lâm Đồng) bị san lấp, lấn chiếm

Theo ông Võ Tăng Lý, Giám đốc Công ty thủy điện Đại Ninh, lợi dụng đang là mùa khô, nước hồ cạn sâu, nhiều người đã thuê xe ben chở hàng nghìn mét khối đất đá đổ xuống lòng hồ thủy điện Đại Ninh. Chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị này đã phát hiện, phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý 5 trường hợp san lấp đất xuống lòng hồ.

Điển hình là hộ Đỗ Văn Tiến, bà Trần Thị Nguyệt Kiều, ông Võ Minh Phú... đều ngụ tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng. Diện tích bị các hộ dân san lấp, lấn chiếm lên tới hàng nghìn mét vuông. Đặc biệt, khi lực lượng chức năng phát hiện, tới làm việc, không ít trường hợp đã bất hợp tác, có thái độ thách thức. Theo đơn vị chủ quản hồ thủy điện Đại Ninh, tình trạng san lấp, lấn chiếm đất hồ thủy điện Đại Ninh đã xảy ra từ nhiều năm qua.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhất là khi có thông tin tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt sắp triển khai, giá đất tại nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng tăng mạnh thì các vụ san lấp, lấn chiếm đất ở hồ thủy điện này xảy ra ngày càng nhiều, táo tợn và quy mô hơn.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng hồ thủy điện Đại Ninh bị san lấp, lấn chiếm, từ cuối năm 2019, Công ty thủy điện Đại Ninh buộc phải triển khai xây dựng bờ rào thép gai tại những khu vực tiếp giáp với khu dân cư, thường xuyên xảy ra hành vi lấn chiếm với chiều dài khoảng 2,5km. Tuy nhiên, khi triển khai được khoảng 1,5km thì phát sinh tranh chấp với 45 hộ dân. Các hộ này không cho đơn vị rào khu vực đất quanh hồ thủy điện Đại Ninh, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho doanh nghiệp.

Lòng sông Đa Nhim (Lâm Đồng) bị san lấp, lấn chiếm.

Liên quan đến hành vi san lấp, lấn chiếm hồ thủy điện Đại Ninh, UBND huyện Đức Trọng và UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Công ty thủy điện Đại Ninh kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm. Gần đây nhất, ngày 24/3 vừa qua, UBND huyện Đức Trọng tiếp tục chỉ đạo Phòng TN&MT, Công an huyện và UBND xã Ninh Gia, yêu cầu kiểm tra, làm rõ mức độ vi phạm và xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm mặt bằng, lấn chiếm đất công trình thủy điện Đại Ninh của một số hộ dân, trong đó có ông Đỗ Văn Tiến, bà Trần Thị Nguyệt Kiều và ông Võ Minh Phú.

Không chỉ có hồ thủy điện bị san lấp, lấn chiếm, ngay cả sông Đa Nhim chảy qua địa phận huyện Đức Trọng nhiều vị trí cũng đang bị các hộ xây bờ kè, bao móng, lấn chiếm ra giữa dòng sông. Điển hình là ông Trần Ngọc Ánh (ngụ thôn Phú Thịnh, xã Phú Hội) đã ngang nhiên san lấp, bao móng khoanh vùng, lấn chiếm khoảng 1.500m2 đất mặt sông Đa Nhim.

Hành vi tác động, lấn chiếm đất, làm thay đổi hiện trạng sông Đa Nhim chảy qua khu vực thôn Phú Thịnh, xã Phú Hội của gia đình ông Trần Ngọc Ánh đã khiến người dân trong thôn bức xúc, phản ánh tới cơ quan chức năng. UBND xã Phú Hội đã mời người vi phạm lên làm việc, lập hồ sơ xử lý theo quy định, đồng thời buộc gia đình ông Ánh khắc phục hậu quả, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu.

Tại TP Bảo Lộc, một diện tích mặt nước lớn của hồ Nam Phường 1 nằm trong quy hoạch đất mặt nước chuyên dùng thủy lợi do Nhà nước quản lý, bảo vệ và khai thác phục vụ các mục đích chung của địa phương đang bị bà Lê Thị Tố Loan san lấp chiếm dụng. Theo UBND TP Bảo Lộc, việc bà Loan đổ đất san lấp chiếm dụng diện tích mặt nước chuyên dùng công trình thủy lợi tại khu vực này xảy ra từ cuối năm 2019.

Trước khi san lấp mặt nước tại khu vực này, bà Loan gửi hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với tổng diện tích 27.252m2. Theo bản trích đo vẽ hiện trạng đất do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Bảo Lộc lập vào 19/9/2019 thì diện tích trên do bà Loan sang nhượng lại bằng giấy viết tay của người khác từ năm 2002.

Tuy nhiên, toàn bộ diện tích đất mà bà Loan đăng ký cấp sổ đỏ thuộc đất do Nhà nước quản lý, UBND TP Bảo Lộc đã trả hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ của bà Loan. Dù vậy, thời gian qua, bà Loan vẫn cho san lấp hàng nghìn mét khối đất xuống hồ này mà cơ quan chức năng không kịp thời ngăn chặn.

Theo UBND TP Bảo Lộc, mọi hành vi tác động lên diện tích đất và mặt nước thủy lợi nói trên đều bị nghiêm cấm. “UBND TP Bảo Lộc cương quyết xử lý nghiêm vụ việc này theo quy định của pháp luật!..”, ông Đoàn Kim Đình, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc nói.

Khắc Lịch
.
.
.