Sao lại "né" tiếp dân?

Thứ Bảy, 23/10/2021, 09:42

Đành rằng trong gần hai năm qua là thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương căng thẳng đối phó với dịch bệnh, phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội thế nhưng không thể viện dẫn lý do này để không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình là "tiếp công dân". Bởi nếu giãn cách thì hoàn toàn có thể tiếp công dân "online", giao lưu trực tuyến để lắng nghe và giải quyết thấu tình, đạt lý các vướng mắc, bức xúc của người dân.

Theo Luật Tiếp công dân quy định tại khoản 5, Điều 12: Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 tháng/ lần, Chủ tịch UBND cấp huyện thì 2 tuần/ lần, Chủ tịch UBND cấp xã ít nhất 1 tuần/ lần. Tuy nhiên, theo Báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp 2021 được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra trong tuần qua cho thấy, trong kỳ giám sát 18 tháng, số lượng ngày tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh tính bình quân trên địa bàn toàn quốc đạt 42% theo quy định; trong đó, nhiều Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân một, hai ngày, thậm chí có người không tiếp dân ngày nào.

Đành rằng trong gần hai năm qua là thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương căng thẳng đối phó với dịch bệnh, phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội thế nhưng không thể viện dẫn lý do này để không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình là "tiếp công dân". Bởi nếu giãn cách thì hoàn toàn có thể tiếp công dân "online", giao lưu trực tuyến để lắng nghe và giải quyết thấu tình, đạt lý các vướng mắc, bức xúc của người dân.

Thời gian qua, việc cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu ngại tiếp dân, ngại lắng nghe phản ánh, kiến nghị giải quyết những vấn đề bấp cập trong đời sống xã hội không chỉ xảy ra ở cấp tỉnh mà ở hầu khắp các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước. Thật đáng buồn khi những bức xúc về tình trạng dịch bệnh đe dọa tính mạng, khó khăn trong đi lại, mất việc làm, không có thu nhập khiến cuộc sống bấp bênh, trong khi giá cả leo thang, nguồn hàng khan hiếm… phản ánh lên chính quyền nhưng sự việc lại rơi vào im lặng, dẫn tới mâu thuẫn, tranh chấp, tụ tập đông người phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển kinh tế, xã hội cũng như đời sống của người dân.

Chúng ta đều biết, bản thân các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không phải lúc nào cũng đầy đủ. Do đó, việc người dân không hiểu và có ý kiến phản hồi cũng là điều đương nhiên, nhưng bất luận thế nào, việc của người dân cũng thuộc về trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước sinh ra để phục vụ nhân dân, cán bộ, đảng viên phải là công bộc của dân. Chính quyền làm có đúng, nhưng dân chưa hiểu là do cán bộ, do chính quyền chưa làm cho dân hiểu, chứ đây không phải do người dân.

Việc giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân; đồng thời củng cố được mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Nhưng chính từ việc xa dân, không lắng nghe dân để nắm bắt sát thực tế đời sống chính là nguyên nhân dẫn đến việc đưa ra những quyết định, quy định không phù hợp, thiếu kịp thời, kém hiệu quả. Thậm chí, đã có nhiều quy định "trên trời" của các cấp lãnh đạo khiến người dân bức xúc - bệnh quan liêu cũng từ đó mà ra. Nhìn bề ngoài khó có thể thấy những hậu quả mà nó gây ra, nhưng kỳ thực tác hại của nó không hề nhỏ. Nguy hiểm hơn cả là niềm tin của dân đã bị bào mòn tạo ra những hố sâu ngăn cách ngày càng lớn giữa người dân và cán bộ.

Khi lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị, địa phương thường xuyên, trực tiếp đối thoại với dân sẽ khiến những cán bộ cấp dưới đều phải nỗ lực tìm hiểu, soát xét, nắm vững công việc cũng như tình hình của lĩnh vực được giao phụ trách để khi đứng trước dân có thể trả lời rõ ràng, cụ thể mọi việc. Áp lực đó buộc cán bộ, công chức phải nỗ lực, năng động để nắm bắt rành rẽ nhiều công việc, nhiều lĩnh vực hơn trước.

Thường xuyên tiếp dân có cái lợi là sẽ được nghe nhiều lời nói thật, chân tình giúp cán bộ lãnh đạo có cái nhìn sâu sát hơn về những việc đã qua, những việc đang diễn ra và cả những gì sắp xảy đến; từ đó mới thấy được một số việc, một số lĩnh vực mình chưa hiểu, chưa nắm bắt được thấu đáo, mới cảm nhận được đầy đủ, chính xác sự việc để đề ra những phương án giải quyết công việc thấu tình, đạt lý. Nếu làm được như vậy thì dân nào chẳng tin, chẳng phục.

Mong rằng, Đảng, Nhà nước sớm có những chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những cán bộ lãnh đạo "né" tiếp dân nhằm thay đổi quan hệ cố hữu về việc ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, để việc tiếp công dân phải được duy trì thường xuyên cho đến khi nó ăn vào máu cán bộ, công chức. Vạn sự khởi đầu nan, nếu không đi, chúng ta sẽ không bao giờ đến đích, không bắt đầu sẽ không khi nào có được thành quả.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên: "Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn". Có lẽ đây là điều căn dặn mà mỗi người cán bộ, công chức nói chung và lãnh đạo nói riêng luôn phải suy ngẫm và khắc ghi ở trong lòng.

Cù Tất Dũng
.
.
.