Nguyễn Bình Phương: Hành trình cách tân tiểu thuyết

Thứ Năm, 28/07/2022, 15:18

Ngày 18/7 vừa qua, Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học "Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại".

Tại buổi tọa đàm này, các nhà nghiên cứu, nhà phê bình đã trình bày những quan điểm, kiến giải về tư duy nghệ thuật, lối viết độc đáo của nhà văn Nguyễn Bình Phương đồng thời đưa ra những đánh giá về vai trò, vị trí của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong tiến trình vận động văn học Việt Nam đương đại.

Theo TS. Đỗ Hải Ninh - Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, thuộc Viện Văn học, tọa đàm khoa học "Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại" đã nhận được gần 30 tham luận của các nhà giáo, nhà văn, nhà lý luận phê bình trên cả nước như: PGS.TS Lê Tú Anh (Đại học Hồng Đức) với "Đối thoại trong "Một ví dụ xoàng" của Nguyễn Bình Phương"; PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện trưởng Viện Văn học) với "Vào cõi Nguyễn Bình Phương"; TS Huỳnh Thu Hậu (Đại học Quảng Nam) với "Nghịch dị trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương"; nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) với "Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương - vài ví dụ xoàng"; TS. Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học) với "Tiếp nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương"; PGS.TS Trần Đình Sử (Đại học Sư phạm Hà Nội) với "Tự sự về tội ác - Đọc "Một ví dụ xoàng" của Nguyễn Bình Phương"; TS Hà Thanh Vân (Đại học Thủ Dầu Một) với "Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Bình Phương: Từ liên văn bản đến liên văn hóa để văn chương hướng tới chân trời tự do"… Trong đó, do khuôn khổ về thời gian nên nhiều tham luận đóng góp tiếng nói về tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đã không kịp trình bày tại buổi tọa đàm học thuật được tổ chức hết sức nghiêm túc, công phu này. Theo Ban tổ chức, tất cả các ý kiến của các diễn giả, học giả, nhà phê bình sẽ được Viện Văn học thu thập, chỉnh sửa để sau tọa đàm in thành một cuốn sách.

untitled-3.jpg -0
Tọa đàm khoa học "Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại" diễn ra ngày 18/7 do Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Kể từ khi tiểu thuyết đầu tay ra đời năm 1991 đến nay, hơn 30 năm qua Nguyễn Bình Phương luôn "ngồi riêng một cõi" và bền bỉ sáng tác bằng phong cách nghệ thuật khác biệt. Ông đã xuất bản 10 cuốn tiểu thuyết bao gồm: "Vào cõi" (1991), "Bả giời" (1991), "Những đứa trẻ chết già" (1994), "Người đi vắng" (1999), "Trí nhớ suy tàn" (2.000), "Thoạt kỳ thủy" (2004), "Ngồi" (2006), "Xe lên xe xuống" (2011) sau đổi thành "Mình và họ"), "Kể xong rồi đi" (2017), "Một ví dụ xoàng" (2021). Trong đó, tiểu thuyết "Mình và họ" được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015 và tiểu thuyết "Một ví dụ xoàng" được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.

Nói về lý do trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 cho tác phẩm "Một ví dụ xoàng", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho hay: "Giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2021 là giải thưởng đầu tiên tiếp cận văn học có sự khác biệt. Chúng tôi vui vì đã tìm được những tác phẩm xứng đáng để trao giải. Có lúc chúng tôi đã phải "đe dọa" để Nguyễn Bình Phương nhận giải cho tác phẩm "Một ví dụ xoàng", vì chúng tôi đã "phá lệ" trao giải thưởng cho người trong Ban chấp hành Hội Nhà văn".

Ông cũng bày tỏ quan điểm riêng của mình về tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương: "Dù nhiều người nói tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương không hiện thực. Nhưng Nguyễn Bình Phương là người công bằng nhất với hiện thực của xã hội, với con người. Nguyễn Bình Phương không phán xét cụ thể, không vạch định ra đúng sai, không có ý đồ dẫn bạn đọc đi vào một lối nào đó trong tính mê dụ của mình, mà để cho độc giả tự nhận thức qua việc tiếp nhận tác phẩm…".

Về sự khác biệt của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học đưa ra nhận định cho rằng: "Nguyễn Bình Phương là người dám tuyên bố từ chối các điển hình nghệ thuật. Tức là từ giã mô hình "đại tự sự" để bước về các "tiểu tự sự", để khơi thức những chiều kích bí ẩn của vô thức bằng cái nhìn ngược sáng. Nguyễn Bình Phương nhìn dương bản đời sống từ cái nhìn âm bản. Và với cái nhìn như thế, một thế giới hiện lên trong thế giới nghệ thuật của anh là một thế giới hỗn độn, ẩn chứa một chiều kích để bước ra phi thực của hiện thực. Nó giống một hình thức kiến tạo tư tưởng trong lãnh địa tiểu thuyết…".

Ngoài ra, các ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu như Văn Chinh, Trần Đăng Khoa, Trần Đình Sử, Lê Dục Tú, Phạm Xuân Nguyên… đều có điểm chung khi cho rằng, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương tiêu biểu cho xu hướng cách tân nghệ thuật với lối viết biến ảo, linh hoạt và phá vỡ cấu trúc tiểu thuyết truyền thống. Nguyễn Bình Phương đã tạo nên thế giới nhân vật dị biệt nhưng không hề xa lạ với đời sống đương đại. Mỗi cuốn tiểu thuyết của ông là hành trình khám phá con người ở chiều sâu vô thức hoặc trong "bản năng gốc" của nó. Tuy vậy, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không dễ tiếp nhận và luôn gây ra nhiều tranh cãi với những đánh giá khen chê phong phú, đa chiều.

Cuộc tọa đàm khoa học "Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong chuyển động của văn học Việt Nam đương đại" tiếp tục ghi nhận thêm những ý kiến đa chiều về một "hiện tượng lạ" trong dòng chảy văn học. Ngoài ra, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là phương tiện để các nhà phê bình thử thách, thi triển các "môn phái", nhưng qua đó cũng thấy được khả năng đáp ứng "tầm đón đợi" của người đọc và độ mở của văn bản". 

PGS. TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng Khoa Văn - Trường Đại học Khoa học, Xã hội & Nhân văn:

untitled-4.jpg -0

Ở "Mình và họ" hay "Một ví dụ xoàng" của Nguyễn Bình Phương, ta bắt gặp một kiểu diễn ngôn mới. Chúng ta không thể nói về thiện - ác, tốt - xấu với cái kiểu diễn ngôn đó. Chúng ta cũng không thể đem quy phạm đạo đức theo kiểu một tên tội phạm hay người điên để đánh giá với kiểu diễn ngôn ấy. Trong "Một ví dụ xoàng", kiểu diễn ngôn mới này trở nên hoàn thiện. Tôi đọc "Một ví dụ xoàng" trong sự liên văn bản tới "L'étranger" (Kẻ xa lạ) của Albert Camus. Trong khi Albert Camus mới chỉ đặt ra hai lập trường để đối thoại, xung đột với nhau để cho thấy sự khác biệt của hai lập trường này, thì Nguyễn Bình Phương lại bày ra một dãy các lập trường, một loạt các điểm nhìn với các diễn ngôn khác nhau về con người, về tội ác và vụ án ấy để cho người đọc tự suy xét, tự đánh giá.

Tôi không biết giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 hay năm 2021 đã được trao như thế nào, bàn luận và đấu tranh như thế nào. Nhưng ít nhất sau 30 năm, giải thưởng này đã trao cho một tác phẩm tạo nên dấu mốc, tạo nên một thứ văn học khác với giai đoạn trước. Tôi cho rằng, giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 với "Một ví dụ xoàng" hoàn toàn có thể đặt nó ngang hàng với giải thưởng năm 1991 với "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh trong ý nghĩa, tiến trình của văn học sử Việt Nam.

Nguyệt Hà
.
.
.