Điện ảnh Việt đã chán phim kinh dị?

Thứ Sáu, 09/11/2018, 08:00
Nhắc tới phim kinh dị là nhắc tới những màn dọa ma thót tim cũng như những ám ảnh đeo bám khi phim kết thúc. Với điện ảnh Việt, bao nhiêu năm qua luôn rơi vào nghịch lý oái oăm: phim hài khiến khán giả khóc thét, phim ma lại khiến khán giả mắc cười.


Mùa Halloween năm nay, phim kinh dị Việt tưởng như mất hút trên màn ảnh rộng để nhường chỗ cho "bom tấn" nước ngoài. May thay đến giờ G, tức ngay ngày Halloween, bộ phim kinh dị "nguyên chất" duy nhất mang tên "Dream Man - Lời kết bạn chết chóc" cũng thoát cửa kiểm duyệt để bước ra rạp. Gọi là kinh dị "nguyên chất" bởi nhiều người cho rằng "Người bất tử" của Victor Vũ ra mắt trước đó vài ngày cũng là dòng kinh dị.

Tuy nhiên, "Người bất tử" thiên nhiều về giả tưởng, siêu nhiên và nhuốm màu sắc tâm linh khi khai thác đề tài về người đàn ông sống qua ba thế kỷ. Mảng miếng kinh dị cũng có nhưng chỉ điểm xuyết, nặng về thuật bùa ngải và không đậm đặc như phim thuần kinh dị.

Nếu cố gom "Người bất tử" vào dòng kinh dị thì mùa lễ hội hóa trang năm nay phim Việt chỉ có hai phim. Lẽ ra đúng dự kiến ban đầu, "Lời kết bạn chết chóc" cũng không có mặt vào năm nay mà phải ra rạp từ… 3 năm trước.  Khâu kiểm duyệt đã làm bộ phim chậm bước. Nói thế để thấy số lượng phim kinh dị Việt Nam trong năm 2018 giảm rõ rệt so với mọi năm.

Là phim kinh dị Việt hiếm hoi ra mắt mùa Halloween, "Dream Man - Lời kết bạn chết chóc" được đánh giá cao khi khai thác về sát thủ mạng xã hội.

Trước đây, có khá nhiều bộ phim kinh dị đổ bộ rạp chiếu như: "Cô hầu gái", "Lời nguyền gia tộc", "Oán",  "Con ma nhà họ Vương", "Bệnh viện ma", "Yêu đi đừng sợ"… Mỗi năm, lượng phim này chiếm từ 5 đến 6 phim. Nhưng từ năm 2017, số lượng bắt đầu giảm rõ: lác đác một, hai phim một năm. Nhiều phim cố né thời điểm Halloween vì lo ngại không đọ nổi đối thủ nước ngoài đình đám.

Cách đây nhiều năm, nhà nhà người người đổ vào làm phim kinh dị. Thế nhưng đến tận thời điểm này, rất hiếm phim kinh dị thuần Việt đốn tim khán giả. Chỉ có thể nhẩm được vài phim mà chất lượng tàm tạm như "Lời nguyền huyết ngải", "Quả tim máu", "Đoạt hồn", "Cô hầu gái"...

Những bộ phim này có những yếu tố khiến người xem ghê rợn, kịch bản cơ bản thuyết phục với nhiều lối thắt mở bất ngờ.  Còn hầu hết phim kinh dị nước ta đều vấp phải vấn đề muôn thuở. Trước tiên là mảng miếng hù dọa. Đáng lẽ khán giả phải sợ thì đến những màn hù ma thế này, họ lại ôm bụng cười ngặt nghẽo bởi vô số "hạt sạn" to đùng.

Công chúng quá nhàm với kiểu thân người hoặc cảnh vật máu me bê bết, con ma áo trắng tóc dài vụt lướt qua hoặc đột ngột xuất hiện sau tiếng động hồi hộp, đèn tắt phụt, cảnh ngôi nhà hoang u ám với tiếng chim kêu vượn hú…

Thậm chí, tồi tệ hơn, khán giả phát hiện những thứ "tỏ ra vẻ nguy hiểm" kia đều là giả tạo, lộ ra các chi tiết sắp xếp sơ sài hoặc kỹ xảo cẩu thả. Chẳng hạn như các xác sống gớm ghiếc trong phim "Biết chết liền" có kiểu hóa trang vụng về, lộ liễu. Cảnh bóng trắng bay qua bay lại trong khu nghỉ dưỡng, cảnh cô gái mặc áo dài trắng bị xe hơi tông chết dã man cứ như phim hoạt hình và không có ý nghĩa gì trong logic bộ phim. 

Phim "Oan hồn" của đạo diễn Troy Lê lại sở hữu màn bắt ma ngô nghê. Lâu lâu, nếu có mảng miếng hù dọa mới lạ thì phim nhanh chóng bị fan ghiền kinh dị soi ra đủ trò bắt chước nước ngoài. Tiếc thay lại bắt chước không tới.

Mới ra rạp, "Lời kết bạn chết chóc" được coi là mới lạ khi khai thác những cạm bẫy của Facebook. Tuy nhiên, dòng kinh dị khai thác các vấn đề xã hội đương đại đã được các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… khai thác từ lâu.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho hay: "Một trong những điều khó chịu nhất của phim kinh dị Việt là vấn đề kiểm duyệt khiến đoạn kết phim thường hụt hẫng. Một trong những vấn đề chán nhất của phim kinh dị Việt là kịch bản và nhân vật không có chiều sâu". Dòng phim này rất ít kịch bản hay. Đa phần đều lỏng lẻo từ cách đặt vấn đề cho đến kết thúc câu chuyện. Vài phim có phần đầu thuyết phục, tìm được thủ pháp và lôi cuốn khán giả thì đến phần cuối lại khiến khán giả chưng hửng.

"Quả tim máu", "Cô hầu gái", "Đoạt hồn", "Người bất tử"… đều vấp phải điều này. Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng, phim kinh dị Việt vẫn theo kiểu đầu voi đuôi chuột. Cảm giác như khi chúng ta làm bộ phim mà có yếu tố kỳ bí, tưởng tượng thì sẽ bộc lộ sự lúng túng, ngô nghê, thiếu phông văn hóa để kết nối nó thành một câu chuyện thuyết phục.

Hai năm gần đây, thể loại kinh dị dần bị các nhà sản xuất trong nước thờ ơ. (Trong ảnh: Cảnh trong phim "Oán" của đạo diễn Huỳnh Đông).

Khán giả đang "ép phê", cuốn theo phần đầu thì đến phần sau, họ như người bước hụt do nhà làm phim cố gắng giải thích các tình tiết ly kỳ, ghê rợn trên là do con người làm chứ không phải ma quỷ. Nếu không phải do ma quỷ thì đó là do nhân vật bị ảo giác nên nhìn ra đủ hiện tượng ghê rợn. Hoặc đó chỉ là một giấc mơ.

Nếu giải thích thuyết phục thì không nói làm gì. Đằng này, kiểu giải thích khá gượng gạo, thậm chí bẻ gãy đường dây câu chuyện để đối phó với lưỡi kéo kiểm duyệt. Họ sợ nếu không giải thích thì phim bị cho là tuyên truyền mê tín dị đoan. Khâu kiểm duyệt khắt khe khiến nhà sản xuất bỗng thấy chùn tay khi thực hiện dòng phim này. Họ không thể thỏa sức tung tẩy để cho ra tác phẩm đủ "đô". Lỗ đến 3,5 tỷ với phim kinh dị đầu tay mang tên "Oán" vào năm ngoái, năm nay, đạo diễn Huỳnh Đông thất kinh chuyển sang thể loại khác cho an toàn.

Theo đạo diễn Lê Văn Kiệt, làm phim kinh dị rất khó vì nó không đơn thuần khiến người ta sợ mà phải hướng tới sự ám ảnh, đọng lại thông điệp gì đó từ chuyện phim. Phim kinh dị nếu chỉ thuần là hù dọa mà không có một thông điệp nào hay ho, không có câu chuyện bất ngờ, sáng tạo thì đó cũng là một thất bại nặng nề.

Tìm cách chinh phục khán giả khó tính, các nhà sản xuất cố gắng pha trộn những yếu tố khác nhau. "49 ngày", "Yêu đi đừng sợ", "Bệnh viện ma", "Bao giờ có yêu nhau", "Ma nữ báo thù"... không thuần kinh dị mà pha trộn yếu tố tâm lý, ngôn tình, hài hước hay yếu tố trinh thám.

Nhiều phim thành công với cách làm này. Chẳng hạn chất ngôn tình nhẹ nhàng là yếu tố khiến "49 ngày", "Yêu đi đừng sợ", "Bao giờ có yêu nhau"… ghi điểm bên cạnh nền kinh dị nhấn nhá cho tình tiết phim. Sự tích hợp này cũng khiến phim kinh dị bớt đi sự căng thẳng, giúp khán giả yếu tim dễ xem hơn. Trên nền kinh dị, cốt truyện, số phận nhân vật được đào sâu, làm bật nên nội dung tư tưởng. Tuy nhiên việc pha trộn cho bớt nhàm này thỉnh thoảng cũng gây tác dụng ngược. Nó khiến kinh dị không còn ra kinh dị, bộ phim thành nửa nạc nửa mỡ.

Do vậy, sử dụng hình thức tích hợp không có nghĩa là các đạo diễn xem thường yếu tố kinh dị. Bởi để tạo được hiệu ứng ly kỳ, hấp dẫn khán giả, họ vẫn phải tìm tòi, sáng tạo những thủ pháp mới mẻ. Và các mảng miếng ám ảnh phải gắn với nội dung câu chuyện tươi mới, bất ngờ và mang hơi thở thời đại chứ không thể đi theo lối mòn như: ma báo oán, người sống giả ma trả thù cho người chết, luật nhân quả...

Tuy bị cho là học tập cách làm của thế giới nhưng "Dream Man - Lời kết bạn chết chóc" của đạo diễn Việt kiều Roland Nguyễn Nhân có thể coi là bước chuyển để tìm hướng đi mới cho phim kinh dị Việt. Dù cũng gặp rắc rối về kiểm duyệt nhưng rất may đạo diễn không xử lý đoạn kết theo kiểu đối phó để bảo toàn chất lượng tác phẩm.

Phim có cách kể chuyện mới lạ so với đa số phim Việt thông thường khác khi khai thác đề tài về thế giới ảo giết người. Phim thu hút bởi nó bắt người xem phải hồi hộp chờ lời giải đáp phía sau loạt chuyện kỳ bí, chết chóc rùng rợn do một tài khoản mang tên "Dream Man" trên Facebook gây nên. Khi phim kết thúc, mọi người phải ồ lên kinh ngạc và thú vị bởi giải đoán thông minh, bất ngờ.

Mất ba năm ròng chỉnh sửa và hoãn chiếu liên tục để qua cửa kiểm duyệt nhưng đạo diễn Roland Nguyễn Nhân cho thấy, không khó khăn nào là không thể vượt qua nếu mình làm một bộ phim tử tế, sáng tạo và mang thông điệp ý nghĩa. Và đã làm là phải làm cho tới, bứt phá trên mọi khung hình từ kỹ xảo, âm thanh đến nội dung, không ngại đụng chạm các vấn đề nóng bỏng, cấp bách của xã hội đương đại.

Mai Quỳnh Nga
.
.
.