Cuộc chơi của cảm xúc

Thứ Bảy, 16/09/2023, 13:47

Giữa không khí rộn ràng của năm học mới bỗng xuất hiện một chủ đề khá hot có tên gọi “Đi học livestream” dành cho các... phụ huynh. Chúng ta có nhất thiết phải học để biết cách nói chuyện với số đông, biết cách dẫn dắt nhiều người sử dụng sản phẩm của mình?

Theo một thống kê, trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 70 đến 80 nghìn phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Cùng với sự trợ giúp của Bizfly Chat, bán hàng trực tuyến đang chiếm ưu thế vượt trội, lấn át các gian hàng kiểu truyền thống được bày bán. Vậy là, từ thói quen đi chợ để ngắm nghía, đối sánh, mặc cả, cân nhắc và giao tiếp…

chúng ta sẽ sống như thế nào trước sự phát triển của ai-ảnh báo dân trí.jpg -0
Chúng ta sẽ sống như thế nào trước sự phát triển của AI?

Giờ đây đã hình thành cách đi chợ trực tuyến. Một người muốn livestream bán hàng nhất thiết phải chuẩn bị một kịch bản cơ bản như: Thông báo mục đích của buổi livestream, kiểm tra lại các thiết bị hỗ trợ livestream (đèn, điện thoại, máy tính, phần mềm livestream, micro, đường truyền Internet,...); Tổ chức minigame; thông báo những sản phẩm nào sẽ được giới thiệu trong buổi livestream tiếp theo… Người mua hàng cũng phải theo dõi, phân tích và bình luận cho đến khi đưa ra quyết định có đặt hàng hay không. Từ đó nảy sinh một hình thức giao tiếp mới mẻ dẫu chỉ diễn ra trực tuyến nhưng chất lượng sản phẩm, uy tín và khả năng tương tác không hề thua kém.

Người viết xin kể một câu chuyện khác. Những ngày gần đây, nhiều “tín đồ” của cà phê ở Hà Nội đã được đáp ứng bởi những chiếc xe cà phê di động. Đây không phải hình thức mới nhưng bỗng nhiên được chú ý. Một người kinh doanh hình thức này đã giãi bày: “So với mở quán, xe cà phê di động thuận tiện bởi không mất tiền thuê mặt bằng, bàn ghế hay đồ trang trí, lại dễ thu hút khách nếu sản phẩm chất lượng" (anh Lê Tâm, theo: vnexpress.net).

Rõ ràng, đây là hai hiện tượng khá thú vị, một đằng là sử dụng công nghệ mới để khai thác yếu tố truyền thống đó là lòng tin của người mua hàng trực tuyến (vì không trực tiếp gặp mặt người bán, kiểm tra sản phẩm) và một đằng là phát huy thế mạnh hình thức bán hàng rong truyền thống tại các đô thị đáp ứng nhu cầu của người mua mà không phát sinh chi phí giao hàng.

Từ hai câu chuyện cụ thể vừa kể trên người viết nhớ đến một bài viết của chuyên gia công nghệ Đào Trung Thành có tên “Sống sót trong thời trí tuệ nhân tạo”, trong bài có đoạn viết: “Hãy nhớ rằng, con người có một điều mà AI chưa bao giờ có ở thời điểm hiện tại, đó là tình yêu, sự sáng tạo và ý thức. Điều này không chỉ giúp chúng ta sống sót mà còn cho phép chúng ta phát triển và thịnh vượng” (theo Dân trí). Như vậy, “tình yêu, sự sáng tạo và ý thức” là những thế mạnh “độc quyền” mà chỉ con người mới có và nó cũng thuộc về phương diện văn hóa. Hay nói cách khác, đó là sự khác biệt, là bí quyết “sinh tồn” để chúng ta không bị máy móc “đồng hóa” trong cuộc chơi công nghệ này. Đến đây, chúng ta nhận ra hai xu thế, hai dòng chảy khác biệt: thích nghi với những tiện ích và phản ứng lại sự xâm thực của đời sống công nghệ. Hai xu thế này vừa mâu thuẫn, vừa thống nhất và phụ thuộc vào cách tiếp cận của mỗi nền văn hóa cũng như bản thân mỗi con người.

triển lãm lit - bật sáng với trải nghiệm một không gian nghệ thuật thị giác và công nghệ trình chiếu mapping sống động-ảnh hoàn bảo-báo tuổi trẻ thủ đô.jpg -2
Triển lãm LIT - Bật sáng với trải nghiệm một không gian nghệ thuật thị giác và công nghệ trình chiếu mapping sống động.

Chúng ta đều biết rằng, về mặt kĩ thuật để tiếp cận công nghệ mới cần những bước cơ bản như: Tự tìm tài liệu (search); nền tảng (fundamentals); kiến thức (information); kỹ năng (skills). Tuy nhiên, về mặt văn hóa, đằng sau sự tiếp cận này sẽ tạo ra những tác động đến đời sống tinh thần. Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Anh cho rằng: “Đó là sự thay đổi một số quan niệm, thói quen của một bộ phận người dân, từ nặng về duy tình sang duy lý, vị tình sang vị tiền; là xu hướng cho rằng gia đình không còn là trung tâm; các yếu tố mang giá trị vật chất phần nào thay thế cho yếu tố tinh thần, tình cảm; là sự hình thành tư tưởng hoài nghi, chối bỏ các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc; là sự băng hoại về đạo đức, sự xuống cấp trong các quan hệ xã hội, đặc biệt là sự lệch lạc về nhận thức, sống thiếu lý tưởng trong một bộ phận giới trẻ; là sự gia tăng khoảng cách các thế hệ trong nhận thức các giá trị văn hóa chuẩn mực…” (theo: Tạp chí Cộng sản).

Từ những tác động mà tác giả chỉ ra, chúng ta nhận ra cần thiết phải có một cơ chế điều chỉnh. Điều này không chỉ dừng ở tư duy lí luận mà cần sự điều chỉnh cụ thể ở các quy định, quy tắc, suy nghĩ của từng cá nhân. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng ở thời điểm năm 2021 là một động thái kịp thời. Tiện ích của giao dịch điện tử (cũng như rất nhiều lợi ích từ công nghệ khác) đã được khẳng định nhưng những biến đổi về mặt văn hóa thì khó có nhà phát minh hay hãng sản xuất nào có thể lường trước và chịu trách nhiệm.

Trí tuệ và cảm xúc là hai phạm trù được nhắc đến nhiều nhất trong thời đại 4.0. Khi AI đã và đang dần “gánh vác” cho con người phần trí tuệ sáng tạo, vận dụng, ứng phó thì ngược lại, cảm xúc đang đè nặng lên đôi vai của chúng ta. Cảm xúc ấy đâu chỉ là “thất tình lục dục” của cá nhân mà còn là thái độ ứng xử, quan niệm văn hóa của từng thời điểm khác nhau.

một buổi học  livestream-ảnh tấn đạt-báo thanh niên.jpg -1
Một buổi học livestream.

Còn nhớ, khi nhà thơ Sergey Yesenin (1895-1925) nhìn thấy đoàn tàu hoả phóng vượt lên, bỏ lại đằng sau con tuấn mã của đồng cỏ, ông đã bật khóc. Cảm xúc của thi sĩ trước sự thay đổi của xã hội từ truyền thống đến hiện đại là bài học cho chúng ta hôm nay. Công nghệ, khoa học là thành tựu của văn minh nhân loại được đo đếm, định lượng bằng năng suất, chất lượng. Trong khi, văn hóa lại được tiếp biến qua những biến chuyển của nhân loại. Con người đâu chỉ ứng xử với thiên nhiên, với các mối quan hệ xã hội mà còn cả ở sự đổi thay trong nề nếp sinh hoạt của mình.

Nhà văn Anatole France (1844-1924) từng nói: “Con người không bao giờ được lãng phí thời gian vô ích để tiếc nuối quá khứ hay phàn nàn về những thay đổi khiến mình khó chịu, bởi thay đổi là bản chất của cuộc sống”. Bản chất của cuộc sống được nhà văn người Pháp chỉ ra bằng cái nhìn biện chứng với tư duy cởi mở sẽ luôn có “đất” cho những cảm xúc mới đâm chồi nảy lộc. Một người quyết định oder mặt hàng nào khi theo dõi livestream có thể bị cảm xúc chi phối; một nhân viên văn phòng cần đến ly cà phê bán trên xe bán hàng di động để có nguồn cảm hứng cho ngày làm việc mới. Từ những phần mềm học tập môn Lịch sử có tên “Cội nguồn Việt” của đồng tác giả Trần Thị Ngọc Lan và Trần Phước Đại cho đến mong ước có nhiều mô hình Smartschool trong giáo dục; triển lãm LIT - Bật sáng tại TP Hồ Chí Minh đầu năm 2023…

Cảm hứng luôn đồng hành với hành trình của trí tuệ con người. Từ cuộc sống nguyên thủy đến thời đại công nghệ là một chặng đường dài, trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi, chấp nhận và từ bỏ, sàng lọc, lựa chọn. Chính văn hóa với sự thể hiện ở cảm xúc đã mở ra “cuộc chơi” bất tận cho con người, giúp chúng ta nhận ra điều gì là chân giá trị, điều gì cần phải đấu tranh, phản bác để bảo vệ các giá trị nhân văn cao cả. Trước những dự đoán về công nghệ trong tương lai như: Metaverse (vũ trụ ảo); Bản sao số và công nghệ in 3D; điện toán lượng… cảm xúc, tình cảm thẩm mỹ sẽ giúp chúng ta nhận diện, hình thành những yếu tố văn hóa cộng đồng mới, giúp hài hòa, thích nghi trong cuộc sống này…

Lương Việt
.
.
.