Dành quỹ đất để xây nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

Chủ Nhật, 12/09/2021, 10:54

Dịch bệnh khiến các tỉnh, thành ở khu vực phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, hàng nghìn doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) đã buộc phải tạm dừng hoạt động. Với 23 KCN, nhưng đến nay số KCN có nhà lưu trú cho công nhân, người lao động tại TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Để duy trì sản xuất trong những ngày dịch bệnh diễn ra căng thẳng, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chọn hình thức thuê khách sạn ở khu vực trung tâm cho người lao động lưu trú để đảm bảo thực hiện “một cung đường, hai địa điểm”. Công nhân không được ăn, ở gần nơi làm việc nên việc lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào nơi sản xuất tập trung là điều khó tránh khỏi.

Dịch lây lan từ bên ngoài vào nhà máy trong KCN đã buộc chính quyền phải quyết định cho đóng cửa một số nhà máy tại Khu công nghệ cao (CNC), trong đó có khu phức hợp Samsung sau khi phát hiện hơn 700 ca nhiễm từ một nhà máy ở đây. Tại khu chế xuất Linh Trung 2, sau nhiều nỗ lực của nhà đầu tư, 2 block nhà lưu trú công nhân cao tầng với sức chứa khoảng 2.200 người cũng đã được hình thành cách đây 6 năm.

Để đáp ứng nhu cầu của công nhân, chủ đầu tư cũng đã bố trí 2 loại căn hộ, vừa đáp ứng cho hộ gia đình công nhân, vừa cho nhóm người lao động ở chung với giá thuê nhà rẻ hơn giá thuê phòng trọ bên ngoài.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc công ty CP Thiên Phát, chủ đầu tư dự án, để hình thành được khu nhà lưu trú công nhân này là cả một hành trình dài khai mở cơ chế để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi và quỹ đất. Đã vậy, giai đoạn 1 của dự án đã xong, đưa  vào sử dụng từ lâu, thì đến nay giai đoạn 2 của dự án vẫn chưa xong khâu hoàn chỉnh thủ tục bàn giao quyền sử dụng đất.

Tại Đồng Nai, với 31 KCN, thu hút vài trăm nghìn lao động vào làm việc nhưng đến nay hầu như các KCN đều chưa hình thành nhà lưu trú công nhân tập trung. Mới chỉ có rất ít nhà lưu trú công nhân được doanh nghiệp tự bỏ tiền ra làm để ổn định lao động cho DN của mình. Không có nhà lưu trú công nhân ngay tại KCN để hỗ trợ DN khép kín sản xuất nên trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Đồng Nai, cả tỉnh cũng chỉ có được hơn 1.000 doanh nghiệp có thể áp dụng phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất. Vậy nhưng đến nay cũng đã có khoảng 60 doanh nghiệp phát hiện ca bệnh được xác định do lây nhiễm qua nguồn cung ứng thực phẩm, hàng hóa từ bên ngoài vào.

Chỉ sau thời khoảng 2 tháng thực hiện “3 tại chỗ”, gần đây Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) đã phải kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai hỗ trợ giải quyết khó khăn cho DN và người lao động. Theo ông Lê Văn Danh, Phó ban DIZA, đã có khá nhiều DN đề nghị tạm dừng thực hiện "3 tại chỗ" do hết đơn hàng hoặc không đủ điều kiện tiếp tục hoạt động. Trong số này có khoảng 16 doanh nghiệp với hơn 1.000 lao động vì nhiều lý do như hết đơn hàng hay ở trong doanh nghiệp quá lâu nên muốn về nhà.

Về phía các địa phương, để bảo vệ "vùng xanh" đã đề nghị hạn chế bổ sung lao động từ bên ngoài vào DN "3 tại chỗ" và không cho người lao động trở về địa phương. Lãnh đạo DIZA cho rằng thực trạng này có thể gây bất ổn về an ninh trật tự trong khu lưu trú, khó kiểm soát hành động của công nhân, ảnh hưởng chung đến an ninh trật tự tại các KCN.

Đã có tình trạng người lao động kích động công nhân đánh bảo vệ rồi bỏ trốn khỏi nơi lưu trú tập trung của doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, nhiều lao động bên ngoài muốn vào doanh nghiệp "3 tại chỗ" để làm do đã nghỉ quá lâu, cuộc sống khó khăn và DN cũng muốn thay lao động để công nhân yên tâm sản xuất cũng chưa được giải quyết.

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng kiến nghị với các địa phương về khó khăn từ phương án “3 tại chỗ”, nhất là vấn đề chi phí tăng lên trong khi khả năng sản suất giảm đi... Do đó vấn đề phát triển đô thị - công nghiệp để khép kín sản xuất, đảm bảo sản xuất xanh trước dịch bệnh là vấn đề cần đặt ra.

Để phát triển nhà lưu trú công nhân trong các KCN, Nhà nước cần có quy định cụ thể về quy hoạch KCN để buộc các chủ đầu tư hạ tầng KCN phải dành diện tích đất tương ứng làm nhà lưu trú công nhân. Việc này sẽ chấm dứt tình trạng chủ đầu tư KCN chỉ nhắm đến việc cho thuê đất sản xuất, còn trách nhiệm lo chỗ ở cho người lao động tại chỗ dồn hết về cho chính quyền địa phương và xã hội.

Đ.Thắng
.
.
.