Ai “thổi” giá đất Đà Lạt cao ngất ngưởng?
- Hệ lụy từ cơn “sốt đất” Vân Đồn: Nguy cơ trắng tay!1
- Đặc khu chưa hình thành, “cơn sốt” đất đã bùng phát
- Giàu lên nhờ sốt đất và những hệ lụy tiềm ẩn
Bất động sản tại Đà Lạt bắt đầu nóng lên từ thời điểm sau tết Nguyên đán 2018. Cùng với đó, trên các diễn đàn về nhà đất Đà Lạt hằng ngày xuất hiện hàng loạt thông tin rao mua và bán nhà đất, giá cả mỗi lô từ vài trăm triệu đến vài chục tỷ đồng. Giá nhà đất ở thành phố du lịch này nóng lên từng ngày với sự hoạt động nhộn nhịp của một lực lượng hùng hậu “cò” bất động sản chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Thắng, một người làm nghề môi giới nhà đất tại Đà Lạt nhiều năm qua cho biết, chưa bao giờ thấy nhiều người tham gia làm “cò” đất như hiện nay. “Có thể nói người người, nhà nhà làm cò đất!…”, anh Thắng cho biết.
Cơn sốt giá đất ở Đà Lạt khiến người dân đổ xô san ủi đất để bán. |
Không chỉ những người lâu nay làm trong các lĩnh vực liên quan đến nhà đất như xây dựng, tư vấn bất động sản mà một lực lượng lớn công chức, viên chức nhà nước cũng sôi nổi tham gia môi giới, giao dịch mua và bán đất kiếm lời. Phần lớn những người này tham gia giao dịch qua các trang diễn đàn về bất động sản, gặp người đang rao bán nhà đất để tìm hiểu thông tin, tới tham khảo, nếu thấy cơ hội đầu tư có lãi cao họ sẽ bỏ tiền ra mua và rao bán lại ngay sau đó.
Chị Thảo, người đang làm việc tại một cơ quan nhà nước trực thuộc tỉnh Lâm Đồng cho biết, cuối năm 2017 khi giá đất tại Đà Lạt có dấu hiệu “nóng” lên, chị cùng một số đồng nghiệp khác góp tiền mua chung một lô đất gần 100m² với giá 1,5 tỷ đồng. Cuối tháng 4 vừa qua, nhóm của chị Thảo đã bán thửa đất này với giá hơn 6 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng lãi 1 tỷ đồng.
Tương tự, anh Linh, một người làm nghề giáo viên ở Đà Lạt cũng cho biết, những tháng gần đây rất nhiều đồng nghiệp của anh một buổi đi dạy, buổi còn lại tranh thủ làm môi giới, kinh doanh bất động sản. “Có người chỉ trong vài tuần sau khi mua đi bán lại kiếm tiền lãi cả tỷ đồng. Lời lãi lớn và nhanh có tiền tươi nên hầu hết bạn bè tôi đều rủ nhau tham gia môi giới, kinh doanh bất động sản. Người có vốn thì mua nhà đất đầu tư bán lại, người không có vốn thì tham gia “cò”, dẫn dắt khách tới mua và ăn phần trăm từ gia chủ”, anh Linh nói.
Công việc hằng ngày của những người làm nghề môi giới bất động sản là tìm hiểu thông tin, địa chỉ của những người có nhu cầu bán nhà, đất sau đó liên hệ, đặt vấn đề với gia chủ dẫn dắt người tới mua.
Thông thường, khi dẫn khách tới mua bất động sản thành công, gia chủ sẽ chia cho những người làm môi giới từ 1 đến 2% trên tổng giá trị số tiền chủ bất động sản bán được. Một hình thức khác là ăn chênh lệch giữa giá gia chủ đưa ra và giá đưa khách tới bán được. Với hình thức thứ hai này, không ít “cò” đất kiếm hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ chỉ sau một lần giao dịch thành công.
Đầu năm 2018 đến nay, không chỉ đất xây dựng giá vọt tăng mà giá đất nông nghiệp cũng làm cho nhiều người phải giật mình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá đất nông nghiệp tại những vùng ven như phường 7, 11, 12, … kể cả những nơi giáp rừng và nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp, không có giấy tờ hợp pháp, mỗi mét vuông đất có giá từ 3 đến hơn 10 triệu đồng tùy vào từng vị trí và loại đất, giao thông đi lại.
Việc mua bán bất động sản ở những vị trí này chủ yếu là viết giấy tay giữa hai bên vì không đủ điều kiện để công chứng, sang tên theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, đất lâm nghiệp sau khi bị lấn chiếm, san ủi bằng phẳng tại những vùng rừng núi giáp ranh Đà Lạt và huyện Lạc Dương, nếu đường xe ôtô đi vào thuận tiện hiện được bán với giá không dưới 400 triệu đồng/1.000m². Chính cơn sốt giá đất trong thời gian qua đã khiến nhiều đối tượng đổ vào rừng sâu đầu độc thông già, lấn chiếm, san ủi đất rừng để bán.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở Đà Lạt cho biết, gần hai năm qua, rất nhiều đại gia đã đổ lên Đà Lạt mua đất xây dựng khu du lịch, khách sạn hoặc đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điều này khiến giá nhà đất ở Đà Lạt “nóng” lên. Thời gian qua, cùng với cả nước, giá bất động sản ở thành phố du lịch này “nhảy múa”, tăng lên từng ngày với sự “đôn giá” của đông đảo lực lượng hành nghề môi giới.
Bên cạnh đó, trung tâm Đà Lạt rất khó mở rộng bởi bao quanh thành phố đều là rừng thông, thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp và nông nghiệp. “Đất chật, người ngày càng đông, người lao động đến đây làm việc ai cũng muốn sử dụng một thửa đất để làm nhà, có chỗ ở ổn định. Việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng thời gian qua được cho là khá thuận lợi cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá bất động sản lên cao”, giám đốc doanh nghiệp này nói.
Trong khi đó, Lê Trung Minh, một người kinh doanh bất động sản ở Đà Lạt cho biết, khi luật cho phép ngân hàng phá sản thì tâm lý gửi tiền vào ngân hàng của người dân có sự dè chừng đáng kể, do đó khi tích lũy được một số tiền nhất định người dân thường chọn cách đầu tư vào nhà đất, đây vẫn được nhiều người cho là kênh đầu tư ổn định. “Tuy nhiên, thực tế cho thấy thị trường bất động sản cũng như con sóng ngoài biển lớn. Khi gặp gió mạnh thì tạo nên những con sóng cao và sau đó lại trở về ở mức bình thường”, anh Minh ví von.
Cũng theo anh Minh, người dân không nên đổ xô đầu tư vào bất động sản vào thời điểm hiện nay, nhất là việc đi vay tiền để mua nhà đất, bởi nguy cơ rủi ro rất cao. “Khi giá nhà đất chững lại, việc mua và bán gặp khó khăn trong khi hằng tháng, hằng ngày vẫn phải trả tiền lãi suất của khoản tiền đã vay sẽ rất dễ dẫn đến bể nợ”, anh Minh cho biết.