Đặc khu chưa hình thành, “cơn sốt” đất đã bùng phát

Thứ Ba, 17/04/2018, 08:59
Mặc dù đề án Đặc khu hành chính – kinh tế (HC-KT) Vân Phong chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng nhiều tháng qua “cơn sốt” đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã bùng phát trên diện rộng, có nguy cơ để lại nhiều hệ lụy phức tạp.


Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, hàng chục doanh nghiệp, văn phòng giao dịch bất động sản đã được hình thành sau khi có thông tin xây dựng Đặc khu HC-KT Vân Phong. Đó là chưa kể hàng trăm biển quảng cáo bán đất và hàng trăm “cò” đất săn đón, mời chào mỗi khi thấy người lạ dò hỏi giá đất. Nhiều trang web đăng tải những thông tin mua bán nhà đất ở Bắc Vân Phong giàu sức hấp dẫn. Có lẽ vì thế nên khi chúng tôi vừa dừng chân bên QL1A ở phía Nam đèo Cổ Mã, một tay lái xe ôm lượn tới dò hỏi nhu cầu mua bán đất.

Sau hàng chục năm, con đường lộ 18km dẫn xuống trung tâm xã Vạn Thạnh vẫn còn một bên là những đồng đất khô cằn nối tiếp ao đìa nuôi tôm thẻ chân trắng, một bên nhấp nhô đồi cát trắng ven biển với những lùm cây hoang dại chống chọi nắng gió khô cằn. 

Đến gần khu dân cư nhỏ lẻ ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, một người đàn ông tiếp chuyện tự giới thiệu là Năm Ngọc cho biết: “Cách đây hơn nửa năm giá đất từ khu vực này xuống tới Đầm Môn, xã Vạn Thạnh đều rẻ như… bèo, giờ này thì giá cả tăng vọt từng ngày. Nhìn thấy hoang sơ, lồi lõm vậy chứ 100m2 có giá từ 1 đến 3 tỷ đồng tùy theo vị trí, địa thế và sở thích bên mua. Gần như giờ này không còn đất, nếu có thì mua đi, bán lại mà thôi”.

Khi “cơn sốt” đất bùng phát trên địa bàn huyện Vạn Ninh, hàng chục doanh nghiệp, văn phòng giao dịch bất động sản đã hình thành.

Đến thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh, người đàn ông tên Ba Thông chỉ tay về khu đất phía trước, rồi nói: “Ở đây chỉ còn một lô 100m², giá bán 1,5 tỷ đồng, nếu ưng thì tôi kêu chủ đất đến”. 

Ngược vào thị trấn Vạn Giã dò hỏi giá đất ở các tuyến đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú… không ai tin được giá đất mới ngày nào trên dưới 1 tỷ nhưng giờ đã “thổi” lên 3-4 tỷ đồng, những lô đất hướng mặt ra biển có giá 5-6 tỷ đồng. 

Ông Võ Thành Sơn, Trưởng phòng TNMT huyện Vạn Ninh cho biết, nửa năm nay đã có hơn 10 văn phòng giao dịch đất đai được thành lập, người đến ký gửi bán đất khá nhiều, người mua cũng không ít. Không riêng ở thị trấn Vạn Giã hay hai xã Vạn Thạnh, Vạn Thọ, mà giá đất ở các xã Đại Lãnh, Vạn Thắng, Vạn Lương cũng tăng lên chóng mặt.

Gõ vào trang web datvanphong.com, chúng tôi tìm thấy hàng loạt thông tin rao bán đất kèm bản chụp “sổ đỏ”, có “sổ đỏ” chụp kèm với chứng minh thư chủ đất để tạo niềm tin. Lô đất thổ cư 230m² ở xã Vạn Lương đã được chuyển nhượng cho một người khác ở TP Hà Nội cách đây vài tháng, giờ này đã tăng giá lên 2,2 tỷ đồng; một lô đất thổ cư khác 561m² ở xã Vạn Thắng có giá 5 tỷ đồng với lời rao “Đất mặt biển, giá rẻ bất ngờ”, còn lô đất tái định cư ở xã Đại Lãnh 163m² có giá 1,6 tỷ đồng… Nhiều trang web khác cùng rao bán đất với giá như thế.

Giá tăng cao nên nhiều người “đua” nhau rao bán đất thổ cư, hoa màu, lâm nghiệp, thậm chí có người bán luôn lô đất vừa được tái định cư khi thực hiện dự án hầm đường bộ Đèo Cả để lấy tiền tỷ. 

Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh - ông Trần Kim Bảo cho biết, “cơn sốt” đất khiến cho nhiều người dân “mượn cớ” thiệt hại về nhà ở sau cơn bão số 12 từ cuối năm ngoái để lấn chiếm đất rừng, san nền ao đìa, đốn hạ cây cối… để xây dựng nhà trái phép rồi phân lô bán nền. 

Ít nhất đã có gần 60 trường hợp bị chính quyền xã và các cơ quan chức trách xử phạt hành chính, buộc cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép hoặc khôi phục nguyên trạng đất đai. 

Nghiêm trọng hơn nữa là gần một tháng qua, nhiều người dân đến các đảo Hòn Trì, Hòn Cồ, Hỏn Đỏ, Hòn Gà, Hòn Kê, Hòn Nhọn nằm trong vùng vịnh Vân Phong ở xã Vạn Thạnh tranh nhau đốn hạ, phát dọn cây rừng rồi cắm cọc, phân lô để… bán, trong khi họ thừa biết đó là tài nguyên do nhà nước quản lý. 

Theo ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tổ công tác liên ngành kiểm tra và ước tính khoảng 14 ha rừng ở các hòn đảo nêu trên đã bị xâm hại, trong đó đảo Hòn Trì đã bị phát dọn hơn nửa diện tích. 

Trước thực trạng đó, ngày 13-4, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trực tiếp kiểm tra hiện trường và chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh cùng các cơ quan chức trách triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất, phát dọn rừng, mua bán đất trái phép…

Nhiều chuyên gia bất động sản cảnh báo rằng, trong khi đề án xây dựng Đặc khu HC-KT Vân Phong đang được xây dựng lại để quy hoạch phù hợp với mục tiêu chung của Trung ương thì “cơn sốt” đất ở Vạn Ninh bùng phát do giới kinh doanh bất động sản ở nơi khác đến “thổi” giá “ảo” để trục lợi nên việc mua bán đất tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

UBND huyện Vạn Ninh và các cơ quan chức trách không kịp thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo rủi ro, hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất… thì khi Đặc khu HC-KT Vân Phong hình thành sẽ vấp phải không ít khó khăn trong đền bù giải tỏa, thu hút nhà đầu tư chiến lược…

Hữu Toàn
.
.
.