Nguồn cảm hứng vô tận từ chiến tranh vệ quốc

Thứ Sáu, 15/11/2024, 08:29

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng tràn đầy cảm xúc và rất đáng nhớ trong tháng 11/2024, đó là hai sự kiện diễn ra ở hai đầu đất nước, một sự kiện ở Thủ đô Hà Nội và một sự kiện ở Bình Phước - một tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ có cửa ngõ đồng thời là cầu nối của vùng với Tây Nguyên và Campuchia.

Tại Thủ đô Hà Nội, báo chí thông tin nhiều đoạn đường dẫn đến phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm đã có những thời điểm ùn tắc vì dòng người không chỉ từ các quận, huyện của Hà Nội mà còn ở các tỉnh xa nối nhau kéo về thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (km6+500 đại lộ Thăng Long) trong những ngày đầu mở cửa, dù thời tiết nắng nóng, hanh khô. Bãi để xe của bảo tàng với sức chứa hơn 1.000 xe chật kín chỗ. Đại lộ Thăng Long lớn như thế vẫn có thời điểm bị tắc.

2.jpg -0
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mở cửa đã thu hút nhiều khách trong nước và nước ngoài đến tham quan.

Trong khi đó, một nơi thực sự là vùng sâu vùng xa như sóc Bom Bo ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, dù sự kiện lễ hội "Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” lần đầu tiên được tổ chức và đêm 10/11 mới khai mạc nhưng từ sáng sớm, các tuyến đường hướng về đây đã chật ních người từ nhiều miền đất nước và nhiều du khách nước ngoài.

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng khởi công xây dựng từ năm 2019 trên diện tích 386.600 m2, tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, là nơi lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 Bảo vật quốc gia và nhiều khí tài quân sự. Quy mô công trình gồm 4 tầng nổi và 1 tầng hầm nhưng chưa hoàn thiện 100% nên hiện mới mở cửa tham quan ở không gian tầng 1 với khung giờ buổi sáng 8-11h và buổi chiều là 13-16h30 các ngày trong tuần.

Điều gì đã thu hút dân chúng hào hứng đến với hai sự kiện này đến độ “bùng nổ”? Câu trả lời thực ra rất đơn giản. Đấy chính là việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng như việc tổ chức lễ hội "Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” đều đã chạm được vào trái tim của những người dân yêu nước.

Mà, cũng không có gì khó hiểu, vì trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với nhiều kẻ xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn nhiều lần, nhưng cuối cùng chiến thắng luôn thuộc về chúng ta. Cội nguồn sức mạnh làm nên những chiến thắng đó không gì hơn ngoài nền tảng văn hóa dân tộc.

Các cuộc chiến tranh của dân tộc ta nhằm giành và giữ độc lập dân tộc là hành động văn hóa, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, vì chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng; bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ các giá trị văn hóa, văn minh, lòng tự tôn dân tộc; đồng thời, chống lại hành động xâm lược, nô dịch, tàn sát, cướp bóc - tức là chống lại cái ác, cái tham lam, bất chính; chống lại những gì phản văn hóa, phản văn minh.

Vì thế, việc đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một sự đầu tư đúng đắn để làm nơi hun đúc truyền thống, giáo dục tình yêu nước. Điều đó đã chạm được đến tình cảm thiêng liêng của các thế hệ đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Còn đến Bom Bo là không chỉ được sống trong sự sôi động của các hoạt động văn hóa, thể thao đậm đà bản sắc của 34 dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đăng, mà còn cảm nhận được giá trị, sức sống mãnh liệt, cùng tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết của các dân tộc tại sóc Bom Bo và các sóc trong vùng căn cứ đã từng tập trung toàn bộ lực lượng, toàn bộ vật dụng hiện có, dùng cây sao dài khoét thành hàng chục lỗ cối để giã gạo không kể ngày đêm, kịp thời phục vụ chiến trường.

“Tiếng chày trên sóc Bom Bo” - một sáng tác của cố nhạc sĩ Xuân Hồng ra đời trong hoàn cảnh đó, với cảm hứng từ hiện thực hào hùng sinh động ấy nên đã trở thành một ca khúc sống mãi với thời gian.

2024 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến lịch sử Quân đội nhân dân và quốc phòng toàn dân. Riêng với hoạt động sáng tác văn học, tháng 8/2024, trại sáng tác văn học về đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” năm 2024, do NXB Quân đội nhân dân phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, đã bế mạc và gặt hái được 18 bản thảo với gần 20 nghìn trang viết; trong đó có 9 tiểu thuyết, 2 trường ca, 4 tập bút ký, 2 tập truyện ngắn và một chuyên luận phê bình văn học.

Trước đó, tháng 8/2023, một trại sáng tác văn học về đề tài tương tự cũng được NXB Quân đội nhân dân phối hợp Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức tại Đà Nẵng. Các văn nghệ sĩ tham gia trại đã cho ra đời 17 bản thảo cơ bản hoàn chỉnh với gần 20 nghìn trang viết, trong đó có 11 tiểu thuyết, 1 trường ca, 4 tập bút ký và 1 chuyên luận phê bình văn học.

Tất cả các bản thảo của cả hai trại sáng tác văn học này đều hướng về kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Từ những sự kiện này để thấy, chiến tranh vệ quốc, bảo vệ độc lập dân tộc luôn là mạch nguồn cảm hứng vô tận và vẫn còn tầng tầng, lớp lớp những “vỉa quặng quý” mà chúng ta chưa khai thác hết. Những “vỉa quặng quý” ấy luôn đủ sức lay động trái tim không chỉ của con dân nước Việt, mà còn với cả những người bạn quốc tế gắn bó với một đất nước yêu chuộng hòa bình. Đó cũng là nguồn đề tài luôn thao thức của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam.

Lương Duy Cường
.
.
.