Sức hút đầu tư vào hạ tầng lưu trú và thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao

Chủ Nhật, 07/04/2019, 09:54
Phát biểu tại diễn đàn “Bất động sản du lịch 2019 - Triển vọng thị trường và thách thức nguồn nhân lực” diễn ra tại TP HCM ngày 6-4, Tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, tăng trưởng du lịch của cả nước đã đạt được bước phát triển nhảy vọt với mức tăng 30-40%/năm.

Mức tăng này đã đưa Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất toàn cầu và đứng đầu châu Á. Dự kiến năm nay, cả nước sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tăng trưởng nhanh của ngành du lịch đã tạo động lực cho nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Trong đó, thị trường bất động sản (BĐS) du lịch được ghi nhận là đang có sự bùng nổ mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm rất lớn của đông đảo nhà đầu tư trong nước và quốc tế.  Song, bên cạnh các cơ hội kinh doanh và đầu tư dành cho DN, người dân, theo ông Tiến lĩnh vực này cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức đặt ra cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư. 

Các dự án BĐS nghỉ dưỡng đua nhau chào bán.

Trong đó, với các địa phương là bài toán quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng BĐS du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng lúc, thách thức về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực đủ khả năng quản lý, vận hành các dự án BĐS du lịch đặc thù, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao cũng đang được đặt ra.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhìn nhận, ngành du lịch sẽ đạt tổng doanh thu 35 tỉ USD vào năm 2020 và tăng gấp đôi vào năm 2030. 

Thách thức đặt ra trong phát triển hạ tầng du lịch hiện nay là Nhà nước cần cho đấu thầu các dự án phát triển hạ tầng du lịch để chọn được nhà đầu tư lớn, có năng lực; tránh tình trạng đơn vị trúng thầu không thể triển khai dự án do thiếu năng lực, kinh nghiệm. 

Về nguồn nhân lực phục vụ các cơ sở lưu trú, theo ông Nam, hiện tượng bùng nổ về hạ tầng du lịch đã khiến công tác đào tạo nguồn nhân lực không theo kịp.

TS Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thực tế tăng trưởng du lịch những năm gần đây vượt xa dự báo kéo theo nhu cầu đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực lưu trú. Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng khách sạn, resort, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn đã tăng từ 13.756 cơ sở với 256 ngàn phòng lưu trú vào năm 2011 lên con số 28.000 cơ sở với 550 ngàn phòng vào năm 2018.

Phân tích các xu hướng nguồn cầu du lịch đòi hỏi sự thích ứng trong nguồn cung hạ tầng BĐS, ông Siêu khuyến cáo chủ đầu tư dự án cần thiết kế sản phẩm dự án phát huy được những giá trị của tài nguyên du lịch về văn hóa và sinh thái; xác định được giá trị đặc thù, giá trị cốt lõi cho thương hiệu của dự án. 

Trước mục tiêu đạt 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa với tổng doanh thu 700.000 tỉ đồng trong năm nay của ngành du lịch cả nước, ông Siêu cũng lưu ý các DN về việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với tầm quản lý tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đ.Thắng
.
.
.