Người mua nhà ở xã hội mỏi mòn chờ... ưu đãi vốn
- Nhà ở xã hội đang tiệm cận giá nhà thương mại
- Hà Nội xây khu nhà ở xã hội nằm giữa huyện Hoài Đức và quận Hà Đông
- Nhiều chủ đầu tư nhà ở xã hội tự cứu mình
Theo đại diện một số chủ đầu tư nhà ở xã hội, một số dự án vẫn chưa thu hút được người dân, vì những người thực sự khó khăn không biết “trông cậy” vào nguồn vay nào phù hợp điều kiện hoàn cảnh.
Một số dự án mới mở bán gần đây trên địa bàn thành phố cũng không thực sự “đắt hàng” dù lượng cầu khá lớn, bởi lẽ người mua không đủ năng lực tài chính nếu phải vay ngân hàng theo lãi suất thông thường.
Kiên nhẫn chờ tới lượt
Đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án The Vesta (Phú Lãm, Hà Đông) từ giữa năm 2016, nhưng đến nay vợ chồng chị Vũ Hà Thu (phường Thượng Đình, Thanh Xuân) vẫn chưa hoàn thành được giấc mơ “an cư”.
Lý do theo chị Thu cho biết là vợ chồng chị phải vay khoảng 500 triệu đồng mới có thể mua nhà. Đăng ký mua nhà, vợ chồng chị được Vietinbank hỗ trợ lãi vay để lãi suất ở mức 5% theo gói vay 30 nghìn tỷ. Tháng 4-2016 đăng ký mua nhà, tháng 6 chuẩn bị ký hợp đồng mua bán thì hết gói 30 nghìn tỷ. Không vay được vốn giá rẻ, việc ký hợp đồng mua bán phải dừng lại. Chủ đầu tư động viên vợ chồng chị chờ đợi.
“Đầu năm 2017, nghe thông tin Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua nhà ở xã hội với mức lãi suất 4,8%. Vợ chồng lại đôn đáo đi hỏi thủ tục, nhưng thực tế là chẳng thấy ai tiếp cận được với gói vay này. Hy vọng, rồi lại thất vọng. Nhưng giờ cũng chỉ biết chờ thôi chứ làm thế nào”, chị Thu chia sẻ.
Nếu không được hỗ trợ tín dụng, người thu nhập thấp sẽ rất khó mua được nhà. |
Cũng trong trạng thái chờ đợi, mọi thông tin về các chính sách tín dụng cho người mua nhà ở xã hội luôn được anh Mai Văn Hùng (Tứ Hiệp, Thanh Trì) theo dõi rất chặt chẽ. Một trong những chính sách được anh Hùng rất kỳ vọng hiện nay là gói 2.000 tỷ đã được Quốc hội thông qua để phát triển nhà ở xã hội.
“Cứ nghĩ gói tín dụng này sẽ được triển khai từ tháng 9- 2017 nên vợ chồng tôi đang hy vọng. Hết tháng 9 rồi mà chưa thấy động tĩnh, không biết bao giờ gói này mới được triển khai. Nếu không vay được vốn ưu đãi thì những người có thu nhập thấp như chúng tôi rất khó có cơ hội để mua được nhà”, anh Hùng cho biết.
Theo anh Hùng, vợ chồng anh cũng muốn mua nhà từ năm 2016 thế nhưng hơn 1 năm qua không biết trông vào đâu để vay được tiền nên việc mua nhà vẫn phải chờ đợi.
Nhà ở xã hội phụ thuộc vào chính sách
Nhà xây xong nhưng không bán được hàng, chủ đầu tư sốt ruột nhưng cũng chỉ có thể chia sẻ với khách hàng. “Nếu không được vay vốn ưu đãi thì chắc chắn họ sẽ không đủ khả năng tài chính để mua nhà bởi đa phần đều là những người có thu nhập thấp. Tôi đã trực tiếp gặp gỡ họ nhiều lần nên hiểu họ là những người đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở nhưng lại không đủ khả năng ngay lập tức. Nếu phải vay với lãi suất thương mại thì không thể mua nổi. Phía doanh nghiệp chúng tôi cũng muốn bán được hàng nhưng khách hàng không dám ký. Chúng tôi cũng chỉ biết gặp gỡ, động viên khách hàng chờ đợi”, ông Nguyễn Kim Giang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BĐS Hải Phát (chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội The Vesta) cho biết.
Theo ông Giang, doanh nghiệp cũng có thể hỗ trợ được cho khách hàng nhưng chỉ phần nào bởi vì tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đã bị khống chế lãi suất ở mức 10%.
Trong khi đó, ông Phạm Thế Hưng, đại diện chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Bright City khẳng định, nhà ở xã hội có đặc thù là phụ thuộc vào chính sách, gần như toàn bộ khách hàng đều trông chờ vào việc hỗ trợ vay vốn mua nhà. Vì thế, khi chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi không còn, nhà ở xã hội cũng không còn khách mua.
“Cần thiết phải xây dựng chính sách, những gói vay ưu đãi theo hướng dài hạn cho người nghèo. Nếu chính sách thay đổi liên tục thì người mua nhà sẽ gặp khó. Còn đối với doanh nghiệp tham gia xây nhà ở xã hội, nếu chính sách ưu đãi không rõ ràng, thường xuyên thì cũng khó thu hút bởi nhà ở xã hội chi phí đầu vào cũng lớn, giá bán nhà lại rẻ. Trong khi đó, nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách tín dụng không ổn định thì rất khó cho chủ đầu tư”, ông Hưng nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, đối với gói 2.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương tiếp nhận nguồn vốn, triển khai ngay việc cho vay trong năm nay.
Nói như vậy, gói vay ưu đãi 2.000 tỷ đồng đã có chủ trương nhưng chưa triển khai. Điều này cũng gây khó cho cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà có thu nhập thấp vì nếu bây giờ doanh nghiệp vay thương mại thì giá nhà sẽ tăng cao, người thu nhập thấp sẽ không thể vay với lãi suất cao và sẽ không thể mua được nhà.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, bất động sản, nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn khó có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. Trong khi đó, thực tế là phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá rẻ đang có xu hướng tăng giá rõ rệt, nguyên nhân là do nguồn cung khan hiếm, chậm trễ trong triển khai chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà. Vì vậy, nếu không nhanh chóng sắp xếp nguồn vốn để tiến hành giải ngân, thì nhiều người thu nhập thấp sẽ mất cơ hội mua được nhà bởi phát triển nhà ở xã hội cần đi kèm với hỗ trợ tín dụng.