Bài 1: Những hệ lụy từ “kẽ hở” pháp lý
Năm 2013, Luật Đất đai ra đời đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ, sự vận hành, phát triển của thị trường đất đai nhanh chóng bộc lộ nhiều hạn chế trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.
Chính vì vậy, trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành ngày 16/6/2022 đã đặt ra yêu cầu đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai.
Đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai chiếm tỉ lệ cao
Luật Đất đai năm 2013 được xây dựng nhằm thể chế hóa những quan điểm và nội dung đã nêu trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, đánh giá sau gần 8 năm thi hành Luật Đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, công tác quản lý đất đai vẫn còn nhiều hạn chế: Quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống; thiếu tầm nhìn dài hạn; chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân còn nhiều bất cập; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường…
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020. Số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người...
Thống kê của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, trong giai đoạn 2012 - 2022, hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất đã được xử lý, thu hồi thông qua công tác thanh tra, kiểm toán; gần 44.700 tập thể, cá nhân bị xử lý trách nhiệm; gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội được chuyển cho cơ quan điều tra.
Thực tế, điểm lại trong thời gian vừa qua, hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tại nhiều tỉnh, TP lớn đã bị khởi tố, bắt giam và lĩnh án tù do liên quan đến đất đai, đã cho thấy, công tác quản lý đất đai đang có nhiều kẽ hở cần sửa đổi.
Đơn cử như vụ án cựu Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang và 9 thuộc cấp bị đề nghị truy tố do sai phạm chuyển nhượng đất. Tháng 8 mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử 28 bị cáo trong vụ án bán rẻ 43ha đất của Tổng Công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng Công ty 3-2). Bị cáo Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” cùng 27 bị cáo khác, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo, lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành ngày 16/6/2022 (Nghị quyết số 18-NQ/TW) cũng nêu rõ, Luật Đất đai và một số văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ.
Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đúng Nghị quyết và các quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Chưa có cơ chế hữu hiệu và chưa kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng.
Đặc biệt, thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, minh bạch, bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro; thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp chậm phát triển. Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai. Các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Giá đất được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường. Chưa xử lý triệt để tình trạng chênh lệch giá đất giáp ranh giữa các địa phương. Chưa có chế tài xử lý hành vi sai phạm trong xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất…
Sửa đổi Luật Đất đai 2013 là nhiệm vụ cấp bách
Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra mục tiêu, đến năm 2023 hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế xác định giá đất cũng như cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Rõ ràng, sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ cấp bách.
Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai là quan trọng, tác động mọi mặt đến chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; nhiều vấn đề có tác động lớn, phức tạp, nhạy cảm, cần phải đánh giá tác động, tổng kết, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả. Nhấn mạnh Luật Đất đai vướng rất nhiều luật, trên 30 luật có liên quan trực tiếp, vì vậy, theo Thủ tướng, phải sửa làm sao để đảm bảo tính hệ thống, tính đồng bộ, tính toàn diện, và tiếp tục đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp, nhưng cũng phải thiết kế được công cụ để giám sát, kiểm tra, phát hiện kịp thời các sai phạm để uốn nắn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, sửa đổi Luật Đất đai 2013 để thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn; đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai… Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững…
Trao đổi với chúng tôi, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bày tỏ quan điểm, Luật Đất đai là luật rất quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo ông Nghiêm, sau Luật Đất đai năm 1987 Luật Đất đai đã qua 7 lần điều chỉnh, sửa đổi. Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có những định hướng điều chỉnh để Luật Đất đai phù hợp với thực tế.
“Đến thời điểm này, sửa đổi Luật Đất đai là vấn đề quan trọng và cấp thiết vì giữa Luật Đất đai và các luật khác có những bất cập, “vênh” nhau. Luật Đất đai liên quan đến gần 100 luật khác nên sửa đổi là một nhiệm vụ khó khăn và thách thức rất lớn”, ông Nghiêm nêu ý kiến. Ông Nghiêm cũng nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai phải lấy ý kiến cộng đồng, truyền thông rộng rãi và “đính” kèm theo đó, phải xây dựng các dự thảo nghị định chi tiết liên quan kèm theo.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, về tổng thể, những nội dung và tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW bảo đảm tính thống nhất với Hiến pháp và củng cố, làm sâu sắc thêm các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về đất đai. Theo đó, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra…