Hãy giữ lại phần cho con cháu

Thứ Năm, 14/06/2018, 08:32
Bất kỳ ai kết nối internet, gõ cụm từ "Việt Nam, lãng phí tài nguyên" thì chỉ sau 0,6 giây đã nhận được hơn 11 triệu 800 nghìn kết quả.


Nổi bật nhất trong tuần vừa qua là vụ khai thác titan tại các tỉnh miền Trung như Bình Thuận, Quảng Trị gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, làm sa mạc hóa đồng ruộng. 

Tiếp đó là tình trạng khai thác cát, sỏi xảy ra ở hầu khắp các tỉnh, thành đã làm xói lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân; rồi hàng loạt các vụ phá  rừng với quy mô lớn xảy ra ở Bắc Kạn, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng là nguyên nhân chính gây ra những trận lũ ống, lũ quét nghiêm trọng …

Tính chất mức độ vi phạm của các vụ việc ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn ra khá công khai, kể cả ngày lẫn đêm, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau như: đào ao, trồng rừng, nạo vét sông, xây dựng công trình hạ tầng, làm thủy điện…

Ở hầu hết các tỉnh, thành đều có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, có nơi hoạt động này diễn ra công khai nhưng dường như các cơ quan chức năng bất lực trong khâu kiểm soát và ngăn chặn. Nghiêm trọng hơn, ở nhiều nơi, chính quyền địa phương có biểu hiện làm ngơ, bao che, tiếp tay cho các hoạt động vi phạm. Tài nguyên khoáng sản quốc gia đang bị chảy máu dữ dội.

Gần 30 ha rừng tự nhiên ở Đắk Nông bị phá trắng.

Các hoạt động khai thác gỗ liên quan nhiều đến bảo kê, tiêu cực, tham nhũng là yếu tố quan trọng góp phần cho nạn phá rừng. Đi kèm với đó là việc khai thác lâm, thổ sản quá mức và nạn săn bắt và buôn bán động vật trái phép.

Tham nhũng đã tiếp tay cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã quý hiếm, các đối tượng thường tìm cách hối lộ, mua chuộc các cán bộ của các cơ quan chức năng để vận chuyển trót lọt những chuyến hàng này. Những khoản hối lộ tuy không lớn nhưng dần dần đã làm hình thành cả một hệ thống tiếp tay cho những hành vi phạm pháp.

Tham nhũng và việc thực thi kém hiệu quả các quy định về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã đã làm gia tăng nạn săn bắt trộm và làm tiệt chủng các loài động vật hoang dã quý hiếm, gia tăng các tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia.

Theo công bố của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (WWF) và  Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF) thì hiện Việt Nam chỉ còn khoảng 50 cá thể hổ Đông Dương, còn đối với tê giác một sừng Java đã bị tiệt chủng. Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam. Nếu tình trạng săn bắt trái phép không được ngăn chặn thì nhiều loài khác tại Việt Nam sẽ bị tuyệt chủng là điều không thể tránh khỏi.

Trong một thời gian dài, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế phát triển phụ thuộc vào tài nguyên. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước để các doanh nghiệp, cá nhân xuất khẩu khoáng sản thô, thay vì lấy nguồn tài nguyên khoáng sản thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, điều này đã khiến cho Việt Nam mất dần cơ hội để phát triển những ngành công nghiệp quan trọng, những lĩnh vực phụ trợ có sức lan tỏa lớn. Đây mới là thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế.

Việc mở đường cho khai thác tài nguyên mà không gắn với phát triển công nghiệp chế biến còn đẩy nhanh tốc độ "chảy máu tài nguyên", đến khi các ngành công nghiệp nội địa có cơ hội phát triển thì tài nguyên cũng không còn. Việc phát triển kinh tế dựa chủ yếu vào việc khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô còn làm triệt tiêu động lực phát triển khoa học công nghệ.

Đối với những tài nguyên không tái tạo như dầu mỏ, than đá, măng gan, bô xít, ti tan…việc cấp phép bừa bãi và khai thác tràn lan thiếu hiệu quả sẽ dẫn tới cạn kiệt những nguồn tài nguyên quý giá này. Khai thác tài nguyên đem xuất khẩu để thu lại ngân sách là tốt, nhưng sẽ thực sự tốt hơn khi nguồn tài nguyên đó được chế biến tinh, chế biến sâu để đem lại nhiều giá trị gia tăng, còn nếu xuất khẩu thô thì kết quả ngược lại.

Tham nhũng, lãng phí trong khai thác và sử dụng tài nguyên, cộng với một nền quản trị yếu kém đã để lại nhiều hậu quả, đó là: Sẽ làm hao mòn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia và dẫn đến cạn kiệt. Môi trường ô nhiễm, quá trình sa mạc hóa khiến người dân mất đất sản xuất sẽ đối mặt với nguy cơ đói, nghèo. Hàng ngàn hécta rừng bị hủy diệt khiến lũ quét tàn phá ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân; động vật hoang dã mất nơi cư trú và dần tuyệt chủng ảnh hưởng đến đa dạng sinh học…

Các quốc gia giàu tài nguyên hay có ít tài nguyên đều phải: rà soát, cập nhật để kịp thời điều chỉnh hệ thống pháp luật về tài nguyên; thiết lập và áp dụng một số bộ quy định, quy tắc ứng xử đối với một số lĩnh vực khai thác cụ thể; công khai, minh bạch trong việc thẩm định, cấp phép trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản... Giải quyết được những vấn đề này mới mong góp phần không làm mất đi nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia.

Có tài nguyên thì phải khai thác để phục vụ cho sự phát triển của đất nước, nhưng nếu cứ tiếp tục khai thác như hiện nay thì sẽ đến lúc chúng ta không còn gì để lại cho con cháu mai sau.

Cù Tất Dũng
.
.
.