Sửa đổi Luật Đất đai để sát với thực tiễn, tránh chồng chéo giữa các luật

Thứ Năm, 22/09/2022, 17:33

Gần 100 luật gia, luật sư, chuyên gia về đất đai, bất động sản và đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai của một số địa phương phía Nam đã nêu ra kiến nghị chung tại Hội thảo Góp ý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 22/9.

Kiến nghị chung đó là cần sớm sửa đổi Luật Đất đai (năm 2013) để sát hơn với biến đổi của thực tiễn nền kinh tế - xã hội đất nước, địa phương, nhất là thống nhất quy định giữa các luật với nhau, tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, dẫn đến các quy định về hồ sơ, thủ tục hành chính thêm phức tạp và việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài của người dân, doanh nghiệp thời gian vừa qua.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc cơ quan truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đánh giá chung Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này có vai trò hết sức quan trọng để đưa các quy định của luật sát hơn với thực tiễn công tác quản lý đất đai trên cả nước.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, qua kết quả rà soát của Bộ Tài nguyên- Môi trường tại 112 luật, bộ luật (có quan hệ với Luật Đất đai) đã thấy 22/112 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với luật hiện hành nhưng cũng chưa thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở…

Sửa đổi Luật Đất đai để sát với thực tiễn, tránh chồng chéo giữa các luật -0
Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu đề dẫn hội thảo.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đã nêu 7 nhóm nội dung góp ý của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ngoài tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương được thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát quá trình thực hiện Luật Đất đai, kịp thời khắc phục các ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai.

Cùng ý kiến, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết HoREA đã nhiều lần góp ý về các bất cập trong quy trình thu hồi đất đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư cho người bị ảnh hưởng bởi dự án thu hồi… Một khi chưa sửa đổi được luật thì người dân, doanh nghiệp còn bức xúc. 

Đại diện HoREA cũng kiến nghị xem xét chuyển quy định bắt buộc giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch bất động sản tại Điều 211 Dự thảo sang “khuyến khích thực hiện”, bởi vì nếu bắt buộc sẽ tạo ra những “đặc quyền”, “đặc lợi” cho các sàn giao dịch và thiếu công bằng với các chủ đầu tư dự án bất động sản hiện nay, dẫn đến các bất cập, mâu thuẫn kéo dài. Lý do là vì sàn giao dịch không góp một đồng vốn nào với chủ đầu tư để bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư xây dựng các công trình trong dự án nhưng lại được “đặc quyền” bán sản phẩm của dự án…

Sửa đổi Luật Đất đai để sát với thực tiễn, tránh chồng chéo giữa các luật -0
Quang cảnh Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, Luật sư Lê Nết, Giám đốc Công ty Luật LNT & Thành viên nêu tiêu chí đối với việc Nhà nước thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Trong vấn đề này, phải làm rõ như thế nào mới được coi là dự án vì lợi ích chung, lợi ích cộng đồng, đặc biệt là đối với các khu đô thị, khu nhà ở có tính chất thương mại. Điều này để tránh tình trạng tư nhân núp bóng Nhà nước hay địa phương để trục lợi chính sách nhưng đối tượng thụ hưởng lại chỉ tập trung vào tầng lớp trung lưu hoặc người có địa vị, dẫn tới phân cấp giàu nghèo ngày càng sâu sắc hơn trong xã hội…

Phân tích về vấn đề khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, bà Đặng Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng và trợ giúp pháp lý Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng vấn đề này không chỉ phát sinh từ đơn giá đền bù hay thủ tục, hồ sơ liên quan mà phát sinh từ chính việc địa phương vận dụng Luật Đất đai để áp dụng thu hồi đất.

Bà Đặng Thị Ngọc Hạnh dẫn chứng thực tế tại địa phương có nơi cơ quan thanh tra cấp huyện tùy tiện tham mưu cho UBND cấp huyện thu hồi những Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó rất lâu, thậm chí 10 đến 20 năm trước. Trong khi, nếu xác định tranh chấp đất đai xảy ra khi đã có giấy này thì phải được giải quyết bằng phán quyết của cơ quan tòa án có thẩm quyền…

Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, nhiều ý kiến tham vấn tại hội thảo đã phân tích các khía cạnh để mở rộng hạn mức, gia hạn thời gian… Trong đó, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, nêu thực tế ở các nước có nền nông nghiệp phát triển, xuất siêu và đóng góp lớn cho GDP quốc gia, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp cho người dân và hộ gia đình được gia hạn tối đa cùng nhiều thuận lợi đi kèm. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại, đất nông nghiệp phục vụ cho nhu cầu công cộng được sử dụng lâu dài, còn cá nhân lại chỉ có thời hạn ngắn hơn…

Phú Lữ - Lê Anh
.
.
.