Văn hóa đọc của giới trẻ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
- Văn hóa đọc: Văn hóa của nếp sống văn minh và của một xã hội có nhận thức
- Tản mạn về thư viện, văn hóa đọc và giáo dục đại học
- Sách và văn hóa đọc với thiếu nhi
- Văn hóa đọc đang lan tỏa trong nhiều trường CAND
Toàn cầu hóa trên phạm vi toàn thế giới đã thực sự bùng nổ trong vòng hai thập niên trở lại đây. Gắn liền với quá trình đó là sự phát triển của Internet. Internet là phương tiện để "giải hóa" lãnh thổ trên nhiều lĩnh vực, biến thế giới trở thành một làng - như Marshall McLuhan đã gọi - làng toàn cầu (global village). "Nhân loại bị nhồi nhét trong cái làng chật chội đó, nhận tiện ích từ nó và chịu những xoáy lốc của và trong nó, không thoát ra được" (Inrasara, 2012).
Trong cơn lốc của toàn cầu hóa, văn hóa Việt Nam, trong đó có văn hóa đọc của giới trẻ có nhiều thay đổi đáng kể. Nếu văn hóa được xem như một hệ thống các ý nghĩa, biểu trưng và giá trị căn bản để dựa theo đó, các thành viên trong cộng đồng nhận thức, đánh giá, diễn dịch các sự kiện và thực hành các hành vi, ứng xử… thì văn hóa đọc ở giới trẻ, có thể được hiểu là niềm tin, quan niệm, nhu cầu và thực hành của giới trẻ về việc đọc. Vậy, văn hóa đọc của giới trẻ đã biến đổi như thế nào dưới tác động mạnh mẽ và sâu sắc của toàn cầu hóa!
Trên nhiều phương tiện truyền thông những năm gần đây đặt vấn đề - Văn hóa đọc của giới trẻ đang xuống cấp trầm trọng, người trẻ ngày càng lười đọc, văn hóa đọc của giới trẻ Việt đang "chết chìm" trong những tác phẩm ngôn tình 3 xu hay văn hóa đọc - một thứ xa xỉ với giới trẻ thời nay…
Nhiều bài báo lí giải tình trạng xuống cấp của văn hóa đọc ở giới trẻ, từ sự lấn lướt, "bành trướng" của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, đặc biệt là sự bùng nổ của internet. Trong khi giải thích sự thờ ơ của giới trẻ với việc đọc, nhiều ý kiến đã đồng nhất văn hóa đọc với văn hóa đọc sách.
Trong bài viết "Văn hóa đọc sách - một thứ xa xỉ với giới trẻ thời nay", tác giả Mai Hằng (An ninh thế giới, 23/3/2013) cho rằng: "Hiện nay, lớp trẻ đang thờ ơ với văn hóa đọc sách, cái gì nhanh, cái gì tiện thì họ theo dõi và theo dòng chảy thời gian như vậy họ cho rằng đọc sách là không cần thiết.
Xu hướng đọc theo cách "mì ăn liền", đọc nhanh, đọc ngắn và ít có thời gian suy ngẫm đang là trào lưu thịnh hành ở giới trẻ". Phóng sự "Giới trẻ hờ hững với văn hóa đọc vì điện thoại và Internet" (trang thông tin điện tử Tạp chí Lý luận của Ủy ban Dân tộc Chính phủ, 2015) nhận định: "Văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự bùng nổ thông tin - với sự xuất hiện của các loại hình đa phương tiện.
Một phiên chợ sách ở Hà Nội rất đông các bạn trẻ đến xem sách. |
Một thực trạng đáng báo động là việc các bạn trẻ đang phụ thuộc quá nhiều vào các loại hình truyền thông. Thay vì việc lên thư viện tìm sách tham khảo, nhiều bạn sinh viên mang máy tính xách tay lên thư viện ngồi tra cứu bằng các công cụ trên mạng xã hội". "Văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay" (Thái Nguyên online, 15/4/2017) nhận định: "Trong xã hội đương đại, mọi người có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với việc đọc sách, nhất là giới trẻ.
Phải chăng họ nghĩ rất dễ dàng cập nhật thông tin thông qua các phương tiện nghe nhìn hiện đại thì không cần tới sách nữa? Văn hóa đọc sách đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Cơ hội bởi mỗi chúng ta đều có thể tiếp cận khối lượng tri thức khổng lồ chỉ cần thông qua một thiết bị nghe nhìn đơn giản như chiếc điện thoại thông minh, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ làm mai một thói quen đọc sách truyền thống vốn có bởi sự lấn át của quá nhiều phương tiện nghe nhìn hấp dẫn".
Còn nhiều bài báo khác đã bày tỏ sự lo ngại với những loại thông tin mà giới trẻ tiếp cận và đều gặp nhau ở chỗ cho văn hóa đọc của giới trẻ Việt Nam hiện nay đang sa sút đáng kể. Tình trạng lười đọc sách ở tất cả các thành phần, lứa tuổi ngày một tăng, đặc biệt là ở giới trẻ. Hiện tượng này xảy ra đồng nghĩa với việc văn hoá nghe, nhìn đang có ảnh hưởng rất mạnh đến văn hoá đọc và công nghệ "mì ăn liền" đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng trở thành phổ biến.
Trước những luồng dư luận về sự xuống cấp văn hoá đọc trong giới trẻ, nhiều bạn trẻ đã lên tiếng.
Về quan niệm văn hóa đọc, nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy - đồng tác giả có sách bán chạy nhất năm 2013 "Nếu biết trăm năm là hữu hạn" đã nêu ra quan điểm về văn hoá đọc của mình trên Zing new: "Từ "văn hóa đọc" trên báo chí thật tình tôi không hiểu lắm. Văn hóa đọc là gì? Với tôi, đọc sách bên cạnh tìm kiếm kiến thức thì có một chức năng nữa đó là… giải trí".
Cũng theo chị, mỗi người có những sở thích đọc khác nhau và nên tôn trọng điều đó. Độc giả luôn có lựa chọn riêng của họ. Họ sẽ hưởng thụ lợi ích và cả những thiệt thòi từ lựa chọn đó. Với nhiều bạn trẻ khác, khi được hỏi văn hoá đọc là gì, nhiều người cho rằng: Chỉ nên nghĩ đơn giản văn hoá đọc là đọc theo sở thích và đam mê, nuôi dưỡng sở thích đó; quan trọng không phải là bạn đọc cái gì, mà là bạn có được gì sau khi đọc.
Ngoài ra, nhiều độc giả trẻ cho rằng, sự xuống cấp về văn hoá đọc và thái độ thờ ơ với sách vở chỉ có trong một bộ phận nhỏ chứ không phải tất cả, văn hoá đọc trong giới trẻ chưa ở mức đáng báo động. Mọi người có thể thấy trong ngày hội đọc sách này có rất đông bạn trẻ tham gia. Họ say mê đọc từng trang sách. Có nhiều người còn nhịn ăn để dành dụm tiền mua cho mình những cuốn sách ưng ý.
Thời đại nào cũng có những người đam mê với sách vở và có người không. Đối với thời đại này, cuốn sách này có giá trị, nhưng thời đại khác lại không. Và nên tôn trọng sở thích đọc của mỗi người chứ không nên áp đặt suy nghĩ của thế hệ này cho thế hệ khác.
Quan sát các hội sách được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy 80% khách tới tham quan, mua hàng là độc giả trẻ. Khách hàng thân thuộc, chủ yếu của Nhà sách Nhã Nam là các bạn trẻ và lượng độc giả trẻ đến với Nhã Nam những năm gần đây ngày một tăng lên.
Nhiều bạn trẻ chia sẻ quan điểm rằng, trong thời đại công nghệ số, văn hoá đọc không nên chỉ giới hạn ở thái độ ứng xử với sách vở, mà cần hiểu là cách ứng xử với tất cả các kênh thông tin khác như việc đọc báo, đọc sách online nói chung và các bạn trẻ thu lại được gì từ các kênh đọc đó.
Bởi vậy, không thể vì một người ít đọc sách báo giấy mà cho rằng anh ta thờ ơ với việc đọc, bởi trên thực tế, anh ta vẫn có thể đọc rất nhiều, thu lượm rất nhiều thông tin, tri thức từ các nguồn, kênh khác nhau. Ngoài ra, giá trị của sách còn là ở sự cảm nhận, khả năng chắt lọc, thẩm thấu của độc giả. Mỗi thế hệ có những đặc trưng văn hóa riêng, nhu cầu riêng, cách cảm thụ riêng. Không thể khẳng định rằng những cuốn sách truyện giải trí là hời hợt, vô giá trị và như vậy văn hóa đọc theo đó đang xuống cấp.
Theo các bạn trẻ, điểm mấu chốt trong việc đọc chính là cách đọc và mục đích đọc. Trong một cuộc thi hùng biện được tổ chức giữa sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, một sinh viên Trường Đại học Ngoại thương phát biểu: Quan trọng không phải bạn đã đọc được bao nhiêu, mà bạn đã đọc được những gì, đọc như thế nào và đọc để làm gì. Văn hóa đọc với tôi, là gấp cuốn sách lại và mở cuộc đời ra. Tóm lại, thứ cuối cùng mà việc đọc có thể mang lại là phát triển năng lực tư duy, khả năng tưởng tượng, trau dồi ngôn ngữ, kiến tạo nhân cách và phong cách sống.
Toàn cầu hóa nói chung, Internet nói riêng đã khiến người đọc dần từ bỏ thói quen tìm đến các nhà sách, thư viện, hay các quán café sách. Thay vào đó, họ có thể dùng các tài khoản mạng để mua các phiên bản ebook để đọc qua máy tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone).
Internet rõ ràng đã làm biến đổi thói quen và cách thức tìm kiếm, tiếp cận tri thức, giúp người đọc tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí. Trong không gian Internet, cách đọc sách cũng biến đổi. Thay vì đọc theo chiều ngang và lật qua trang, cấu trúc của sách điện tử khiến người đọc có xu hướng đọc lướt xuống phía dưới.
Toàn cầu hóa là một thực tế không thể chối bỏ trong thời đại ngày nay. Nó tác động đến mọi mặt đời sống, trong đó có văn hóa đọc của giới trẻ Việt Nam. Nhiều ý kiến lo ngại cho rằng văn hóa đọc của giới trẻ thời nay đang xuống cấp trầm trọng do nhu cầu giải trí đang ngày càng lấn át nhu cầu khám phá tri thức; do sự "đàn áp", "bành trướng" ngày càng lớn mạnh của văn hóa nghe nhìn và các loại hình giải trí trên mạng…
Tuy nhiên, từ góc nhìn khác, chúng ta có thể thấy những bạn trẻ đang thực hành văn hóa đọc trong bối cảnh đương đại còn một quan niệm khác.
Theo đó, giới trẻ nhìn chung không thờ ơ, lãnh đạm với văn hóa đọc. Giới trẻ vẫn thực hành văn hóa đọc, nhưng quan niệm, nhu cầu, cách đọc, kênh đọc, đối tượng của việc đọc đã thay đổi. Như vậy, có thể nói: Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, những quan niệm và thực hành mới trong văn hóa đọc của giới trẻ Việt Nam đang bổ sung thêm cho khái niệm này những nét nghĩa và nội hàm mới.