Người trẻ làm phim tài liệu: Đam mê cần được chắp cánh

Thứ Ba, 30/08/2016, 08:05
Giải thưởng điện ảnh Búp sen Vàng 2016 (giải thưởng phim ngắn) lần thứ 7 với chủ đề "Những đứa trẻ thiên đường" vừa được trao tối 21-8 tại Hà Nội. Bên cạnh lĩnh vực phim truyện, những giải thưởng ở lĩnh vực phim tài liệu cũng đã cho thấy nhiều tín hiệu vui từ những người trẻ. Xu hướng làm phim tài liệu vẫn tiếp tục được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Tuy nhiên, để những người trẻ ấy có thể "đường dài" với nghề lại là một câu chuyện khác...


Ra đời từ năm 2010, Búp sen Vàng giờ đây đã trở thành giải thưởng thường niên được tổ chức bởi Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (Hội Điện ảnh Việt Nam) dành cho phim ngắn. Giải thưởng ra đời với mục tiêu tôn vinh những nhà làm phim trẻ, không chuyên xuất sắc nhất trong vòng một năm hoạt động.

Vượt qua nhiều khó khăn, sau 6 lần tổ chức, giờ đây Búp sen Vàng đã trở thành ngày hội được mong chờ của những nhà làm phim trẻ. Cùng với thời gian, giải thưởng cũng ngày càng thu hút được sự quan tâm của báo chí, các nhà chuyên môn và được đánh giá là một trong những giải thưởng phim ngắn uy tín tại Việt Nam.

Vị thế của Búp sen Vàng được khẳng định bằng việc đã mời được một số nhà làm phim tên tuổi trong và ngoài nước ở vai trò Ban giám khảo như đạo diễn Mark Jonathan Harris (từng đoạt 3 giải Oscar), nhà dựng phim người Pháp Julie Beziau, nghệ sĩ Hồng Ánh, đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Phan Huyền Thư...

Đạo diễn “9X” Nguyễn Xuân Hoàng Minh (giữa) nhận giải thưởng phim tài liệu xuất sắc nhất tại Búp sen Vàng 2016.

Từ nơi chia sẻ đam mê điện ảnh với tinh thần ai cũng có thể làm phim, làm phim vì niềm vui, giải thưởng thực sự là cầu nối đưa những bạn trẻ tài năng đến với bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Mỗi mùa giải thưởng đi qua đều để lại những tác phẩm độc đáo, lấp lánh niềm hy vọng. Những tác phẩm không chỉ cho thấy sự háo hức, say mê một cách trong trẻo và đầy sức sống ở những bạn trẻ mê điện ảnh mà còn mang lại những hy vọng về thế hệ làm điện ảnh mới.

Được biết, tại mùa sen thứ 7 với chủ đề "Những đứa trẻ thiên đường", từ 110 phim tài liệu và phim truyện tranh giải, Ban giám khảo đã chọn ra 10 phim truyện và 10 phim tài liệu ngắn cùng 5 phim do các học viên lớp Teen Film Makers thực hiện được chọn vào vòng đề cử. Các bộ phim này đã được công chiếu miễn phí trước đó tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Cùng với những giải thưởng dành cho phim truyện nhựa, bộ phim “Khi sóng vỗ bờ” của Nguyễn Xuân Hoàng Minh đạt giải “Phim tài liệu xuất sắc nhất”. Đặc biệt, bộ phim tài liệu "Rito Rito" của đạo diễn trẻ Nguyễn Ngọc Thảo Ly đã giành thắng lợi kép khi nhận 2 Búp sen Vàng cho "Tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất" và "Tác phẩm được khán giả bình chọn nhiều nhất".

Điện ảnh luôn tự hào là một lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của các bạn trẻ. Không riêng gì lĩnh vực phim truyện, ở mảng phim tài liệu, lĩnh vực vốn được coi là khô, cần sự trải nghiệm nhất định nhưng đã và đang có sự tham gia của những người rất trẻ. Họ có thể vẫn đang là sinh viên của những Trường Sân khấu - Điện ảnh nhưng cũng có thể đang theo học ở một môi trường không liên quan tới lĩnh vực này.

Giải thưởng Búp sen Vàng đã chắp cánh để những nhà làm phim trẻ được tiếp tục bước ra những sân chơi rộng lớn hơn, là các Liên hoan phim trong nước và quốc tế. Hai bộ phim ngắn của Hà Thái là "Những đứa trẻ" và "Nợ" đã mang về cho cô gái sinh năm 1990 này hai giải thưởng: "Búp sen Vàng" năm 2011 và "Cánh diều Bạc" ở hạng phim ngắn năm 2012. 

Bước ra từ dự án "10 tháng 10 phim tài liệu", sự táo bạo này của Hà Lệ Diễm trong tác phẩm "Con đường đến trường" đã thuyết phục hoàn toàn được Ban giám khảo để trao cho cô giải thưởng "Cánh diều Bạc" năm 2014 (không có giải Vàng) cho thể loại phim ngắn. Hay năm 2015, Nguyễn Hiền Anh tạo ấn tượng với nhiều giải thưởng ở "Dành tặng ông Điều".

Với sự sáng tạo, đổi mới không ngừng nghỉ, những nhà làm phim trẻ đang thổi một làn gió mới cho thể loại phim tưởng chừng như khô cứng, đó là phim tài liệu. Họ luôn có những sáng tạo trong cách tiếp cận và phản ánh vấn đề. Một trong những xu hướng làm phim tài liệu mà các bạn trẻ hiện nay hay làm là theo hình thức điện ảnh trực tiếp đó.

Đây là cách ghi lại trực tiếp và đồng bộ một cách khách quan hình ảnh và âm thanh từ hiện thực, tối giản lời bình và sự dàn dựng của đạo diễn. Chia sẻ về lý do say mê với phim tài liệu, nhiều bạn trẻ cho rằng họ thích phim tài liệu vì sự chân thực, không dàn dựng và có thể bộc lộ được nhiều góc nhìn khác nhau. Và trong những bộn bề của đời sống, phim tài liệu cũng là thể loại có khả năng phản ánh được những góc khuất, những cá nhân bé nhỏ nhất.

Lâu nay, điện ảnh thế giới quan niệm rằng để biết được trình độ của một nền điện ảnh, người ta nhìn vào phim tài liệu. Ở lĩnh vực phim tài liệu Việt Nam, những tên tuổi đạo diễn như NSND Trần Văn Thủy, NSND Lương Đức, NSND Đào Trọng Khánh, NSND Lê Mạnh Thích, NSND Nguyễn Văn Thước... thực sự là niềm tự hào của những người yêu điện ảnh. Một thế hệ cha anh tài năng và say nghề đã để lại cho điện ảnh nhiều tác phẩm có giá trị. Dù lâu nay, "tre già măng mọc" là niềm đau đáu không của riêng lĩnh vực nào nhưng ở lĩnh vực phim tài liệu, may mắn là chưa bao giờ thiếu vắng những gương mặt trẻ.

Bên cạnh sự say mê của những người trẻ, phải kể tới sự dìu dắt, tạo điều kiện, sẵn sàng trao cờ vào tay những người trẻ của những người đi trước. Ngay từ năm 2012, lần đầu tiên trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam, các đạo diễn trẻ đã có dịp khoe tài. 14 bộ phim ngắn của 14 đạo diễn trẻ trình chiếu thời điểm đó là 14 góc nhìn lạ, mới mẻ về muôn hình vạn trạng của đời sống.

Cảnh trong phim tài liệu “Dành tặng ông Điều”.

Không thể phủ nhận, phim tài liệu là thể loại có những thuận lợi riêng với người làm phim. Thực tế là không dễ để những người trẻ có thể bắt tay vào làm một bộ phim truyện vì cần tới nhiều yếu tố liên quan tới kinh phí, diễn viên... nhưng đôi khi, chỉ với một chiếc máy quay, bạn trẻ hoàn toàn có thể có được một tác phẩm phim tài liệu.

Nhưng thành công sẽ không đến với ai đi làm phim tài liệu chỉ vì... không đủ kinh phí để làm phim truyện. Vì phim tài liệu tưởng dễ mà khó. Nó luôn đòi hỏi một sự tìm tòi nghiêm túc, một góc nhìn riêng biệt từ nội dung đến cách thức biểu đạt.

Phim tài liệu đang là một sân chơi thu hút nhiều sự háo hức, say mê của những người làm phim trẻ. Thể loại này cũng giúp cho người trẻ thỏa sức thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của họ với đời sống thông qua những cách thức độc đáo nhất có thể.

Từ những dự án của Trung tâm Phát triển điện ảnh, có thể thấy chúng ta đang có một đội ngũ những người say mê với phim tài liệu. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để giữ họ trụ lại với niềm đam mê của mình, để đi tiếp con đường dài và trở thành những nhà làm phim tài liệu tên tuổi còn vô vàn những khó khăn trước mắt.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người có nhiều năm đồng hành với những người làm phim trẻ vẫn canh cánh một điều rằng, nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với phim tài liệu khi tham gia những dự án nhưng khi ra trường, rất ít người sống được với nghề. Thậm chí, với nhiều người công tác tại phòng tài liệu của các đài truyền hình nhưng cơ hội làm phim này cũng không nhiều vì phụ thuộc vào nhu cầu phát sóng của đài.

Đã từng có một số bộ phim tài liệu tạo được ấn tượng sâu sắc với khán giả và những người làm nghề như "Khương khùng", "Thêm một ngày bình yên", "Đội đá vá trời"... do các em sinh viên trẻ thực hiện nhưng rồi các tác giả ấy cũng phải lựa chọn công việc khác vì đam mê của mình không có nơi dụng võ. Nhiều phim của các em do không có chỗ sử dụng nên không phát huy được tay nghề.

Có một thực tế là ngay cả những bộ phim tài liệu được thực hiện ở Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương cũng rất ít được trình chiếu trên truyền hình. Ở các rạp trong nước cũng từ lâu không chiếu phim tài liệu, ngoại trừ những kỳ cuộc liên hoan. Thiếu một sự đầu tư đúng hướng nên nhiều khi khiến khán giả thờ ơ với phim tài liệu, bỏ phí một mỏ vàng đáng quý. Thế nên, để những Búp sen có điều kiện được bung nở thành những bông sen thơm ngát luôn mong chờ sự thay đổi không chỉ trong suy nghĩ.

Khánh Thảo
.
.
.