Sàn môi giới bất động sản lao đao
- Cơ hội trong khó khăn của bất động sản thời dịch COVID-19
- Bất động sản tồn kho trị giá hàng ngàn tỉ đồng cần được tháo gỡ
- Hướng đi nào cho thị trường bất động sản mùa dịch
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam hiện có hơn 300 trên tổng số 1.000 sàn giao dịch BĐS trên cả nước đóng cửa; ngoài ra, 500 sàn cũng hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng từ dịch.
Hàng loạt sàn giao dịch BĐS đóng cửa
Hai tháng nay chỉ được hỗ trợ tiền xăng xe là tình cảnh của Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên một doanh nghiệp môi giới BĐS tại Hà Nội. Theo Nguyễn Anh Tuấn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm tới nay anh gần như không thể tiếp xúc được khách hàng.
“Có những khách quan tâm đến dự án từ trước Tết hẹn ra Tết sẽ đi tham quan nhà mẫu và bàn bạc việc ký hợp đồng. Thế nhưng do dịch bùng phát, khách hàng chỉ báo lại bao giờ hết dịch sẽ xuống dự án sau nhưng không biết khi nào”, anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ và cho biết, không có khách, cộng thêm việc không được hỗ trợ, từ đầu mùa dịch đến nay không ít nhân viên môi giới BĐS đã phải tìm con đường “kiếm cơm” khác, bao giờ hết dịch mới quay trở lại với nghề.
Tác động kép từ chính sách cũng như dịch COVID- 19 khiến cho thị trường bất động sản đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. |
Theo đại diện một số sàn giao dịch BĐS, những tháng đầu năm 2020 thị trường BĐS đã chững lại, nguồn cung ra thị trường nhỏ giọt khiến các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, các sàn môi giới phải cắt giảm nhân sự. Đại diện Công ty Môi giới BĐS Đại Phát (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thời điểm kinh doanh phát triển, doanh nghiệp này có hơn 200 nhân viên kinh doanh, nhưng vài tháng nay, số lượng nhân viên kinh doanh đã giảm mạnh.
“Từ khi có dịch đến nay, công ty cho nhân viên kinh doanh nghỉ nhiều, chỉ còn lại dàn lãnh đạo công ty và một số ít nhân viên để duy trì hoạt động. Một phần không có dự án, một phần dịch bệnh nên công ty cho nghỉ vì có vào cũng không có việc làm, lại có khả năng lây bệnh. Đến khi dịch bệnh được khống chế hẳn sẽ tuyển dụng nhân sự trở lại và tìm kiếm nguồn hàng”, ông Phan Ngọc Thụ, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong khoảng 1.000 sàn hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch BĐS, tức hơn 300 sàn phải đóng cửa. Ngoài ra, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Một số sàn vẫn còn hoạt động theo lý giải của ông Đính là do có những hợp đồng bán hàng đã ký kết từ trước. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến các doanh nghiệp không mở bán dự án mới, nếu có dự án mới cũng ít người mua.
“Thống kê trong hệ thống Hội Môi giới BĐS Việt Nam và từ Bộ Xây dựng, cả nước có khoảng 1.000 sàn giao dịch BĐS, nhưng đến cuối năm 2019 do nguồn cung sụt giảm, các sàn bắt đầu “rơi rụng”, hoạt động vất vưởng nhưng chưa đóng cửa nhiều. Tuy nhiên đến giai đoạn dịch bùng phát thì tình trạng đóng cửa các sàn môi giới BĐS diễn ra ồ ạt”, ông Đính cho hay.
Nghịch lý: không có giao dịch nhưng giá vẫn tăng
Lý giải cho về những con số khá sốc khi hàng loạt công ty môi giới phải đóng cửa, hoạt động “lay lắt”, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, tác động “kép" từ chính những khó khăn mang tính nội tại của thị trường BĐS vừa qua cùng với cú “bồi” từ dịch COVID-19 đã khiến hàng trăm sàn giao dịch BĐS buộc phải đóng cửa. Những ngày này khách hàng có tâm lý ngại đến chỗ đông, ngại tiếp xúc với người lạ nên dù có tiền trong thời điểm này họ cũng sẽ cân nhắc. Thêm nữa, họ đang dồn sự quan tâm đến chuyện dịch bệnh ra sao, người nhà họ có bị không, nhu cầu thực phẩm thiết yếu…
Sức khỏe thị trường đang rất yếu thế nhưng có một nghịch lý là dù giao dịch giảm sút, giá BĐS lại có chiều hướng tăng. Theo báo cáo mới công bố của Vietnam Report (một doanh nghiệp trong lĩnh vực báo cáo đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp tại Việt Nam), giá BĐS đã vượt quá xa mức thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể, chỉ trong vòng vài năm, trong khi mức tăng thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt mức 7- 8% thì mặt bằng giá BĐS đã tăng lên 50%, có nơi 100%, thậm chí 200%.
“Tồn kho tăng cao trong bối cảnh lãi suất ngân hàng biến động gây nên những diễn biến đáng lo ngại cho sự phát triển thị trường BĐS trong ngắn hạn. Tồn kho cao minh chứng rằng giá cả thị trường đã bị bơm lên vượt quá sức mua thực của nền kinh tế vào thời điểm hiện tại. Tình hình này kéo dài sẽ dẫn đến một cuộc tháo chạy trong tương lai trước khi thị trường ổn định và tăng trưởng trở lại trong dài hạn”, báo cáo nêu rõ.
Báo cáo của Công ty CBRE (doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS) cũng đánh giá, giá BĐS dù rơi vào cảnh khó khăn vẫn có xu hướng tăng. Đơn cử như thị trường chung cư Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, giá bán căn hộ tăng đều ở các phân khúc, trong đó giá bán sơ cấp trung bình ghi nhận ở mức 1.370 USD/m2, tăng 5%. Giá bán cũng tăng nhẹ khoảng 2,2% so với quý trước đó và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức trung bình 4.248 USD/m2. Trong đó một số khu dân cư mới ở Hoài Đức, Hà Đông, Gia Lâm… có mức tăng giá khá cao.
Lý giải về nguyên nhân giá BĐS vẫn tăng cao bất chấp nhu cầu giao dịch có dấu hiệu giảm, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Maxland cho rằng, do nhu cầu nhà ở vẫn đang cao hơn lượng sản phẩm chào bán hiện có trên thị trường nên nhiều chủ đầu tư tự tin khi đưa ra mức giá bán cao. Bên cạnh đó, với những nhà đầu tư thứ cấp đang sở hữu căn hộ, nếu không chịu áp lực tài chính, phần lớn vẫn tin tưởng về thanh khoản thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát nên không muốn giảm giá.
“Với phân khúc đất nền, nhà phố dù đã xuất hiện tình trạng bán cắt lỗ, bán tháo để ra hàng nhanh nhưng mặt bằng giá chung của loại hình này vẫn không giảm. Nguồn cung đất nền, nhà phố vốn không còn nhiều, tâm lý người Việt vẫn chuộng nhà đất liền thổ nên nhà đầu tư chỉ tạm “án binh bất động” và rất tự tin về khả năng thanh khoản tốt của phân khúc này khi khó khăn qua đi”, ông Diễn nhận định.