Đi tìm chìa khóa cho thị trường mỹ thuật Việt Nam

Thứ Hai, 17/09/2018, 08:03
Trong cuốn sách "Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật", tác giả Sarah Thornton nêu lên 7 hạng mục mà một thế giới nghệ thuật đương đại phải đạt được gồm: Trường dạy mỹ thuật, hội chợ nghệ thuật, nhà đấu giá, xưởng của nghệ sĩ, triển lãm bom tấn, tạp chí chuyên sâu và bộ sưu tập lớn.


Những viên gạch đầu tiên để vượt ngưỡng một triệu đô

Mai Quỳnh Nga

Theo các nhà chuyên môn, phải đến năm 2020, Việt Nam mới cơ bản đáp ứng đầy đủ 7 tiêu chí này. Bởi bắt đầu từ năm 2017, thị trường mỹ thuật Việt mới có những "viên gạch" đầu tiên để lấy đà vượt qua ngưỡng "tuổi dậy thì". Viên gạch thứ nhất là mối liên kết giữa họa sĩ - người đại diện - giám tuyển - nhà phê bình nghệ thuật. Viên gạch thứ hai là sự xuất hiện của các sàn đấu giá "nghệ thuật vị nghệ thuật".

Là họa sĩ đương đại hiếm hoi thành công ở mặt giá cả và giá trị nghệ thuật, họa sĩ Lê Kinh Tài cho biết, anh cảm thấy rất buồn lòng khi lâu nay, hiểu biết của bạn bè quốc tế về mỹ thuật Việt Nam rất mờ nhạt. Trong khi đó, hiếm có nước nào sở hữu ba bộ tứ danh họa đình đám như nước ta, gồm: "Trí, Vân, Lân, Cẩn" (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn), "Sáng, Liên, Nghiêm, Phái" (Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái) và "Phổ, Thứ, Lựu, Đàm" (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm).

Bức lụa chân dung bé Bảo Khánh - bài tập của nữ sinh Bùi Thị Hằng được ký tên cố họa sĩ Vũ Giáng Hương trong một cuộc đấu giá tranh của Chọn’s vừa rồi.

Công tâm mà nói, nhiều tranh của ba bộ tứ trên được các nhà sưu tập quốc tế chú ý và săn lùng. Bằng chứng là nhiều bức được sàn đấu giá quốc tế bán ra giá cao, trong đó bức "Đời sống gia đình" của Lê Phổ lập kỷ lục cho tranh Việt với mức giá hơn 1,1 triệu đô la tại phiên đấu giá của nhà Sotheby's hồi năm ngoái.

Tranh Việt Nam rất được quốc tế ưa chuộng, nhưng vấn nạn tranh giả, tranh chép bát nháo đã khiến họ hụt hẫng, mất lòng tin và khiến thị trường đổi màu xám xịt. Dòng tranh nào đắt hàng là thời gian sau có ngay những bức giống mô típ đó được chào bán la liệt hoặc xuất hiện ngay bức sao chép khiến giới sưu tập hoang mang. Đáng tiếc, ở Việt Nam có không ít gallery bán tranh như vậy và yêu cầu họa sĩ phải vẽ theo đơn đặt hàng của gallery.

Mỹ thuật Việt Nam lâu nay vẫn được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một thị trường triển vọng. Thế nhưng, đến năm 2017, mong mỏi từ thị trường "triển vọng" lên "trưởng thành" mới bắt đầu có cơ sở để chúng ta tin cậy bởi mối liên kết của bộ tứ quyền lực gồm họa sĩ - người đại diện - giám tuyển - nhà phê bình nghệ thuật bắt đầu được chú trọng và hoạt động chuyên nghiệp hơn.

Lâu nay, vai trò của người đại diện, giám tuyển, nhà phê bình mỹ thuật… vẫn rất nhạt nhòa, thậm chí người ta không rõ họ đảm nhiệm công việc gì. Bây giờ, đây được xem là những nghề quan trọng, ngày càng có chỗ đứng và các họa sĩ trẻ luôn cần họ hỗ trợ để đưa tác phẩm của mình đến với công chúng. Chẳng hạn, giám tuyển là người lựa chọn những tác phẩm tốt của họa sĩ để đưa đi triển lãm, từ đó tôn vinh giá trị nghệ thuật của nó.

Người đại diện có nhiệm vụ thuyết phục nhà sưu tập mua tranh của họa sĩ bằng cách đưa ra những thẩm định hấp dẫn về chất lượng nghệ thuật, mức độ tăng trưởng trong tương lai, vấn đề bản quyền…

Sự ra đời của nhà đấu giá mỹ thuật Lý Thị Auction (TP Hồ Chí Minh) và  Chọn's (Hà Nội) vào năm 2017 góp phần đưa những tác phẩm đỉnh cao đến tay những người yêu cái đẹp trong nước. Cho dù vừa qua Chọn's vướng vào vụ lùm xùm tranh giả, tranh bị mạo danh chưa có hồi kết, gây ra những hoài nghi trong công chúng về tính xác thực của những bức tranh, và cũng đã chịu không ít những tổn thất đáng tiếc về uy tín, cần phải được rút kinh nghiệm sâu sắc thì những sự ra đời của các nhà đấu giá mỹ thuật ở Việt Nam cũng đã cho thấy những tín hiệu vui.

Bà Lý Thị Bích Ngọc, đại diện nhà đấu giá Lý Thị Auction cho hay: "Nhà đấu giá của chúng tôi ra đời dựa theo nhu cầu của thị trường, là kênh sàng lọc kỹ càng tranh giả mạo, tranh kém chất lượng. Từ đó, giúp minh bạch thị trường hội họa". Dù các phiên đấu giá lần đầu của các nhà đấu giá này đều vấp phải ít nhiều hạt sạn đáng tiếc từ khâu tổ chức cho đến chất lượng tác phẩm, nhưng giới chuyên môn vẫn vui mừng khi đây là tiền đề để nhiều sàn đấu giá trong nước mạnh dạn ra đời, tạo cú hích cho nền mỹ thuật.

Nhờ các sàn đấu giá này, những người Việt yêu tranh có cơ hội tiếp cận với tác phẩm đỉnh cao và sẵn sàng bỏ số tiền lớn để sở hữu. Bà Lý Thị Bích Ngọc cho hay, nếu như trước đây, phần lớn người trả tiền cho bức tranh có giá trị cao là khách du lịch nước ngoài muốn phong phú thêm bộ sưu tập của họ thì bây giờ, người trả tiền cho các bức tranh có giá trị cao hầu hết là người Việt Nam.

20% khách hàng trả tiền mua bức tranh cao nhất là người Việt Nam. Tuy nhiên, trước đây hơn chục năm, chúng ta cũng có nhiều sàn đấu giá "vị nghệ thuật" như thế. Nhưng do nhiều người mua nhầm tranh giả, tranh kém chất lượng và vấp vô số lùm xùm nên các sàn đấu giá này tự sinh tự diệt.

Giới sưu tập trở nên ngán ngẩm và nhìn thị trường mỹ thuật Việt Nam non trẻ với ánh mắt nghi kỵ. Mua tranh của các họa sĩ danh tiếng thì họ sợ đụng phải đồ rởm; mua tranh của họa sĩ đương đại thì họ sợ khả năng sinh lời không cao. Theo giám tuyển Nguyễn Như Huy, khi mua tranh, nhà sưu tập thường tính tới bài toán đầu tư, họ coi tranh như loại tài sản đặc biệt cần được củng cố để sinh lợi nhuận.

"Tác phẩm nghệ thuật nó đặc biệt ở chỗ, người mua tác động đến giá trị của nó. Ví dụ anh bán cho quân lừa đảo thì giá trị tranh sẽ đi xuống, còn nếu anh chọn đúng người tử tế thì tranh sẽ đi lên. Nếu đã gọi là thị trường thì nó có những quy định, ràng buộc rất chặt chẽ không chỉ từ phía công chúng mà còn từ phía nghệ sĩ. Các nghệ sĩ lớn có một danh sách người mua rất dài.

Họ phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng xem những khách hàng ấy mua với mục đích gì, vì họ rất sợ bán cho những người đầu cơ. Một số nghệ sĩ thì lại rất sợ các phiên đấu giá. Nếu tranh của họ bán được, được đấu giá cao thì không sao, nhưng nếu không bán được hoặc bị định giá thấp đi thì sau này tranh của họ sẽ rất khó lên giá" - anh phân tích.

Giới họa sĩ đổ cho giới sưu tập có máu đầu cơ làm nhiễu loạn thị trường, giảm giá trị nghệ thuật. Còn giới sưu tập lại cho rằng chính họa sĩ, các gallery chạy theo lợi nhuận mới cho ra vô số tác phẩm giả, sao chép hoặc thiếu sức sáng tạo. Làm thế nào củng cố những viên gạch đầu tiên để tạo nền móng vững chắc cho một thị trường mỹ thuật lành mạnh, nâng giá tranh Việt vẫn là câu hỏi hóc búa đang cần lời giải đáp.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Giá tranh Việt cao hay không phụ thuộc vào chính người Việt

Ngoài một vài cái tên riêng lẻ của thế hệ họa sĩ đương đại, đắt giá nhất bây giờ chủ yếu vẫn là dòng tranh của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nhắc đến tranh Việt, bạn bè quốc tế lại nghĩ ngay đến dòng tranh của Trường Mỹ thuật Đông Dương vì khi trường được sáng lập, tranh Việt Nam đã có một chỗ đứng riêng biệt không thể trộn lẫn. Trong khoảng thời gian 1925 - 1945, trường đã cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị. Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ... là ba họa sĩ Việt Nam nổi bật có nhiều tranh bán chạy trên thị trường quốc tế hiện nay.

Tôi nghĩ tranh Việt sau này sẽ nhanh chóng vượt qua ngưỡng hơn 1 triệu đô la mà Lê Phổ làm được. Bởi đây là cột mốc ấn tượng giúp dòng tranh Đông Dương được chú ý và trân trọng hơn. Nhưng hy vọng này khó mà thành hiện thực nếu người Việt không tôn trọng sáng tạo nghệ thuật và vẫn tiếp tục làm tranh giả. Điều đáng buồn là dòng nào càng đắt giá thì càng bị làm giả nhiều.

Trong vấn nạn này, người Việt tự hại mình chứ không ai khác. Bởi chỉ người Việt mới vẽ được tranh Việt Nam, người ngoại quốc không vẽ được và nếu vẽ thì cũng không có hồn. Người Việt vẽ tranh giả mang sang nước ngoài, rồi lại mang về nước để lập lờ đánh lận con đen. Nạn phê bình giả hiệu ngay trong nước đi đôi với những phát ngôn cảm tính, thiếu chuyên nghiệp về các sáng tác mỹ thuật giá trị cao cũng làm nguy hại đến nền mỹ thuật nói chung và thị trường tranh Việt nói riêng, không kém gì tệ nạn tranh giả.

Tôi nghĩ người Việt mình phải nên giúp đỡ nhau, khi thấy tranh giả thì kiên quyết không mua. Đừng vì lòng tham lợi nhuận trước mắt mà mua rồi sau này nó khiến thị trường mỹ thuật nước mình càng ngày càng yếu đi, không vươn lên nổi và mất giá trầm trọng. Trong khi đó, nhìn sang các nước bạn trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philipinnes... nền mỹ thuật họ đi sau mình, kém hơn mình nhiều mặt nhưng bây giờ họa sĩ của họ rất được chú ý và có nhiều tác phẩm bán được giá cao. Trong khi giá trị vật chất của hội họa nước bạn luôn phát triển theo chiều lũy tiến thì tranh Việt vẫn giậm chân tại chỗ từ rất nhiều năm.

Chúng ta chưa có văn phòng tư vấn mỹ thuật, chưa có luật lệ rõ ràng để bảo vệ họa sĩ cũng như điều khoản trừng phạt người vi phạm bản quyền. Do đó, tranh giả đúng là vấn nạn nan giải của nước ta. Tôi nghĩ, thị trường đầu tư này sẽ cân bằng hơn, tránh bị tư nhân trục lợi quá đáng nếu ngân khố Nhà nước có tài khoản dành riêng để mua tranh về Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia - địa chỉ xứng đáng để công chúng có thể thưởng thức một phần tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Trung Tín: Chúng ta thiếu công chúng có trình độ thẩm mỹ

Phan Thi UYên (ghi)

Một nền nghệ thuật lớn thì phải có công chúng. Chúng ta không thiếu họa sĩ giỏi và tài năng nhưng chúng ta đang thiếu trầm trọng công chúng nghệ thuật. Thử giở lại chương trình đào tạo mỹ thuật hồi phổ thông sẽ thấy, chúng ta dạy các em cắt chữ, vẽ trang trí, kẻ dán... nhưng chúng ta lại ít dạy về thẩm mỹ mỹ thuật, chúng ta không dạy chúng biết cách thưởng thức mỹ thuật.

Nếu hỏi một người dân hoặc một trí thức người Việt nêu cảm nhận về tranh họa sĩ này hoặc họa sĩ kia thì đa phần họ không biết nói sao. Còn sang Pháp, hỏi về tranh của họa sĩ nổi tiếng, hầu như ai cũng nói rất tường tận, am hiểu. Điều đó chứng tỏ trình độ chung của họ rất cao.

Tôi từng sang Hàn Quốc và đọc được sách dạy mỹ thuật cho học sinh Hàn Quốc. Tôi rất ngạc nhiên vì cuốn sách nói rất nhiều về nghệ thuật hiện đại... Họ đào tạo để các em mai này thành những khán giả có thị hiếu tốt về mỹ thuật. Chúng biết tranh này là đẹp, tranh này là xấu, tranh này thuộc trường phái gì...

Tại sao các nhà sưu tập chủ yếu tìm tranh của các tên tuổi nổi danh ngày xưa mà ít quan tâm đến nghệ thuật đương đại mang tính tiếp diễn? Đơn giản bởi vì chúng ta thiếu một lớp công chúng có trình độ. Hiện nay, nhiều người mua tranh dựa trên những thông tin có sẵn, vì lợi nhuận chứ họ không dựa trên sự yêu thích, sự cảm nhận của cá nhân họ.

Điều đó rất khó để thị trường mỹ thuật Việt Nam phát triển. Sai lầm của việc đào tạo mỹ thuật là gần như chúng ta không đào tạo gì cho học sinh cả. Nguyên nhân là người biên soạn giáo trình kém, họ không hiểu bản chất của mỹ thuật. Theo tôi, muốn khắc phục thì cần coi lại toàn bộ giáo trình mỹ thuật dạy cho học sinh.

Bên cạnh đó, chúng ta cần rất nhiều sàn đấu giá để họa sĩ có đất sống. Nếu sàn nào không làm tốt vai trò của họ, trộn tranh thật - tranh giả thì họ tự đánh mất uy tín và biến mất theo quy luật đào thải của thị trường. Tôi nghĩ một sàn đấu giá tồi không thể làm hỏng cả thị trường mỹ thuật nhưng chúng ít nhiều tác động vào niềm tin của nhà sưu tầm. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính những người sưu tầm đó có đủ năng lực chuyên môn để lên sàn chưa?

Muốn sưu tầm một tác phẩm, anh phải hiểu cặn kẽ cuộc đời, sự nghiệp tác giả, thậm chí ngay cả về quá trình sáng tác của tác giả thế nào. Nếu anh đủ năng lực chuyên môn, đủ sức thẩm định giá trị tác phẩm thì anh không bao giờ bị mua nhầm cả. Còn nếu anh chỉ là một nhà đầu cơ, thấy món này có lời như mua một lô đất thì chắc chắn anh chết vì một nhà đầu tư mỹ thuật  khác rất nhiều so với nhà đầu tư bất động sản.

Vấn đề không phải ở chỗ anh nhiều tiền mà vấn đề ở chỗ anh phải am hiểu mỹ thuật, anh phải có trình độ để thẩm định tác phẩm mình mua. Đáng tiếc vấn đề giáo dục mỹ thuật ở nước ta quá yếu kém nên những nhà sưu tầm am hiểu rất ít ỏi so với giới đầu cơ.

Họa sĩ Lê Kinh Tài:Họa sĩ hãy sáng tạo, đừng chạy theo thị trường

Làm thế nào để tiếp cận thị trường mỹ thuật, nhất là các họa sĩ trẻ? Nhiều người nghĩ tôi thuận lợi, may mắn, có chiêu thức để bán tranh chạy… Thật ra, tôi sáng tạo không ngừng. Một ngày, tôi gặp một giám tuyển nước ngoài, họ giúp tôi hiểu rằng người ta có thể chấp nhận họa sĩ bước vào thị trường bằng những gì nghệ sĩ muốn nói chứ không phải bằng con đường nghệ sĩ nói cho công chúng hiểu. 

Rõ ràng, khi bàn đến thị trường nghệ thuật thì phải bàn đến tiền bạc. Nhưng tôi không quan tâm, tuyệt đối không quan tâm. Chúng ta cần biết rõ rằng giá trị nghệ thuật khác hẳn giá trị bán ra. Một bức tranh giá cao chưa chắc đã tương đương với giá trị nghệ thuật cao.

Để giá trị nghệ thuật bằng giá trị thị trường thì điều khó khăn nhất nó không nằm ở mối liên kết của nhà giám tuyển - nhà phê bình nghệ thuật - nhà sưu tập… mà nó nằm duy nhất ở nghệ sĩ. Khi anh đã bước chân vào công việc nhằm phát triển giá trị nghệ thuật của mình thì anh hãy thôi ngay chuyện anh định giá tác phẩm của anh bao nhiêu tiền.

Nghệ sĩ chỉ nên chăm chú vào chuyên môn, làm nghề một cách nghiêm túc. Bởi có không ít trường hợp mải lo chạy theo lợi nhuận đã cho ra sản phẩm chiều lòng các gallery, chiều lòng công chúng. Rốt cuộc, họ tự chép tranh của mình hoặc "sản xuất" hàng loạt tác phẩm na ná nhau, không có đột phá sáng tạo mới. Lâu dần, nó khiến cho sức sáng tạo trở nên cùn mòn và khiến tranh của mình rơi vào tình trạng bão hòa, ít người mua. Người ta mua làm gì khi họa sĩ đó có nhiều tác phẩm giống nhau xuất hiện cùng một thời điểm?

Người mua chẳng bao giờ tâm sự với nghệ sĩ là tôi muốn cái gì ở anh. Họ chỉ theo dõi nghệ sĩ, cách làm việc của anh, giá trị nghệ thuật anh mang lại cho họ như thế nào… Nên họa sĩ cứ miệt mài sáng tác, còn phần đưa tranh đi hội chợ nghệ thuật, giao dịch mua bán tranh, họa sĩ cần giao phó cho người đại diện hoặc giám tuyển.

Khi bước vào thị trường thì có nhiều quy tắc ràng buộc nghệ sĩ, như anh không được làm bản sao, phóng tác, vẽ với kích thước nhỏ hơn hoặc màu sắc khác. Người ta muốn sở hữu vì giá trị sở hữu của nó chứ không hẳn vì giá trị nghệ thuật. Tại sao họ muốn sở hữu nó? Họ đọc, họ biết được tác phẩm này có phản ánh đúng đời sống, tư duy của nghệ sĩ, họ mua cho tương lai. 

Bán được tranh thì mình được hai thứ: thứ nhất là có tiền, thứ hai là người mua đồng cảm với những gì mình kể ra. Điều thứ hai là niềm hạnh phúc nhất của nghệ sĩ. Cũng có hiện tượng nhiều họa sĩ trẻ muốn càng nhiều người đồng cảm với mình càng tốt nên họ phá vỡ mọi nguyên tắc để bước vào thị trường. Kiểu như tranh được định giá là A, nhưng họa sĩ mong tranh mình được đồng cảm nhiều hơn nên họ bán cho nhà sưu tập là A-5, A-10… để bán được nhiều tranh hơn. Tại Việt Nam, hầu hết triển lãm cá nhân là trưng bày những tác phẩm mới nhất, đặc sắc nhất cho người ta xem là chính. Điều đó tốt nhưng không phải là một trong mấu chốt để bước vào thị trường mỹ thuật.

Nhà báo Ngô Hương Sen: Nghệ thuật phải văn minh và sòng phẳng

Vừa qua, câu chuyện nhà đấu giá Chọn's đưa đấu giá bức tranh lụa chân dung bé gái được kí tên cố hoạ sĩ Vũ Giáng Hương, nhưng thực chất lại là bài tập của một sinh viên mỹ thuật Yết Kiêu, không kí tên, được bán cho một vị khách có tên là B.K đang trở thành đề tài được giới mỹ thuật nói riêng và những người quan tâm đến đời sống văn học nghệ thuật nước nhà nói chung bàn tán xôn xao suốt những ngày qua.

Đây không phải lần đầu tiên, Chọn's dính phải "nghi án" đấu giá tranh giả và có lẽ cũng không phải là lần cuối cùng nếu Chọn's tiếp tục cuộc chơi nhẽ ra phải rất văn minh, sòng phẳng theo một cách không văn minh, sòng phẳng. Không văn minh, sòng phẳng trước hết ở chính lựa chọn của Chọn's, khi tự tin rằng mình có một hội đồng thẩm định gồm toàn những tên tuổi uy tín, nhưng lại dứt khoát không công khai danh tính những thành viên ấy với lí do họ không chịu được áp lực.

Đây là điểm khác với thông lệ quốc tế, bởi các nhà đấu giá danh giá đều public tên các chuyên gia nghệ thuật, thành viên hội đồng thẩm định như một ví dụ bảo chứng cho uy tín, đồng thời buộc những thành viên đó phải chịu trách nhiệm trước danh dự của chính mình. 

Chọn's, như chính giám đốc sàn đấu giá này công bố vào ngày 5-9, trong buổi họp báo về sự kiện bức chân dung bị nghi mạo danh của hoạ sỹ Vũ Giáng Hương không có sự đầu tư chuyên sâu về khoa học kỹ thuật để thẩm định các tác phẩm nghệ thuật, mà chỉ in sách giới thiệu các tác phẩm được đấu giá, trưng bày tại trụ sở sàn đấu giá trong 7 ngày trước khi phiên đấu diễn ra và thành viên hội đồng thẩm định, thẩm định tranh bằng... mắt thường.

Rất tiếc, sự ra đời của sàn đấu giá Chọn's đã được dư luận rất quan tâm theo dõi với đầy tinh thần lạc quan, phấn khích. Công bằng mà nói, Chọn's không phải sàn đấu giá nghệ thuật duy nhất đang hoạt động, nhưng gần như hiệu quả và chuyên nghiệp nhất. Có điều, sự hiệu quả và chuyên nghiệp của Chọn's chỉ như cái áo khoác bóng bẩy bên ngoài, chứ không chứa đựng bên trong nội dung nghiêm cẩn, chặt chẽ.

Một sàn đấu giá lẽ ra phải là nơi khách hàng yên tâm về xác thực về tính duy nhất, độc bản của tác phẩm, một tác phẩm nghệ thuật chính danh, đích thực của những nghệ sỹ kí tên trong tác phẩm. Còn nếu chỉ phó mặc chất lượng, thật giả cho các nhà sưu tầm, những người ký gửi tác phẩm đấu giá, thì nhà đấu giá cũng chẳng khác gì một buổi họp chợ tự phát, không có kiểm soát, phiên chợ của riêng những thành phần "buôn gian bán lận" như dân gian thường nói.

Không có Chọn's hay những nhà đấu giá như Chọn's, ước mơ xây dựng một thị trường cho mỹ thuật Việt Nam và minh bạch thị trường ấy đã xa vời khó khăn trong bối cảnh tranh giả, tranh nhái càng ngày càng lộng hành mà chưa có chế tài pháp luật nào xử lý hiệu quả.

Có thêm Chọn's, giấc mơ ấy càng trở nên tuyệt vọng hơn bao giờ hết, bởi nhà đấu giá dù vô tình hay cố ý đưa những tác phẩm nghệ thuật mạo danh, làm giả ra đấu giá công khai là một sự việc không thể coi là bình thường, làm sai rồi lại cười xoà bỏ qua cho nhau được trong xã hội đã đi qua thời ăn no mặc ấm để ăn ngon mặc đẹp, nâng niu thưởng thức nghệ thuật. Bởi vậy, Chọn's cũng như những nhà đấu giá nghệ thuật rất khó đi đường dài, nếu tiếp tục chọn cách làm ăn mập mờ đánh quả, hoặc biến mình thành công cụ rửa tiền cho những ai đứng đằng sau đó...

PV
.
.
.