Gỡ khó nhà ở cho công nhân lao động
Cả nước có gần 18 triệu công nhân lao động, tuy nhiên mới có khoảng 20% trong số này được đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Đây là con số được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra dẫn chứng cho nhu cầu bức thiết về nhà ở của công nhân lao động hiện nay.
Việc chưa có chỗ ở ổn định, dễ dẫn đến dịch chuyển lao động trong công nhân lao động, nhiều công nhân phải thuê trọ trong những khu nhà trọ ẩm thấp, tồi tàn. Bên cạnh đó, do điều kiện sống không đảm bảo, nhiều công nhân lao động phải gửi con về quê nhờ người thân trông giúp, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực.
Thiết chế công đoàn gặp khó
Được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021, giai đoạn 1 khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn, Hà Nam đã cho thấy tính ưu việt khi mang lại niềm vui cho nhiều công nhân lao động, từng bước hiện thực hóa giấc mơ "an cư" để "lạc nghiệp".
Chị Nguyễn Thị Liên, công nhân Công ty Honda Việt Nam (quê ở Thái Thụy, Thái Bình) cho hay, trước đây vợ chồng chị phải thuê một căn phòng trọ ở ngoài chỉ khoảng 15m2. Hai vợ chồng và con nhỏ ở rất chật chội, tù túng. Khi thiết chế công đoàn hoàn thành và đưa vào sử dụng, vợ chồng chị đã làm đơn và được xét duyệt thuê căn hộ 45m2 với hai phòng ngủ. Tiền thuê mỗi tháng là 1,4 triệu đồng. Từ ngày vào ở tại thiết chế công đoàn, cuộc sống của gia đình chị đã có nhiều thay đổi thay tích cực.
"Chúng tôi rất hài lòng với căn hộ đang ở. Thực sự nó rất phù hợp với gia đình có hai vợ chồng và hai con như nhà tôi. Thậm chí ông bà ra trông cháu cũng có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng. Cơ sở vật chất trong khu thiết chế rất khang trang, có sẵn bình nóng lạnh, quạt trần, phòng ngủ, nhà vệ sinh, khu bếp được bố trí rất khoa học. So với thuê trọ trong nhà dân trước đây, số tiền chi trả hằng tháng tăng lên không đáng kể, nhưng chất lượng cuộc sống được nâng lên rất nhiều", chị Liên chia sẻ.
Mặc dù đáp ứng được nhu cầu của đông đảo công nhân lao động, thế nhưng có một thực tế hiện nay là Khu thiết chế công đoàn giai đoạn 1 với 300 căn hộ cho thuê tại KCN Đồng Văn, Hà Nam đến nay cũng mới chỉ là thiết chế công đoàn duy nhất được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Được triển khai từ năm 2017 theo Quyết định số 655 ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ công nhân lao động. Mục tiêu đề án đặt ra trong giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư thí điểm 1 thiết chế công đoàn, giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu triển khai 50 thiết chế công đoàn tại các KCN, khu chế xuất.
Từ năm 2026 trở đi, tất cả KCN, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn. Việc hoàn thành các thiết chế công đoàn sẽ đáp ứng được nhu cầu chỗ ở cho hàng triệu công nhân lao động. Mục tiêu đặt ra như vậy nhưng đến thời điểm hiện tại, việc triển khai các thiết chế công đoàn này đang gặp nhiều vướng mắc. Rõ ràng là ưu việt, được đông đảo công nhân lao động chờ đón, tại sao việc phát triển thiết chế công đoàn lại chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, việc triển khai còn chậm?
Theo ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên nhân là do một số vướng mắc về cơ chế, chính sách như tổ chức công đoàn không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư với mục đích xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê; việc triển khai thiết chế công đoàn chưa được đưa vào nội dung chương trình trọng tâm, cấp bách của cấp có thẩm quyền ở một số địa phương... Đến nay, mới có 31 tỉnh có giới thiệu địa điểm xây dựng mô hình, nhưng chỉ có 2 tỉnh giao đất thực hiện.
Cần gỡ khó chính sách
Một trong những giải pháp để gỡ khó là mới đây Bộ Xây dựng đã đề xuất cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở tại dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm tháo gỡ một số điểm nghẽn trong lúc chờ sửa Luật Nhà ở 2014 vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ.
Dự thảo Nghị quyết này nhằm đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp gắn với việc thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân hiện chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trong khi đó, một số tổ chức như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nguồn lực tài chính, tham gia thì lại gặp vướng mắc. Bởi Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói chung và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai trên thực tế.
Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Văn Nghĩa cho biết, với các vướng mắc hiện nay, để gỡ khó cho các thiết chế công đoàn thì gỡ khó chính sách là việc rất cần.
"Việc giao đất xây dựng thiết chế là để làm nhà ở. Tuy nhiên, theo Điều 54 và Điều 55 Luật Đất đai 2013 thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê. Điều này dẫn đến thực tế, thiết chế công đoàn tại Hà Nam đã hoàn thiện xong từ năm 2019 nhưng vẫn phải bỏ không đến năm 2020 vì Tổng Liên đoàn không thể thực hiện việc bán mà chỉ cho thuê. Chúng tôi cũng đã đề xuất Chính phủ có những điều chỉnh để có thể kết hợp với UBND các tỉnh và nhà đầu tư liên quan xây dựng nhà ở trong thiết chế công đoàn. Dự kiến trong năm 2023 có thể thực hiện được thiết chế ở Bình Định, Cần Thơ, giai đoạn 2 Hà Nam, Vĩnh Phúc…", ông Nghĩa cho hay.
Ở góc độ khác, để gỡ khó được nhà ở cho công nhân lao động, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng hiện nay 3 luật có liên quan chặt chẽ với nhau là: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, các quy định lại rất mờ nhạt về vấn đề quy hoạch đất đai để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động trong KCN.
Đơn cử như, trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai 2013 quy định rất chung chung, không có cụ thể nào về quy hoạch đất trong các khu công nghiệp mà phải dành ra phần để xây dựng nhà ở cho công nhân. "Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải quy định đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp; hình thức để cho công nhân có thể thuê, thuê mua với giá ưu đãi", PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến góp ý.