Phát triển đô thị Việt Nam đang gây lãng phí về đất đai

Thứ Tư, 18/05/2022, 08:29

Sau 35 năm đổi mới, phát triển đô thị Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song đi kèm với nó là những hạn chế cần sớm khắc phục.

Đây là đánh giá của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045- sẽ được Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai vào sáng nay- ngày 18/5.

Phát triển đô thị Việt Nam đang gây lãng phí về đất đai -0
Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Được biết, ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỉ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp.

B.K
.
.
.