"Xuất bản số": Những thách thức về nguồn nhân lực

Thứ Bảy, 17/11/2018, 07:41
Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nhãn quan chính trị cho cán bộ, biên tập viên của ngành xuất bản ở nước ta hiện nay là một khâu quan trọng, then chốt trong hoạt động xuất bản, là khâu phát hiện ngăn chặn những tác phẩm, tài liệu có nội dung chưa phù hợp ảnh hưởng tới xã hội...


Thay đổi hay là... "chết"?

Cuối tháng 10 vừa qua, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật đã tổ chức Hội thảo khoa học mang tên "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0".

Đụng chạm đến một vấn đề "thời thượng" là nguồn nhân lực xuất bản trong thuật ngữ "cách mạng công nghiệp 4.0", Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ biên tập các NXB, giảng viên các Khoa Xuất bản của các trường đào tạo.

Trong những nội dung quan trọng đã được đề cập tại Hội thảo về việc làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành xuất bản trong cuộc cách mạng 4.0, các ý kiến phát biểu đều chỉ ra rằng, cuộc cách mạng 4.0 với sự kết hợp các công nghệ và thông tin số hóa, internet kết nối thông minh, công nghệ robot in 3D... đã và đang tạo ra sự thay đổi đột biến trong toàn bộ hoạt động xuất bản.

Những thay đổi này sẽ đem lại nhiều cơ hội và tiền đề cho sự thay đổi nhanh và mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa - xuất bản, song nó cũng tạo ra những áp lực rất lớn buộc các chủ thể của ngành này phải thay đổi về tư duy, cách làm việc trong các hoạt động xuất bản - in và phát hành của mình, với xuất bản số, xuất bản điện tử đã trở thành xu thế tất yếu.

Thế nhưng, khác với những nhìn nhận lạc quan tại Hội thảo, theo ghi nhận của phóng viên, cho đến nay, hầu hết các NXB có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá yếu kém so với mặt bằng chung. Sự trì trệ, phong cách làm việc kiểu "bao cấp" vẫn rơi rớt ở nhiều nơi.

Trừ những đơn vị nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn có những phương thức mới trong hoạt động nghiệp vụ cũng như cách tiếp cận thị trường như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng... số còn lại hầu như đang rất loay hoay trong bài toán làm thế nào để dần chuyển đổi phương thức xuất bản truyền thống sang phương thức xuất bản số hóa - điện tử.

Bởi có lẽ cũng đã hàng chục năm nay, nhiều NXB đã không còn sống được với đúng chuyên môn nghiệp vụ của mình, mà chủ yếu sống bằng việc bán giấy phép cho các đơn vị xuất bản tư nhân, tổ chức in và phát hành các loại lịch, thậm chí nguồn thu chủ yếu là đến từ việc cho thuê... trụ sở.

Vì thế, có quá nhiều vấn đề cần đặt ra khi ngành xuất bản đang từng bước thực hiện việc chuyển đổi này, trong đó ngoài vấn đề kinh phí sẽ trở thành một câu hỏi lớn, còn là việc chuẩn bị một nguồn nhân lực đủ để xuất bản số hóa - điện tử sẽ dần thay thế hoặc thay thế một phần xuất bản truyền thống.

Hội thảo "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0" thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý, đào tạo ngành Xuất bản.

Ngoài kiến thức chuyên môn sâu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ xuất bản phải có tính năng động, sáng tạo, có năng lực ngoại ngữ - tin học, thậm chí cả những kiến thức khoa học - công nghệ cần thiết để có thể tiếp cận những ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động quản lý chuyên môn, tương ứng với phương thức xuất bản mới.

Và điều này đối với ngành xuất bản vẫn là quá xa vời, thậm chí nếu là lạc quan thì chỉ là "lạc quan tếu" mà thôi. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến không ngần ngại tỏ ra bi quan về tương lai khá mơ hồ của xuất bản số hóa - điện tử. Bởi lẽ, hiện trạng hiện nay, việc tiếp cận với "công nghệ 4.0" của ngành xuất bản đang là số... 0.

Vì vậy, câu hỏi đang đặt ra hiện nay sẽ là: "Thay đổi hay là... chết?". Bởi vì xuất bản truyền thống đương nhiên sẽ trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh quyết liệt của thị trường mới, có nguy cơ "chết yểu" nếu không chịu đầu tư, thay đổi. "Cái chết" của một số NXB, các tờ báo từng nổi tiếng trên thế giới chắc sẽ là một bài học lớn cho tình trạng "ngắc ngoải" của nhiều NXB đang bị mắc kẹt giữa truyền thống và hiện đại của Việt Nam.

Bởi vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ - biên tập viên, còn là việc quy hoạch lại ngành xuất bản. "Nhà" nào đủ sức mạnh chống chọi với phong ba bão táp thì để lại, còn "nhà" nào xiêu vẹo, dột nát cũng cần có kế hoạch chuyển đổi, giải thể cho phù hợp với tình hình mới.

Đại tá, Thạc sĩ Mã Duy Quân - Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập phụ trách NXB CAND: Biên tập viên có trách nhiệm hết sức nặng nề

Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nhãn quan chính trị cho cán bộ, biên tập viên của ngành xuất bản ở nước ta hiện nay là một khâu quan trọng, then chốt trong hoạt động xuất bản, là khâu phát hiện ngăn chặn những tác phẩm, tài liệu có nội dung chưa phù hợp ảnh hưởng tới xã hội.

Do nhận thức về chính trị, tính nhạy bén của đội ngũ biên tập không đồng đều nên còn để xảy ra sơ hở thiếu sót trong thẩm định, biên tập, đọc đánh giá bản thảo. Luật pháp bảo vệ biên tập viên, trong Mục b, Điều 19 của Luật Xuất bản có ghi: "biên tập viên nhà xuất bản được từ chối biên tập bản thảo tác phẩm, tài liệu mà mà nội dung có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 (những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản) của Luật này và báo cáo Tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập nhà xuất bản bằng văn bản".

Như vậy, sau tên tác giả, sau Giám đốc, Tổng biên tập là biên tập viên. Điều đó đặt ra cho biên tập viên một trách nhiệm hết sức nặng nề khi đứng trước một tác phẩm. Biên tập viên phải nêu cao ý thức và vị trí của mình hơn nữa bằng cách đọc duyệt kỹ thẩm định tác phẩm, viết lời giới thiệu, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm xuất bản ngay từ khâu đầu tiên là biên tập xuất bản...

Muốn làm được như vậy đòi hỏi các đơn vị phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức, phẩm chất trong đội ngũ cán bộ, biên tập viên, nâng cao tinh thần tự giác cao trong các quy trình tác nghiệp, luôn tự răn mình trước những cám dỗ vật chất và có nhãn quan chính trị đúng đắn để hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra...

Bà Khúc Thị Hoa Phượng  - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ: Cần sự liên kết để tạo ra một "thị trường bạn đọc"

Theo tôi, hiện trạng của ngành xuất bản trước cuộc cách mạng 4.0 là đang ở số Mo (số 0). Qua rà soát, năm nay NXB Phụ nữ cũng đặt một chủ trương là cố gắng để xây dựng một hệ thống sách điện tử. Chúng tôi cũng đã đi nghiên cứu, học hỏi một số NXB đi trước phương thức này như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Giáo dục là những đơn vị đi đầu trong khu vực xuất bản có vốn nhà nước.

Nhưng tôi thấy, việc bảo vệ bản quyền đối với phương thức xuất bản này đang còn có nhiều khó khăn. Đối với khu vực xuất bản tư nhân, chúng tôi thấy nổi lên các đơn vị như Nhã Nam, Anpha Books, Phương Nam, Omega. Trong đó, Phương Nam khi ra mắt sách điện tử cũng rất hoành tráng nhưng chúng tôi chờ đợi thêm những tín hiệu vui nữa.

Trước thực tế hiện nay, chúng tôi cũng thấy rằng những vấn đề đặt ra là rất nhiều. Nhưng đối với các NXB có vốn nhà nước đang có sự thuận lợi, đó là hàng năm vẫn có vốn ngân sách để chi thường xuyên và chi đầu tư, thì hãy cố gắng tận dụng số ngân sách đầu tư để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho phương thức xuất bản mới. Vì nó khá là tốn kém, như các NXB đã làm rồi thì phải cần có 20 đến 30 tỉ cho phương thức xuất bản điện tử mới. Còn với các NXB tư nhân thì theo tôi, họ có bài toán riêng vì họ độc lập, chủ động về vấn đề này.  Nhưng để làm được điều này cần có một quyết tâm lớn.

Còn về nhân lực chuẩn bị cho những phương thức xuất bản mới, gần như chúng ta vẫn chưa thay đổi, chưa có sự chuẩn bị nào cho điều này. Vì thế, bản thân chúng tôi cũng xác định rằng phải đào tạo lại từ đầu đội ngũ cán bộ xuất bản. Tại các NXB hiện nay đều chia ra thành các phòng chuyên môn, nhưng theo tôi có nhóm chuyên sâu, tức là có sự phân bổ lại nguồn nhân lực.

Còn đối với một số đơn vị đào tạo chuyên ngành xuất bản như Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn... chúng tôi cũng có những chuyển động tích cực trong công tác đào tạo.

Nhưng theo tôi, cần có những hình thức liên kết đào tạo thế nào đó như "thỉnh giảng" những giáo viên có kinh nghiệm làm việc ở các NXB để cho ra lò một nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thời đại mới hay của phương thức xuất bản mới.

Việt Nam có dân số trên 90 triệu người nhưng tính trung bình mỗi người hiện chỉ có 0,6 đầu sách/ năm. Vì thế cho dù chúng ta có cố gắng đến đâu để sản xuất ra những sản phẩm kiểu "nhanh - nhiều - tốt - rẻ" thì chúng ta cũng chỉ có thể phát triển được bằng cách "liên kết ngang" để tác động tạo ra một "thị trường bạn đọc" có chất lượng, vì điều này là quan trọng nhất, nhưng đó không phải là việc làm ngay một sớm một chiều được.

Ví dụ, NXB Phụ nữ sẽ nhận "đầu việc" là giáo dục gia đình, chúng ta sẽ dạy trẻ em đọc sách từ trong gia đình như thế nào. Cần phát huy được năng lực đội ngũ trí thức ở các địa phương để khắc phục tình trạng văn hóa đọc ở các địa phương bị bỏ ngỏ. Chính các đội ngũ trí thức ở địa phương như các nhà giáo, nhà nghiên cứu sẽ phát triển rất tốt vấn đề văn hóa đọc, tạo ra những không gian đọc sách có sức lan tỏa tốt.

Để làm được việc này cần có sự phối hợp, chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo và ngành văn hóa các cấp cùng tham gia.

Ông Nguyễn Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo TƯ,  Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam: Nhiều thách thức với nhân lực ngành Xuất bản

Theo tôi, khó có thể nhận thức đầy đủ, song trước mắt, từ bức tranh phát triển xuất bản thế giới những năm qua, chúng ta có thể nhận diện một số chuyển biến chính của xuất bản trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt là với sự xuất hiện của các sản phẩm xuất bản mới, đó chính là tương lai phát triển của xuất bản  - sách điện tử.

Xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XX, sách điện tử đã làm cho ngành công nghiệp xuất bản thế giới có bước chuyển hóa sâu sắc khi các thiết bị lưu trữ và phổ biến thông tin kỹ thuật số ngày càng chiếm vị trí quan trọng nhờ những ưu thế về dung lượng, sự tiện lợi.

Sách in không còn giữ vị thế độc tôn như những năm trước. Và chỉ sau một thời gian rất ngắn, bằng việc ra đời các thiết bị đọc sách điện tử mà tiêu biểu là thiết bị Amazon Kindle xuất hiện vào tháng 11 năm 2007, hình thức xuất bản và quy mô xuất bản trên thế giới đã tạo ra một bước ngoặt trong ngành công nghiệp xuất bản thế giới.

Hiện nay, sau sự thoái trào của các thiết bị đọc sách độc lập tồn tại, một dòng sách điện tử mới được tích hợp trên nhiều hệ điều hành: Window, Mac, Linux, iOS, Android, Blackberry, WebOS… ngày càng chiếm ưu thế. Hiện, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, gọn nhẹ, độc giả đã có thể có những trải nghiệm tuyệt vời với cảm giác như đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang. Hình ảnh, audio, video được tích hợp vào e-book trên tương tác thời gian thực nên rất trực quan, sống động.

Sự phát triển của điện thoại thông minh cùng độ phủ sóng Internet ngày càng rộng khắp đã trở thành những nhân tố quyết định làm thay đổi phương pháp tiếp cận xuất bản phẩm và văn hoá đọc của đông đảo bạn đọc trên thế giới.

Nhiều nghiên cứu cho rằng, sự "thay đổi lớn" trong ngành xuất bản thương mại được khẳng định bằng chiến thắng vào năm 2011 của tập đoàn Amazon và thiết bị đọc sách điện tử Kindle trước hệ thống nhà sách khổng lồ Borders (trước khi phá sản, Borders có hệ thống nhà sách tại bốn quốc gia: Mỹ, Au stralia, New Zealand và Singapore cùng đội ngũ nhân viên lên đến 16.500 người).

Cùng sự phát triển của công nghệ tăng cường thực tế ảo và thương mại điện tử, cuộc cách mạng trong ngành Xuất bản và phát hành sách cho thấy sẽ còn nhiều biến động trong tương lai gần. Chỉ tính riêng thị trường Mỹ, sự tăng trưởng của sách điện tử trong 5 tháng đầu năm 2017 đã là gần 20%.

Các thư viện trên khắp thế giới ngày càng sử dụng nhiều sách điện tử. Ở các nước công nghiệp phát triển khác, con số tăng trưởng có thể khác nhau nhưng đều vượt trên 14-16% trong 2017 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2018.

Có thể nói, xuất bản điện tử và sách điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày gắn với thời đại công nghệ kỹ thuật số và xu hướng hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực xuất bản thông qua môi trường internet trên phạm vi toàn thế giới.

Bằng sự xóa nhòa mọi giới hạn, ranh giới về không gian, thời gian, Cách mạng 4.0 mở ra một bước ngoặt mới về tốc độ chia sẻ và lan tỏa. Những công đoạn của xuất bản truyền thống (sách in giấy) sẽ được giảm thiểu để sản phẩm đến được tay nhiều độc giả nhất, trong thời gian nhanh nhất.

Thêm nữa, sự phát triển của trí thông minh nhân tạo sẽ giúp cho biên tập viên trong một số khâu công việc, chẳng hạn như tổng hợp tất cả các nguồn thông tin về cùng một chủ đề trên toàn cầu, những robot sẽ thay thế bộ phận chế bản hay nhân công làm kỹ thuật in ấn, giúp NXB tinh giản bộ máy; đồng thời còn giúp NXB kiểm định được chất lượng bản thảo, kiểm soát được tình trạng đạo văn, ăn cắp ý tưởng, tiếp cận được sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học và công nghệ...

Những đánh giá mới đây cho thấy, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ phát triển Internet hàng đầu khu vực và trên thế giới. Theo thống kê của trang WeareSocial cho thấy hiện đã có gần 64 triệu người Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên, đứng thứ 12 trên thế giới; trên 58 triệu tài khoản Facebook, nằm trong Top 10 các quốc gia có số tài khoản facebook.

Việt Nam cũng là thị trường điện thoại di động có mức tăng trưởng rất cao, trong đó mức tăng trưởng của thị trường điện thoại thông minh lên tới 13% hàng năm. Năm 2017 đã có trên 55% người Việt sử dụng điện thoại di động, trong đó có điện thoại thông minh (smarthphone) chiếm 84% so với điện thoại thông thường (featurephone).

Và theo dự báo của Google (Google APAC), đến năm 2020, cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động. Đó là nền tảng quan trọng để chúng ta bước vào giai đoạn xuất bản 4.0.

Thế nhưng cùng với những cơ hội cho sự phát triển sẽ xuất hiện những thách thức mới. Những NXB truyền thống nếu không thích nghi, bắt kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, không ứng dụng kịp thời những thành tựu khoa học công nghệ cùng những lợi thế của xu hướng xuất bản điện tử vào quy trình xuất bản, không có điều kiện về nguồn vốn để thay thế máy móc, trang thiết bị hiện đại, sẽ trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh quyết liệt của thị trường, nguy cơ "chết yểu" là nhãn tiền, không cần phải bàn cãi.

Vì thế các NXB cần phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số; nâng cao chất lượng bản thảo qua sự chủ động, tích cực tìm kiếm những đề tài đúng với "hơi thở" của thời đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc; tăng cường năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ; đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phát hành, marketing giỏi, năng động; lựa chọn những mảng xuất bản đặc thù để xây dựng thương hiệu riêng, độc đáo cho mình; tăng cường xây dựng các website, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, bộ nhận diện thương hiệu, chiến lược phát triển cho đơn vị mình.

 Luật xuất bản năm 2012 đã dành một chương cùng 8 điều khoản quy định về xuất bản điện tử nhằm tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này phát triển. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử diễn biến hết sức phức tạp, trở thành rào cản làm nản lòng các doanh nghiệp hoặc NXB muốn phát triển xuất bản điện tử.

Vấn nạn vi phạm bản quyền vẫn tiếp tục là điểm mấu chốt ngăn cản một thị trường sách điện tử lành mạnh phát triển. Vấn nạn e-book lậu, không bản quyền đang được "phá giá" hoặc bị các cư dân mạng hồn nhiên chia sẻ miễn phí trên rất nhiều diễn đàn, phát tán rộng rãi trên các trang mạng trong và ngoài nước đã phát triển một cách chóng mặt trong thời gian qua.

Sự tồn tại của các webside lậu vi phạm bản quyền một cách công khai như vậy không chỉ làm thiệt hại trực tiếp cho tác giả và NXB cũng như các đơn vị phát hành sách điện tử mà làm xói mòn thị trường sách điện tử mới manh nha hình thành, đồng thời để lại nhiều hệ lụy cả trước mắt cũng như lâu dài. Vì thế, đã đến lúc cần những giải pháp quyết liệt chấm dứt tình trạng này.
Nguyệt Hà - Hà Anh (thực hiện)
.
.
.