Vầng hào quang quanh mặt trời khiến nhiều người thích thú

Thứ Ba, 16/06/2020, 14:06
Nhiều ngưới dân TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… thích thú khi chứng kiến cảnh quầng mặt trời xuất hiện giữa trưa, nhiều người vội vàng chụp ảnh làm kỷ niệm…

Khoảng 12h ngày 16-6, rất nhiều người thích thú chia sẽ hình ảnh chụp được quầng mặt trời (hào quang như cầu vòng tỏa xung quanh mặt trời) lên mạng xã hội. 

Tại quận 6, trong lúc đang chăm sóc vườn cây trên sân thượng chị Minh khá bất ngờ khi thấy quầng hào quang tỏa xung quanh mặt trời. 

Chị Minh cho hay, đây là lần thứ 2 chị thấy được quầng mặt trời, trước đó cũng vào thời điểm này năm 2012, chị cũng thấy quầng hào quang trên. Chị Minh cho hay, dù chứng kiến lần 2 nhưng cảm giác thú vị vẫn như lúc ban đầu.

Quầng mặt trời xuất hiện vào buổi trưa khiến nhiều người thích thú.
Đây là một hiện tượng thú vị khiến nhiều người quan tâm
Tại TP Hồ Chí Minh do trời chuyển mưa nên quầng mặt trời bị mây đen che phủ một vài vị trí
Nhiều người sống tại TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ hình ảnh thú vị này lên mạng xã hội
Quầng mặt trời bị che phủ dần và biến mất

Tại một số tỉnh thành như Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, nhiều người cũng phát hiện quầng mặt trời nên thích thú chụp ảnh chia sẻ trên mạng xã hội. Bà Chu Thị Vân (Tiền Giang) chia sẻ: “Nó đẹp thật, đây là lần đầu tiên trong đời tôi mới nhìn thấy quầng mặt trời đẹp như vậy. Không chỉ tôi, mà cả xóm khi thấy quầng mặt trời đã kéo ra xem.”

Quầng mặt trời tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện khoảng 45’ sau đó quầng sáng lan rộng và bị mây đen che phủ rồi biến mất.

Theo một số nhà khoa học lý giải về vầng hào quang quanh mặt trời, đó là một hiện tượng quang học hiếm xảy ra khi ánh sáng bị khúc xạ nhiều lần theo góc 22 độ, Quầng hào quang là những vòng ánh sáng bao quanh mặt trời hoặc mặt trăng. Chúng thường xuất hiện khi có một lớp mây mỏng xuất hiện trên bầu trời. 

Sự kết hợp giữa hóa học, vật lý và hình học là nguyên nhân chính tạo ra quầng mặt trời. Bầu khí quyển pha trộn nhiều loại khí, bao gồm khí oxy, nitơ và hơi nước. Ở độ cao đủ lớn, hơi nước cô đặc và sau đó đông cứng thành tinh thể băng. Khi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua tinh thể băng, dạng hình học của tinh thể sẽ làm cho ánh sáng bị khúc xạ, tương tự hiện tượng xảy ra khi ánh sáng chiếu qua một lăng kính. 

Quầng mặt trời hoặc mặt trăng thường là dấu hiệu dự báo sắp có mưa.


Anh Thư
.
.
.