Biệt thự 107 Trần Hưng Đạo đã 110 tuổi
- Sức khỏe nạn nhân vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo tiến triển tốt
- Công tác cứu hộ, cứu nạn vụ sập nhà cổ đã hoàn tất
- Đã tìm ra nguyên nhân vụ sập nhà cổ tại phố Trần Hưng Đạo
Theo tài liệu của ngành đường sắt, nhà 107 Trần Hưng Đạo nằm trong quần thể khu vực ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), được thực dân Pháp khởi công xây dựng năm 1900, hoàn thành năm 1905 và giao cho Công ty hoả xa Vân Nam quản lý, khai thác đến năm 1946.
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh huỷ bỏ quyền quản lý, khai thác của Công ty hoả xa Vân Nam. Sắc lệnh cũng quy định các đường xe lửa cùng tất cả động sản, bất động sản đường sắt được giao cho Bộ Giao thông Công chính (nay là Bộ Giao thông Vận tải), trực tiếp là Nha Hoả xa Việt Nam quản lý.
Giai đoạn 1946 đến 1954, ngành đường sắt đã tạm thời vận chuyển máy móc, thiết bị ra vùng tự do để kháng chiến. Hoà bình lập lại, ngày 20/9/1954, ngành đường sắt tiếp nhận toàn bộ cơ sở vật chất, trong đó có khu vực ga Hàng Cỏ và khu nhà 107 Trần Hưng Đạo.
Theo tài liệu của tiến sĩ Trần Thu Dung (ở Pháp), biệt thự 107 Trần Hưng Đạo từng là trụ sở của Hội Tam điểm thời Pháp thuộc. Hội này quy tụ những thành viên xuất sắc, giàu có, thành đạt trong xã hội.
Trao đổi với VnExpress, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt cho biết, một thời gian dài ngôi biệt thự được sử dụng là hội trường hội họp của ngành đường sắt. Từ năm 2010, Ban quản lý dự án đường sắt được giao sử dụng biệt thự, nên chuyển đổi công năng là phòng làm việc, nhiều phòng khác được ngăn nhỏ, song kết cấu của ngôi nhà chính không thay đổi.
Giai đoạn này, ngôi nhà đã được ngành đường sắt sửa chữa 3 lần để chống sập, nhưng không làm ảnh hưởng tới kết cấu tòa nhà, như chống sập sàn tầng 1, trần tầng 2 hội trường; thay thế cửa tầng 2 nhà hội trường; xây dựng hệ thống trạm bơm thoát nước, chống úng ngập tầng hầm. Đến tháng 6/2013, biệt thự được giao cho Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 sử dụng đến nay.
Ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo thời Pháp thuộc. Ảnh: TS Trần Thu Dung |
Khuôn viên khu nhà 107 Trần Hưng Đạo rộng 2.800m², gồm 7 ngôi nhà với tổng diện tích sàn xây dựng 2.669m². Biệt thự chính cao 2 tầng, một tầng hầm có diện tích xây dựng 643m², trong đó 500m² là trụ sở làm việc vốn là hội trường đã bị sập mái trần, khối mặt tiền là sảnh đón khách vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài ra, còn 143m² diện tích phía sau biệt thự bố trí nhà ở cho cán bộ công nhân viên theo hợp đồng thuê nhà.
Hai bên biệt thự là khối nhà khung ray có diện tích xây dựng 907m² được bố trí làm nhà ở của cán bộ công nhân viên đường sắt. Ngoài ra, có một nhà cấp 4, diện tích xây dựng 60m² từng được bố trí là phòng khám Giao thông vận tải.
Theo ông Hoạch, từ năm 2009, Tổng công ty Đường sắt đã có kế hoạch nâng cấp, giải tỏa các hộ dân sống trong khuôn viên biệt thự và lập dự án xây dựng văn phòng làm việc của Tổng công ty. Tuy nhiên, TP Hà Nội chưa chấp nhận vì ngôi nhà nằm trong danh mục bảo tồn.
Khối nhà mặt tiền đường Trần Hưng Đạo vẫn còn. Ảnh: Giang Huy. |
"Chúng tôi là đơn vị thuê nhà, khu đất 107 Trần Hưng Đạo chưa có sổ đỏ nên việc xây dựng, cải tạo phải chờ các cấp có thẩm quyền quyết định", ông Hoạch nói. Mỗi năm, Tổng công ty đường sắt nộp hơn 2 tỷ đồng tiền thuê đất cho công trình này.
Năm 2013, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý đối với khu nhà 107 Trần Hưng Đạo, thống nhất giữ lại tiếp tục sử dụng làm trụ sở làm việc theo quy hoạch của TP Hà Nội và đề nghị Tổng công ty Đường sắt di dời, chấm dứt việc cho thuê nhà tại đây để quản lý, sử dụng theo đúng quy định.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhà 107 Trần Hưng Đạo được xác định nguồn gốc là nhà vắng chủ nên được Nhà nước quản lý. Mới đây, Sở đã xác lập sở hữu toàn dân cho nhà số 107 phố Trần Hưng Đạo, nghĩa là nhà nước được quản lý.
Sau khi ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo bị sập, văn phòng Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 được Tổng công ty Đường sắt bố trí tạm về tòa nhà văn phòng 95-97 Lê Duẩn. Hiện Ban quản lý chưa kiểm kê tài sản, tính toán thiệt hại do hiện trường vẫn bị cơ quan công an phong tỏa. |