Ban quản lý dự án xe buýt nhanh nghìn tỷ “nại” lý do chậm tiến độ

Thứ Bảy, 23/07/2016, 10:45
Ban quản lý Dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội - đơn vị triển khai xây dựng đã có thông tin phản hồi về nguyên nhân chậm tiến độ của dự án cũng như kế hoạch đưa vào vận hành hệ thống xe buýt nhanh trong tháng 12-2016.

Sau khi Báo CAND số ra ngày 19 và 20-7 có các bài viết “Thông tin tiếp về dự án xe buýt nhanh nghìn tỷ của Hà Nội trước nguy cơ phá sản: Công trình triệu đô vẫn “đắp bụi đường” và “Có nên biến buýt nhanh thành buýt thường?”, ngày 21-7, Ban quản lý Dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội - đơn vị triển khai xây dựng đã có thông tin phản hồi về nguyên nhân chậm tiến độ của dự án cũng như kế hoạch đưa vào vận hành hệ thống xe buýt nhanh trong tháng 12-2016.

Tuy nhiên, những nguyên nhân đó lại càng thể hiện sự thiếu tính toán, nghiên cứu kỹ khi đề xuất và triển khai dự án hơn 1.200 tỷ đồng này dẫn đến những bất cập, lãng phí khiến dự án đứng trước nguy cơ phá sản như hiện nay.

Liên tục phải điều chỉnh

Cung cấp thông tin cho Báo CAND, ông Vũ Hà, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết, tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa có chiều dài khoảng 14,7km qua 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông của TP Hà Nội.

Các hạng mục chủ yếu của hợp phần xe buýt nhanh bao gồm: Trạm đầu cuối tại bến xe Yên Nghĩa, khu depot tại bến xe Yên Nghĩa, đường Kim Mã đến Yên Nghĩa, 21 nhà chờ dọc tuyến, 10 cầu đi bộ (8 cầu xây dựng mới, 2 cầu cải tạo sửa chữa), đoàn xe gồm 35 xe buýt nhanh; 32 nút đèn tín hiệu giao thông trên dọc tuyến; gia cường cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà, hệ thống thẻ vé, thông tin hành khách và một số hạng mục phụ trợ khác.

Bạn đọc Báo CAND yêu cầu làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan dự án xe buýt nhanh nếu dự án không hiệu quả

Hiện nay, các hạng mục đã hoàn thành bao gồm trạm trung chuyển bến xe Kim Mã, trạm đầu cuối tại bến xe Yên Nghĩa; mua sắm và lắp đặt thiết bị tại khu bảo dưỡng, sửa chữa trong bến xe Yên Nghĩa, khi depot tạm trong bến xe Yên Nghĩa; đường từ Bộ Y tế - Giang Văn Minh - Kim Mã - Giảng Võ; đường từ Hoàng Ngân đến Vành đai 3; 21 nhà chờ, 4 cầu đi bộ trên tuyến; 16/32 nút đèn tín hiệu trên tuyến.

Các hạng mục chưa hoàn thành gồm hệ thống vé, quản lý đội xe, thông tin hành khách; mua sắm đoàn xe; hệ thống đèn tín hiệu giao thông; gia cường cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà; 4 cầu vượt và cải tạo 2 cầu thang của cầu hiện tại; đoạn đường từ Ba La đến Yên Nghĩa, tổ chức giao thông đưa vào khai thác vận hành.

Trong thời gian tới sẽ hoàn thiện 4 cầu đi bộ và cải tạo 2 cầu thang lên xuống, hoàn thành đoàn xe trong tháng 11-2016; hoàn thành cải tạo mở rộng mặt đường đoạn từ Ba La - Yên Nghĩa, gia cường cầu vượt, tổ chức giao thông đưa vào vận hành trong tháng 12-2016.

Nói về nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ của dự án xe buýt nhanh, ông Vũ Hà cho biết, do phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội sau khi Hà Nội hợp nhất 2008; điều chỉnh hướng tuyến của tuyến cho phù hợp với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (đoạn từ Khuất Duy Tiến - Quang Trung đi theo Quốc lộ 6 do trùng tuyến với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông).

Quá trình triển khai thi công gặp nhiều khó khăn do mặt đường chật hẹp, mật độ, lưu lượng giao thông lớn, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông, thời gian thi công chủ yếu vào ban đêm. Xe buýt nhanh là loại hình vận tải hành khách công cộng lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, chưa có tiêu chuẩn thiết kế riêng cho loại hình này.

Trong quá trình lập và phê duyệt thiết kế phải vận dụng, tham khảo quy trình, quy phạm và các thiết kế của nước ngoài xong phải đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tình trạng giao thông, đi lại cũng như thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân (đặc biệt là sử dụng nhiều xe máy) của người dân Thủ đô…

Do đó, quá trình thực hiện yêu cầu cần phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế làm cơ sở triển khai thực hiện. Trên cơ sở điều kiện về hạ tầng và thực tế giao thông đi lại trên tuyến, Sở GTVT Hà Nội đang chỉ đạo Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn nghiên cứu các phương án tổ chức giao thông khi đưa tuyến xe buýt nhanh vào vận hành.

Phương án này sẽ có giai đoạn chạy thử nghiệm để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp. Phương án vận hành cũng sẽ được đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các đơn vị có liên quan, sau đó sẽ báo cáo UBND TP phê duyệt trước khi thực hiện.

Bạn đọc Báo CAND đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của những người liên quan dự án

Ngay sau khi Báo CAND đăng tải các bài viết trên, đồng quan điểm với Báo, rất nhiều bạn đọc đã gửi bình luận bày tỏ thái độ bức xúc trước sự lãng phí của dự án xe buýt nhanh nghìn tỷ cũng như yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan.

Bạn đọc Lương Quang Phiệt đồng tình: “Phải có người chịu trách nhiệm các công trình này. Nếu không tìm ra thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Đây là các công trình làm nghèo đất nước và mắc nợ với dân”.

Bạn đọc Hồ Thanh Quang cho rằng: “Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công ngày càng gia tăng, chính phủ vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý triệt để thì sẽ còn nhiều dự án kiểu này sẽ xuất hiện nay mai với mức độ cũng ngày càng tăng !”. Không chỉ dự án xe buýt nhanh nghìn tỷ này, nhiều bạn đọc còn dẫn ra các dự án nghìn tỷ lãng phí khác như dự án thép Thái Nguyên, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam...

Bạn đọc Hùng Hoàng dẫn: “Còn dự án luyện thép Thái Nguyên nữa. Bao nhiêu nghìn tỷ đang chuẩn bị dỡ thành sắt vụn cho vào lò luyện. Dự án Nhà máy Giấy Phương Nam Long An 3.000 tỷ đắp chiếu. Còn nhiều nhiều thứ nghìn tỷ không thống kê hết được…”.

Dự án xe buýt nhanh lãng phí, kém hiệu quả khiến bức tranh giao thông Hà Nội thêm “rối ren”. Bên cạnh đó, gánh nặng trả nợ nguồn vốn vay khoảng 55,53 triệu đô của dự án lại chính là những giọt mồ hôi, công sức của người dân. Dư luận đang rất mong chờ các ngành, các cấp có những chỉ đạo cụ thể trong việc tìm ra “lối thoát” cho dự án xe buýt nhanh nghìn tỷ này cũng như việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan nếu dự án không hiệu quả.

Nguyễn Hương
.
.
.