Luật định Ngày đọc sách và Văn hóa đọc

Thứ Bảy, 07/12/2019, 08:58
Ngày 21-11-2019 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện. Đây là lần đầu tiên Luật Thư viện được ban hành và cũng là lần đầu tiên vấn đề “Văn hóa đọc”, “Ngày đọc sách” được quy định trong Luật.


Đừng để rơi vào chủ nghĩa hình thức

Luật đã có, nhưng làm thế nào để Luật đi vào cuộc sống, đặc biệt là ở một lĩnh vực đòi hỏi tinh thần tự giác, ý thức rèn luyện, ý thức dẫn dắt, trao truyền qua các thế hệ như văn hóa đọc, là điều không dễ. Xung quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương và nhà sử học Dương Trung Quốc. Mỗi vị khách mời sẽ có một góc nhìn khác nhau và chúng tôi hoàn toàn tôn trọng góc nhìn của mỗi người, cho dù, có những góc nhìn không cùng hướng.

Hy vọng Ngày đọc sách sẽ không trở thành hình thức.

Từ những góc nhìn này, hy vọng, bạn đọc sẽ tìm ra góc nhìn riêng mình, để đến cùng, là cùng nhau xây dựng thói quen đọc sách cho bản thân, thói quen đọc sách ngay trong gia đình và trong cộng đồng nhỏ bé của mình.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Không đọc sách, Giáo sư, Tiến sỹ cũng sẽ "tái mù"

- Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông nghĩ gì về việc lần đầu tiên Ngày đọc sách, vấn đề văn hóa đọc được quy định trong Luật?

+ Khi Quốc hội chọn một ngày để làm Ngày đọc sách và có một cái Luật về Ngày đọc sách thì đây là một điều rất hay để hướng toàn dân đến văn hóa đọc.  Thế nhưng ở Việt Nam phải nói thật, cái gì rồi cũng thành biến hóa và rồi lại trở thành một thứ hình thức thì cái đó rất không nên.

Xung quanh văn hóa đọc, bây giờ ở trong nước có người nói người Việt bây giờ không đọc sách nữa, nhưng tôi không tin. Vì sao, vì hiện nay, chúng ta không có nhà xuất bản tư nhân nhưng mà nhà xuất bản nhà nước lại toàn do tư nhân chi phối, suy cho cùng đấy là nhà xuất bản tư nhân, đều là do các nhà sách đứng ra họ làm. Mà tư nhân không có lãi, họ không làm.

Chính vì tư nhân làm xuất bản nên bây giờ, những gì nổi tiếng trên thế giới hôm nay, ngày mai lập tức được dịch và có mặt tại Việt Nam và sách ra rất nhiều. Ví dụ thời của tôi trước đây, một cuốn sách có thể in 50.000 cuốn/1 bản nhưng sau đó ném hết vào thư viện. Nhưng bây giờ không phải như vậy, bây giờ sách là do nhu cầu của thị trường, nếu không ai đọc, người ta in làm gì?

Cho nên nói rằng, người Việt bây giờ không đọc là không đúng. Bây giờ sách rất đắt. Những người viết sách, những nhà văn, tác giả làm ra sách thì nghèo, rất nghèo nhưng những người in sách lại rất giàu, thậm chí có con đi học nước ngoài, xây nhà lầu xe hơi. Mỗi cuốn sách in, ghi là 500 bản, 1000 bản thôi nhưng đấy là con số người ta tính với nhà nước, với thuế, với tác giả chứ con số thật không phải vậy. Thế nên không thể gọi người Việt không đọc sách được. Bằng cớ là sách ra rất nhiều.

- Đúng là với kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân thì không có lý gì mà người ta in sách ra để vứt đi, sách phải bán được họ mới in. In nhiều thì chứng tỏ đọc nhiều. Theo ông đó là bằng chứng về văn hóa đọc vẫn đang tốt. Vậy vì sao rất nhiều người vẫn nghĩ rằng, văn hóa đọc đang xuống cấp.

+ Tôi phải khẳng định lại là người Việt vẫn đọc sách rất nhiều. Nếu có vấn đề gì đó về văn hóa đọc, theo tôi là ở chỗ này: Những đối tượng cần đọc sách nhất lại đang không đọc sách.

 - Ông có thể nói cụ thể hơn?

+ Có hai đối tượng cần đọc sách thì lại đang không đọc, hoặc ít đọc. Đầu tiên là học sinh. Hiện nay, học sinh không/ít đọc sách bởi vì tất cả học sinh chỉ chăm chăm học cái gì trả nợ bài thôi. Cách học bây giờ là học nhồi nhét, lượng bài vở rất nhiều nên học sinh phải bù đầu học, không có thời gian đọc sách. Mà trẻ con không đọc sách từ bé thì lớn lên sẽ không đọc sách, cả đời họ cũng sẽ không đọc sách. Đó là một điều đáng tiếc.

- Còn đối tượng thứ hai?

+ Đối tượng thứ hai chính là quan chức. Chúng tôi không nghĩ quan chức đọc sách để thưởng thức mà đọc để họ hiểu dân. Vì các nhà văn, bao giờ họ cũng rất nhạy cảm, họ có thể nói trước, họ có thể tiên lượng rất giỏi. Người ta nói “Buồn từ trong dạ buồn ra/ Buồn từ ngã bảy ngã ba buồn về” thì đấy là cái buồn nhân thế, cái buồn vì muôn dân và cái đó chỉ các nhà văn họ nắm rất rõ, họ có thể có những tiên đoán rất ghê gớm.

Ví dụ mãi sau này chúng ta mới có tên thành phố Hồ Chí Minh nhưng người đặt tên cho thành phố này lại là nhà thơ Tố Hữu. Ông đã đặt tên và viết về nó từ tháng 8 năm 1954, trong bài thơ "Ta đi tới":  “… Ai vô thành phố/ Hồ Chí Minh/ Rực rỡ tên vàng”.

Hoặc bây giờ ta mới nói học tập và làm theo gương Hồ Chí Minh nhưng Chế Lan Viên từ năm 1972 đã nói rồi “Và danh hiệu Hồ Chí Minh xuất hiện trên xứ sở trống đồng… Một thế thệ Hồ Chí Minh: ấy là phương hướng/ Một thành phố Hồ Chí Minh làm đích đến phía chân trời”. Và ba câu thơ ấy như kim chỉ nam của chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975 “thần tốc thần tốc hơn nữa”.

Các nhà văn bao giờ cũng đi trước thời đại. Cho nên các vị lãnh đạo cần đọc sách để hiểu dân. Nhưng các nhà lãnh đạo, theo thông tin báo chí chính thống thì có những nhà lãnh đạo một năm họ nhận được hơn một vạn giấy mời để đi dự các cuộc họp, từ những cuộc họp lớn cho đến những cuộc họp lặt vặt. Trong khi một năm chỉ có 365 ngày, thế thì thời gian đâu mà đọc sách, thậm chí còn không có cả thời gian làm việc nữa cơ. Cho nên có 2 đối tượng cần đọc nhất là học sinh, sinh viên và quan chức thì không đọc/ít đọc. Còn lại thì đời sống của dân, người dân đọc rất nhiều vì nếu không đọc thì sách sẽ không ra nhiều như thế.

Lênin nói "Học, học nữa, học mãi". Mười hai  năm là hết phổ thông, thêm bốn - năm năm nữa hết đại học, thêm mấy năm nữa thì làm xong Tiến sỹ, nhưng mà ở thời đại 4.0 bây giờ, nếu không đọc sách thì đến Giáo sư, Tiến sỹ cũng bị "tái mù". Vì bây giờ, có một điều kỳ dị thế này, đấy là cảm giác như mình cái gì cũng biết.

Một thông tin thì Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đưa, Đài Truyền hình Việt Nam cũng đưa, báo lá cải cũng đưa, mạng xã hội cũng đưa… đều nói ra rả như thế, tưởng như người ta không sờ đến sách, không sờ đến báo người ta cũng biết, nhưng thực chất chả biết cái quái gì cả. Đấy, bây giờ nó có thực trạng như thế, thành ra là để muốn có một kiến thức thật sự thì vẫn phải học, học thực sự, học là gì, học là đọc từ sách, để có vốn, có nền, có chiều sâu suy ngẫm và xử lý sự kiện đúng.

- Ông đang nói đến hai đối tượng cần đọc sách thì lại không đọc/ ít đọc sách Vậy theo ông, cần có giải pháp nào cho từng đối tượng?

+ Thứ nhất là phải thay đổi, phải cải cách giáo dục, cái này là việc của Bộ Giáo dục - Đào tạo chứ không phải của tôi. Tại sao các nước khác trẻ con học nhàn thế? Với các nước, người ta coi việc đọc sách là học, người ta quy định hẳn hoi, năm thứ nhất học sinh phải đọc bao nhiêu cuốn sách, học sinh phổ thông một năm phải đọc bao nhiêu sách… cái đó đưa vào pháp lệnh, vào quy chế nhà trường là phải đọc. Thế nhưng ở ta không có thói quen ấy.

Theo tôi, việc của nhà trường là phải hướng các em đến với đọc sách. Không phải là hình thức. Ví dụ hiện nay là hình thức. Ngày đọc sách tôi toàn đi nói chuyện, các nơi họ mời tôi, thậm chí là tôi phải chạy xô như ca sỹ, đến nơi này đến nơi kia để tuyên truyền đọc sách. Nhưng tôi biết, là họ nghe, họ vỗ tay bốp bốp mấy cái, xong đâu vẫn vào đấy. Phải thay đổi, phải cải cách giáo dục, phải hiện thực hóa việc đọc sách chứ không phải nói suông.

Những người sau này thành tài là những người có khả năng tự học, tự đào tạo chứ chả có trường nào đào tạo ra tài năng cả. Tôi có thể nói là không có đâu, trường chỉ là cái cớ thôi, muốn thành công ta vẫn phải tự đọc sách, tự học, tự đào tạo.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Văn hóa đọc là một phần rất quan trọng của văn hóa

- Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, ông đánh giá gì về văn hóa đọc của người Việt xưa và nay?

+ Văn hóa đọc là một phần rất quan trọng của văn hóa. Ở Phương Đông, đọc sách là một cái gì hết sức cao quý. Vào một gia đình mà không có tủ sách, chúng ta thấy nó thiếu mất giá trị. Đó là một truyền thống và truyền thống ấy hiện nay đang gặp phải hạn chế. Nhưng đơn giản thôi, bởi vì một đứa trẻ hay một người lớn cũng vậy, một ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ, người ta phải dành thời gian để làm cái gì, phân chia thời gian, tiêu thời gian là bài toán khó nhất. Bây giờ, nhu cầu thông tin ngày càng nhiều và có quá nhiều kênh để người ta có thể tiếp nhận, chủ yếu là văn hóa nghe nhìn. Và văn hóa nghe nhìn phải nói là ngôn ngữ thể hiện hết sức hấp dẫn, đặc biệt là đối với các bạn trẻ -  những người chưa có thói quen đọc sách.

Vì thế mà đây là một cuộc cạnh tranh thật sự. Tôi nhớ khi chúng tôi còn trẻ, sách văn học, trong điều kiện đất nước rất khó khăn, giấy rất xấu, in rất mờ, phát hành hàng vạn bản và đôi khi phải có phiếu mới được mua những tác phẩm. Thế nhưng bây giờ, với công nghệ hiện đại thì chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có cả thế giới trong tay, cho nên đọc theo thói quen thường và gắn liền với cái gọi là sách ấy mất đi là có lý do của nó.

 - Chúng ta cùng so sánh một chút, ngày xưa thế hệ ông đọc sách, thế hệ trẻ bây giờ chủ yếu nghe nhìn, ông đánh giá như thế nào về sự khác biệt trong nhận thức, tầm văn hóa của các thế hệ?

+ Tôi cho khó so sánh cái nào hơn cái nào, mà nên nhìn nó như sự bổ sung. Rõ ràng bây giờ các phương tiện nghe nhìn giúp cho bọn trẻ rất nhanh chóng tiếp cận với vấn đề chúng nó mong muốn, chúng nó cần. Chỉ cần mở google nó có tất cả mọi thứ, còn chúng ta phải vào thư viện, đi tìm cuốn sách rất dày mở ra, tra cái từ ấy, mà cái từ ấy cũng chỉ thời kỳ người ta biên soạn thôi, chứ không cập nhật cái mới, cho nên đừng ngăn cản bạn trẻ.

Như tôi nói, đọc sách là cả một kỹ năng, kỹ năng nó rèn tính con người ví dụ sự kiên trì, rồi cách nắm bắt kiến thức, ngôn ngữ, mà ngôn ngữ đến cùng vẫn gắn liền với văn hóa con người. Thực tế cho thấy các quốc gia phát triển, đồng nghĩa khoa học công nghệ phát triển nhưng người ta vẫn đọc sách nhiều.

 - Theo ông, vì sao Quốc hội lại đưa vấn đề Văn hóa đọc, Ngày đọc sách vào Luật Thư viện?

+ Ngày đọc sách lâu nay đã được công nhận, nó là một tập quán quốc tế. Bên cạnh ngày đọc sách thế giới, chúng ta cũng có ngày đọc sách riêng của mình. Nhưng khi chúng ta đưa nó vào Luật Thư viện, nó sẽ tăng thêm tính pháp lý. Nó yêu cầu bắt buộc phía nhà nước phải quan tâm đến nó, phải đầu tư cho nó, phải tạo môi trường để công chúng có thể thụ hưởng sách.

 - Là một thế hệ trưởng thành từ việc đọc sách, ông có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ hôm nay về vấn đề văn hóa đọc cũng như vấn đề gây dựng truyền thống văn hóa đọc trong mỗi gia đình.

+ Tôi vẫn khuyến khích các bạn trẻ tiếp cận với khoa học công nghệ một cách nhanh nhất, có hiệu quả nhất nhưng không bao giờ quên phần quan trọng là đọc sách. Và đó là một sự rèn luyện đòi hỏi trách nhiệm của gia đình, của nhà trường, bạn bè, cộng đồng, xã hội. Tôi cho rằng, các bạn trẻ sẽ cảm nhận được giá trị của sách khi các bạn quan tâm nhìn nhận nó như là một công cụ trưởng thành của trí tuệ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Làm sao để nhu cầu đọc sách lan tỏa trong cộng đồng

- Ông đánh giá gì về tính thời điểm cũng như ý nghĩa của sự kiện Ngày đọc sách, Văn hóa đọc được Luật định?

+ So với các nước tiên tiến thì việc này ở nước ta diễn ra khá chậm. Tuy nhiên dù muộn, nó cũng là một dấu mốc quan trọng và mang ý nghĩa tốt. Tôi nghĩ thông qua Luật, văn hóa đọc của Việt Nam sẽ có bước chuyển biến ở cả bề rộng và bề sâu.

- Có ý kiến cho rằng văn hóa đọc đang xuống cấp, người Việt không đọc sách nữa, luồng ý kiến khác khẳng định sức đọc của người Việt vẫn đang tốt? Góc nhìn của anh?

+  Cả hai đều có lý. Cho rằng văn hóa đọc đang xuống cấp có lý vì nếu so với giai đoạn chưa có điện thoại, tivi, máy tính nối mạng, sách báo đã từng là phương tiện giải trí hấp dẫn đối với những người biết chữ. Thời bao cấp có những cuốn sách đã phát hành đến cả vài chục vạn bản…

Tuy nhiên hiện nay thì các phương tiện nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc. Chỉ bằng cảm nhận ta cũng thấy người Việt đọc sách ít và không coi đọc sách là sinh hoạt thường ngày. Bản thân tôi đi nói chuyện ở bất cứ đâu cũng làm một cuộc điều tra chớp nhoáng xem bao nhiêu gia đình có thói quen đọc sách, bao nhiêu gia đình có tủ sách. Kết quả thu được rất buồn. Buồn hơn nữa là những người làm nghề chữ nghĩa như giáo viên, bác sĩ, nhà báo, diễn viên… cũng không đọc sách. Tôi đã từng dạy một vài lớp sinh viên học ngành nghệ thuật… và đa số sinh viên cũng không đọc sách. Nói đến sách họ ngơ ngác. Mới đây giao lưu với một trường THCS, khi tôi nêu ra một vài cuốn sách rất phổ biến và nổi tiếng, các thầy cô đều ngơ ngác vì chưa từng đọc hay nghe đến nó…

- Ông đi nói chuyện về sách rất nhiều, thông điệp cốt lõi nhất mà ông mong muốn người nghe nhận được là gì?

+ Thông điệp mà tôi đưa ra rất đơn giản. Đọc sách vừa là cách để cá nhân tự học suốt đời để thích nghi, tồn tại, làm cho cuộc sống của mình và xã hội tốt đẹp hơn vừa là sinh hoạt lành mạnh thường ngày. Chúng ta có thể đọc sách bất cứ đâu, bất cứ lúc nào có thể. Khi mình đã thích đọc thì hãy quan tâm và giúp đỡ người khác cùng đọc. Đấy là việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn.

 - Quốc hội đã thông qua Luật nhưng để cho Văn hóa đọc thực sự cắm sâu gốc rễ vào văn hóa Việt hôm nay, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

+ Luật chỉ là cơ sở pháp lý ban đầu. Để nó phát huy được sức mạnh những người có trí tuệ, quan tâm đến văn hóa đọc phải chủ động và liên kết với nhau, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương tiến hành hoạt động khuyến đọc sâu rộng, thường xuyên liên tục. Đừng để mọi thứ rơi vào chủ nghĩa phong trào hay hình thức.

Cần phải tận dụng tối đa mọi hình thức có thể, càng gần gũi với người dân càng tốt. Chúng tôi từ trước đến nay đã tiến hành rất nhiều việc như vậy như: làm thư viện, lập tủ sách, nói chuyện khuyến đọc, xuất bản sách, tọa đàm, hội thảo, tặng sách cho trường, tặng sách cho học sinh, thưởng bằng sách cho học sinh giỏi, mừng tuổi sách đầu năm.

Từ năm ngoái tôi tiên phong nghĩ ra và “liều” thực hiện việc đem sách về chợ quê bán trong dịp Tết. Sau đó có nhiều anh em khác cũng làm theo và có hiệu quả tốt. Năm nay chúng tôi sẽ làm trên quy mô lớn để động viên các anh em trẻ quan tâm tới văn hóa đọc đưa sách về các miền quê, làm cho người dân quen với sự hiện diện của sách và ý nghĩa của nó.

Các gia đình, thầy cô cần phải biến chính gia đình mình thành gia đình đọc sách và lan tỏa nó tới anh em, bè bạn, đồng nghiệp, học sinh, cộng đồng của mình.

Đấy là từ phía người dân còn đối với chính quyền Trung ương và địa phương thì cần phải có chiến lược quốc gia cụ thể cũng như kế hoạch cụ thể ở từng địa phương theo các giai đoạn 5, 10 năm và hàng năm và có các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để toàn dân tham gia vào khuyến đọc, đọc sách.

Ông Lâm Đình Thắng – Đại biểu Quốc hội khóa XIV: Nhật Bản đã ban hành Luật Thư viện trường học từ năm 1953; tại Hàn Quốc, Luật Thư viện trường học được ban hành năm 1963, bắt buộc mọi trường học đều phải có thư viện. Một nghiên cứu khoa học tại Úc đã chỉ ra rằng: Luật Thư viện trường học của Nhật Bản và Hàn Quốc đã tác động lớn học đến thành tích học tập của học sinh học sinh tại các nước này…

Nhiều bằng chứng cho thấy, các quốc gia có điều kiện kinh tế xã hội phát triển đều có tầm nhìn chiến lược xây dựng văn hóa đọc, thói quen đọc sách, thói quen học tập tra cứu khoa học, tư duy độc lập  và tinh thần tự học cho học sinh, sinh viên.
Hạnh Thủy (thực hiện)
.
.
.