Phim tài liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam trình chiếu tại Hoa Kỳ

Thứ Tư, 01/10/2014, 12:00
Vốn xuất thân là một kỹ sư, công việc tưởng như chẳng liên quan gì đến biển đảo. Thế nhưng tình yêu tha thiết đối với những phần đất thiêng liêng, máu thịt của Tổ quốc đã đưa anh Trần Thắng, cháu họ của nhà thơ Tế Hanh, hiện sống tại Mỹ trở thành người nhiều duyên nợ với Hoàng Sa - Trường Sa. Năm 2012, anh Trần Thắng chính là người đã sưu tầm và hiến tặng cho Việt Nam 100 tài liệu, bản đồ cổ-những bằng chứng thép khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa.

Năm 2014, Trần Thắng tiếp tục khởi xướng dự án chiếu phim miễn phí về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại các trường đại học của Hoa Kỳ, nhằm tăng sự hiểu biết của sinh viên Việt kiều, người Mỹ và truyền thông Mỹ về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Trao đổi với PV Báo CAND qua email, anh Trần Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa -giáo dục Việt Nam (IVCE) - một tổ chức chuyên nghiên cứu về văn hóa - giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: Chùm phim tài liệu có chủ đề “Đối diện biển cả” gồm 3 bộ phim về chủ quyền biển đảo Việt Nam, là “Những câu chuyện nhỏ trên biển lớn” (đạo diễn Phan Huyền Thư), “Chạm tới biển” (đạo diễn Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải) và thuyết trình “Hải thương Việt Nam thế kỷ 17-18” (Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn) sẽ lần lượt được IVCE và Hội Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ giới thiệu và trình chiếu tại 15 trường đại học lớn của Hoa Kỳ. Chương trình sẽ diễn ra trong vòng 2 tuần, kéo dài từ ngày 3/10 đến hết 18/10/2014. Toàn bộ kinh phí mời các đạo diễn Việt Nam-tác giả của các bộ phim tài liệu trên sang diễn thuyết và gặp gỡ, giao lưu với người xem sẽ được IVCE và Hội Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ quyên góp và ủng hộ.

Poster giới thiệu chùm phim tài liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam lần đầu tiên được trình chiếu tại Hoa Kỳ.

Cũng theo anh Trần Thắng, bộ phim tài liệu đầu tiên mở màn cho chùm phim về chủ quyền biển đảo Việt Nam là “Những câu chuyện nhỏ trên biển lớn” của đạo diễn Phan Huyền Thư. Bộ phim là một sự gặp gỡ tình cờ của những người từ đất liền ra thăm thân nhân hiện đang sinh sống và làm nghĩa vụ quân sự trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trên chuyến tàu đó, mọi người làm quen và kể cho nhau nghe câu chuyện về những người chồng, người con, người cha của mình... đang làm nghĩa vụ quân sự trên các hòn đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh... Câu chuyện đặc biệt được kể qua tâm sự của hai cựu chiến binh chiến tranh chống Mỹ cùng quê ở Thanh Hóa. Họ đều lần đầu tiên được phép ra Trường Sa để nhận phần mộ của hai người con trai. Một người đã hy sinh cách đây 3 năm và một người đã hy sinh 7 năm. Cả hai liệt sĩ đều hi sinh khi mới chỉ ngoài 20 tuổi. Nếu như “Những câu chuyện nhỏ trên biển lớn” kể về sự hy sinh của các thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau, để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, thì  “Chạm tới biển” (đạo diễn Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải) lại là một câu chuyện nối dài ký ức quá khứ, hiện tại và tương lai của hai anh em trong bộ phim, cũng là hai nhân vật giả tưởng trong hành trình tìm lại nhau, tìm lại chính quê hương bản ngã của mình. “Nó là một câu chuyện, không phải được kể lại, mà là được tháo rời ra trong một tiến trình thực và ảo, mà ở đó, tất cả đều là ẩn dụ của một ẩn dụ khác và mãi mãi không kết thúc. Thông qua tiến trình này, chúng tôi muốn đặt câu hỏi cho công chúng về ý nghĩa của sự chia li, của sự hợp nhất, tức là của hai trạng thái quan trọng nhất của con người- và dĩ nhiên đây là một câu hỏi thông qua nghệ thuật. Tác phẩm như một lá thư bằng hình ảnh và ở đó công chúng có thể đón nhận theo cách riêng và tự cảm nhận của mình” - đạo diễn Lê Ngọc Thanh chia sẻ.

Bộ phim cuối cùng trong chùm phim mang chủ đề “Đối diện biển cả” là “Hải thương Việt Nam thế kỷ 17-18” do Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế Đà Nẵng, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Font tư liệu về chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trực tiếp thuyết trình. Theo Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, Việt Nam có một không gian biển rộng lớn với hơn 3.000 hòn đảo và hơn 3.600km đường bờ biển. Việt Nam nằm cạnh các luồng hải thương quan trọng của thế giới, nên biển đảo Việt Nam không chỉ là môi trường sống mà còn là mạch nguồn giao lưu kinh tế và văn hóa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Người Việt đã chinh phục biển đảo và kết nối với mạng lưới hải thương thế giới, góp phần hình thành các “con đường tơ lụa”, “con đường gốm sứ”, “con đường gia vị”... ở trên biển Đông và vùng biển Tây Thái Bình Dương. Trong đó, điều đáng nói là quá trình chiếm lĩnh và vươn ra biển của người Việt đã diễn ra liên tục, xuyên suốt trong suốt cả chiều dài lịch sử nhiều thế kỷ. Ngoài 3 bộ phim trong chùm phim về chủ quyền biển đảo Việt Nam, IVCE còn giới thiệu đến người xem bộ phim “Tướng Giáp” - một huyền thoại quân sự Việt Nam - của đạo diễn Trần Thùy Dương

Huyền Thanh
.
.
.