Báo động tình trạng lừa đảo qua mạng internet, điện tử viễn thông
- Trang web từ nước ngoài giả mạo Báo CAND để lừa đảo
- Cảnh báo việc lừa đảo thông qua sàn giao dịch điện tử Busstrade
Ngoài ra, xảy ra 10 vụ có thủ đoạn tương tự do Công an các địa phương thụ lý, thiệt hại trên 500 triệu đồng, trong đó Công an huyện Đak Đoa tiếp nhận 7 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Mạo danh nhân viên, cán bộ Nhà nước
Ngày 21/6, một đối tượng lạ sử dụng số điện thoại 0567.097.126 gọi cho chị N.T.M.H (ở thị trấn Đak Đoa, Gia Lai) tự xưng là người của Công ty Điện lực, thông báo chị H. bị phạt số tiền 60 triệu đồng vì tự ý sửa công tơ điện, đồng thời đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an. Sau đó, đối tượng nối máy tới số điện thoại 0693.187.907 để chị H. gặp đối tượng tên Tuấn.
Người này tự xưng là cán bộ Công an và thông báo chị H. bị Công ty Điện lực kiện và bị truy nã vì bán hồ sơ cho các đối tượng phạm tội. Đối tượng Tuấn yêu cầu chị H. cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng để kiểm tra.
Thấy chị H. chỉ cung cấp thông tin cá nhân, đối tượng này tiếp tục hướng dẫn chị H. tải ứng dụng “Bộ Công an” vào điện thoại và yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng để Công an kiểm tra.
Do tin tưởng, chị H. nhập số tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản và mã OTP vào ứng dụng thì phát hiện chỉ trong tích tắc, tài khoản đã bị mất số tiền 126 triệu đồng.
Thủ đoạn lừa đảo như trong trường hợp của chị H. thực ra không mới. Đối tượng thu thập thông tin của nạn nhân (chủ yếu là chia sẻ trên mạng xã hội), sử dụng công nghệ để đổi đầu số, giả mạo số điện thoại của cơ quan chức năng, tự nhận là nhân viên nhà mạng viễn thông, cán bộ cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thanh tra, vv… để đe dọa xử lý, bắt giữ nạn nhân vì có liên quan đến nợ cước viễn thông, buôn bán ma túy, rửa tiền…
Ứng dụng giả mạo “Bộ Công an” trên điện thoại. |
Tinh vi hơn, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân tải app giả mạo Bộ Công an, trong đó có sẵn “Lệnh bắt khẩn cấp” với đầy đủ thông tin của nạn nhân. Lợi dụng sự hoảng loạn của nạn nhân, các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật tài khoản rồi chiếm đoạt tài sản, hoặc thuyết phục nạn nhân chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng cung cấp rồi “lặn không sủi tăm” sau khi “con mồi” sập bẫy.
Mặc dù cơ quan Công an nhiều lần cảnh báo, tuy nhiên một số người dân vẫn nhận thức khá mơ hồ, hoang mang khi các đối tượng gọi điện hù hoạ và nhanh chóng bị lừa.
Mới đây, ngày 24/4, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh nhận tin báo và hiện đang xác minh việc anh N.Đ.L (trú ở TP. Pleiku, Gia Lai) bị đối tượng giả danh Công an, Kiểm soát viên lừa đảo, chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng.
Muôn hình vạn trạng kiểu lừa trên mạng
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Thượng tá Trương Đức Đương - Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Gia Lai cho biết: “Ngoài thủ đoạn mạo danh cán bộ, nhân viên, nhiều nạn nhân mà chủ yếu là phụ nữ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng một số thủ đoạn phổ biến như: giả là người nước ngoài làm quen, kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội, ngỏ ý muốn tặng quà hoặc nhờ giữ giúp số tiền lớn, sau đó giả danh nhân viên Hải quan, An ninh yêu cầu nạn nhân nộp tiền phí hoặc tiền thuế, tiền phạt qua một tài khoản chúng cho sẵn rồi chiếm đoạt.
Một kiểu lừa khác là đối tượng giả các trang bán hàng online để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đặt cọc mua hàng rồi chiếm đoạt tiền, không chuyển trả hàng như đã cam kết. Một số trường hợp bị đối tượng hack facebook, zalo…, chiếm quyền sử dụng rồi mượn tiền người quen rồi chiếm đoạt, vv...
Ngoài ra, các đối tượng tự lập ra hoặc làm đầu mối cho các sàn giao dịch ảo (vàng, ngoại tệ, bất động sản, tiền ảo) để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch. Sau khi có được lượng khách hàng đầu tư lớn, các đối tượng sẽ công bố “vỡ nợ”, “sập sàn” để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư”.
Khoảng giữa 5/2021, qua ứng dụng Tinder trên điện thoại di động, chị Trần Thị T. (trú xã Diên Phú, TP. Pleiku) kết bạn với một người tự giới thiệu là Dylan, người Trung Quốc. Dylan thuyết phục chị này tham gia sàn đầu tư kinh doanh tiền tệ MXC.com với hứa hẹn có lãi suất “khủng”. Nghe bùi tai, chị T. đồng ý. Dylan gửi cho chị T. link đăng nhập sàn dầu tư tiền tệ MXC9.com, hướng dẫn chị T. cách tạo tài khoản và nộp tiền đầu tư vào sàn.
Ban đầu, chị T. đầu tư nhỏ giọt, nhưng thấy chỉ với số tiền 7,65 triệu đồng, trong thời gian ngắn đã thu được hơn 1 triệu đồng tiền lãi, chị T. tiếp tục “chơi lớn”.
Ngày 8/6, chị T. nộp vào tài khoản 25,5 triệu đồng, thu lời gần 5 triệu đồng. Dylan còn tận tình hướng dẫn chị T. cách chuyển số tiền gốc và tiền lãi nêu trên từ sàn MXC9.com về tài khoản ngân hàng của chị T. tổng cộng gần 40 triệu đồng.
Thấy tiền đến quá dễ dàng, lại nghe Dylan gạ gẫm muốn có lợi nhuận cao hơn thì phải nộp nhiều tiền vào sàn này để đầu tư, từ ngày 8/6 đến ngày 10/6, chị T. 5 lần chuyển vào sàn tổng số tiền 1,0455 tỷ đồng, lãi được 1,7545 tỷ đồng. Nhưng ngay khi chị T. quyết định không đầu tư nữa, muốn rút cả gốc và lãi là 2,8 tỷ đồng trên sàn MXC9.com về thì không thể rút được tiền, mặc dù chị T. đã rất nhiều lần làm theo chỉ dẫn của Dylan như những lần trước.
Trang chủ của đối tượng Dylan trên ứng dụng Tinder; Giao diện sàn giao dịch MXC9.com. |
Liên hệ bộ phận “chăm sóc khách hàng” của sàn, chị T. được hướng dẫn phải chụp ảnh chứng minh hoặc hộ chiếu, đồng thời nộp 10% tiền lệ phí, tương đương 280 triệu đồng. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, chị T. trình báo sự việc đến cơ quan Công an.
Thượng tá Trương Đức Đương cho biết, công tác xác minh, điều tra các vụ việc lừa đảo trên mạng gặp nhiều khó khăn vì đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm che dấu hành vi phạm tội như sử dụng thông tin cá nhân giả để đăng ký tài khoản ngân hàng, thuê bao di động; giao dịch bằng tiền ảo, tiền điện tử, sử dụng các ứng dụng giả mạo địa chỉ IP, vv… Sau khi chiếm đoạt, phần lớn đối tượng đều rút tiền tại các trụ ATM đặt ở nước ngoài, một số trường hợp rút tiền trong nước thì đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang che mặt, góc quay camera an ninh của trụ ATM không ghi nhận được đặc điểm nhận dạng.
“Để phòng ngừa các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng internet, viễn thông, phương tiện điện tử, người dân cần cập nhập các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này để cảnh giác. Cần hạn chế truy cập các trang web lạ, không chia sẻ thông tin, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet… của cá nhân và người thân trong gia đình lên các trang mạng xã hội. Cơ quan Công an khẳng định không bao giờ yêu cầu cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng, cho dù là đang trong quá trình điều tra.
Do đó, người dân không cung cấp thông tin này cho bất cứ ai. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, tuyệt đối không chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết. Đồng thời, báo ngay cho ngân hàng và cơ quan Cảnh sát điều tra khi nhận thấy các dấu hiệu lừa đảo để phong tỏa tài khoản, ngăn ngừa đối tượng rút tiền, tẩu tán, đồng thời xác minh, làm rõ kẻ lừa đảo” - Thượng tá Trương Đức Đương nhắn nhủ.