Bi kịch của chàng trai tật nguyền nhờ em trai làm chú rể

Thứ Hai, 25/04/2016, 14:32
Anh đã từng cảm thấy mình bất hạnh sau hai lần yêu đương không thành chỉ vì bản thân là người khuyết tật. Đã từng có ý định khép lòng mình lại thôi không mơ về một mái ấm gia đình nhưng định mệnh đã cho anh gặp được người con gái ấy qua mục "Cửa sổ trái tim" phát trên sóng VOV.


Người con gái xinh đẹp đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của đời người đã bỏ qua mọi định kiến, nghe theo tiếng gọi của con tim mà đến với anh. Lặn lội đường xa vạn dặm từ An Giang ra Hưng Yên để nguyện xin được làm người bạn đời của anh. Hạnh phúc tưởng chừng đã mỉm cười nhưng sau mấy năm chung sống, vì không chịu nổi những vất vả, thiệt thòi người phụ nữ ấy đã lặng lẽ rời bỏ bố con anh để tìm kiếm một tương lai mới.

Tái sinh khi được yêu

Chúng tôi gặp Đặng Văn Tĩnh khi anh vừa trải qua trận ốm thập tử nhất sinh từ bệnh viện về. Khuôn mặt gầy rộc, chân tay run rẩy và tinh thần hoàn toàn suy sụp khiến anh trông già hơn nhiều so với tuổi 30 của mình. Lần đi viện này của anh khác với những lần đi viện trước bởi thiếu đi đôi bàn tay chăm sóc của vợ. Người phụ nữ đã từng sống chết vì tình yêu, đã từng gạt bỏ mọi định kiến, khoảng cách địa lý để đến với anh giờ đã rời bỏ anh mà đi. Có lẽ, đó là cú sốc quá lớn khiến anh quỵ ngã.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, đôi mắt anh ầng ậc nước. Anh bảo: "Mình không trách vợ mình đâu, bởi cô ấy còn quá trẻ lại xinh đẹp làm sao có thể gắn bó cả đời với người đàn ông tật nguyền như mình được. Nhưng dù xác định được tâm lý vậy mình vẫn thấy đau lắm. Đời mình giờ chỉ còn đứa con trai này làm chỗ dựa thôi".

Lúc mới sinh, cậu bé Đặng Văn Tĩnh cũng khỏe mạnh và nhanh nhẹn như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng tai họa đã ập tới khi vào một ngày toàn thân cậu tê buốt và không sao cử động được. Sau lần đó, hai chân của Tĩnh cứng đơ không thể di chuyển được. Đôi bàn tay trở nên thừa thãi khi nó bỗng dưng mềm oặt chẳng đủ sức để cầm một vật gì. Tĩnh được bố mẹ đưa đi chạy chữa khắp nơi, đến đủ các bệnh viện nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Tĩnh trở thành bại liệt từ ngày đó.

Thời điểm khi bị liệt, Tĩnh quá nhỏ để cảm nhận hết nỗi đau và sự thiệt thòi của mình nên Tĩnh vẫn vô tư, hồn nhiên. Lớn hơn một chút Tĩnh vẫn giữ được sự lạc quan trong tâm hồn mình. Nhờ vậy, Tĩnh đã làm được những việc rất có ý nghĩa như thành lập ra câu lạc bộ "Tỏa sáng ước mơ" để giúp những mảnh đời bất hạnh như mình. Nên dù là khuyết tật nhưng Tĩnh vẫn là tấm gương cho nhiều người học tập. Và cũng bởi vì thế nên đến tuổi cập kê Tĩnh vẫn có những cô gái trong thôn thầm yêu trộm nhớ. Nhưng cuối cùng thì những tình yêu ấy vẫn chưa đủ lớn để có thể vượt qua được định kiến xã hội, những ngăn cấm từ gia đình.

Khoảnh khắc thập tử nhất sinh trên giường bệnh

Sau 2 lần thất bại trong tình yêu Tĩnh đã thôi không dám để lòng mình mơ tới một mái ấm gia đình nữa. Tĩnh trở nên ít nói và sống khép mình hơn. Đêm đêm anh vẫn lấy chiếc radio cũ làm bầu bạn. Chuyên mục mà anh muốn nghe nhất luôn là "Cửa sổ tình yêu". Bởi trong đó, Tĩnh được lắng nghe, được chứng kiến những thổn thức, những e dè và cả những khó khăn trở ngại của những người đang yêu. 

Một bận, anh quyết định gọi điện đến chương trình "Cửa sổ tình yêu" để chia sẻ về cuộc đời mình. Không ngờ, sau lần ấy, anh nhận được rất nhiều những lá thư, những tin nhắn và cả những cuộc điện thoại động viên chia sẻ của bạn bè làm quen. Nhưng hầu hết những người bạn qua đài cũng chỉ gọi điện cho Tĩnh một lần mà thôi. 

Duy nhất có một người con gái ở mãi tận An Giang là quan tâm tới anh nhiều nhất. Cô ấy nói rằng đã rất cảm phục trước những gì mà anh trải qua. Cô ấy còn động viên Tĩnh đừng buông xuôi vì trên đời này còn rất nhiều người tốt, đến một ngày Tĩnh sẽ tìm được người yêu thương Tĩnh thật lòng. Có sự quan tâm và động viên chân thành của một người con gái nơi xa, Tĩnh thấy lòng mình ấm áp trở lại. Và cứ thế những cuộc điện thoại những tin nhắn giữa hai người ngày một dày lên. 

Ban đầu Trang (tên người con gái ấy) cũng chỉ xem Tĩnh là một người bạn bình thường như bao người bạn khác. Nhưng khi nghe anh nói chuyện, đọc những dòng tin nhắn của anh trái tim Trang không thôi thổn thức. Ðến một ngày nếu không nhận được những dòng tin nhắn của Tĩnh, Trang cảm thấy lòng bồn chồn, làm việc gì cũng không yên.

Quen nhau lâu ngày, khi tình cảm giữa hai người đã thực sự sâu nặng, Trang nghĩ mình không thể giấu Tĩnh mãi được. Cuối cùng cô quyết định nói thật cho anh biết mình là người hoàn toàn bình thường chứ không khuyết tật như anh tưởng. Nghe lời Trang nói Tĩnh cảm giác như đất trời sụp đổ. Ngay lúc đấy anh đã vạch sẵn một ranh giới cho chính mình. Anh tự ti và trốn chạy. Dù yêu Trang nhưng anh đã chủ động cắt đứt mọi liên lạc. Trang điện thoại anh không nghe máy. Cô ấy nhắn tin anh cũng không trả lời. 

Cho dù trong lòng Tĩnh nhớ Trang khôn nguôi. Nhìn những cuộc gọi lỡ, những tin nhắn Trang gửi lòng Tĩnh đau như cắt. Những phút yếu lòng anh lại khát khao được nghe giọng Trang. Lý trí cuối cùng cũng không thắng nổi con tim đang cháy bỏng yêu đương. 

Tĩnh lấy hết can đảm điện thoại cho Trang để thổ lộ tình cảm của mình: "Những ngày không có em anh mới biết mình cần em đến thế nào. Em có đồng ý cho anh một cơ hội để chúng mình ở bên nhau không?". Đầu dây bên kia Trang òa khóc và nói rằng: "Em đã chờ anh nói những lời này từ lâu rồi. Em chẳng có lý do gì để không đồng ý".

Sau lời tỏ tình của Tĩnh, Trang quyết định khăn gói ra thăm người yêu. Tại sân bay, người đón Trang không phải là Tĩnh mà là bố của anh. Trong lòng Trang dâng lên một cảm giác rưng rưng.

Bước vào nhà, nhìn Tĩnh nằm bất động trên một chiếc giường nhỏ đặt ở góc nhà Trang đã chạy vào ôm anh và khóc. Không chỉ mình Trang khóc mà Tĩnh cũng khóc, cha và em trai anh cũng khóc vì xúc động. Trang nói: "Em sẽ chăm sóc cho anh đến hết cuộc đời".

Bị hủy hôn trong ngày cưới và cái kết không có hậu

Nói là làm, chính Trang là người xin phép bố mẹ Tĩnh cho cô được lấy anh. Được sự đồng ý của bố mẹ chồng tương lai Trang tạm biệt người yêu rồi ngược về quê xin phép bố mẹ. 

Tuy nhiên, Trang đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của bố mẹ mình. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi con gái họ xinh đẹp lại lành lặn thì không vì cớ gì mà họ chấp nhận gả cho một người khuyết tật. Trang khóc lóc, van nài thế nào cũng không được. Cuối cùng Trang buộc phải "dọa" bố mẹ rằng "nếu bố mẹ không cho con được lấy anh ấy con sẽ lên chùa đi tu và không lấy chồng".

Tĩnh đã từng có một cuộc sống hạnh phúc trong quá khứ.

Ngày hôn lễ, cỗ bàn nhà gái đã chuẩn bị xong xuôi. Chỉ đợi nhà trai vào là liên hoan mừng đôi tân lang tân nương. Thế nhưng sự cố hy hữu đã xảy ra. Bố mẹ cô dâu đòi hủy hôn ngay trước giờ tiến hành hôn lễ. 

"Chuyện là, sức khỏe mình yếu quá nên không thể đi hàng ngàn cây số để vào đó đón dâu được. Mình đành nhờ người em trai thay mình làm chú rể trong ngày cưới. Mình không định lừa dối gì gia đình nhà vợ đâu nhưng tại cô ấy cương quyết quá. Cô ấy bảo anh đừng nói trước, vì nói trước không đời nào bố mẹ em chấp nhận đâu. Mọi chuyện cứ để đó em giải quyết. Khi mọi chuyện đã rồi thì bố mẹ cũng chẳng thể làm gì" - anh nhớ lại.

Nhưng chuyện đóng thế ấy đã không qua mặt được bố mẹ Trang. Biết chuyện, bố mẹ Trang đã làm ầm lên và kiên quyết không cho con gái cưới xin gì hết. Cỗ đã lên mâm, họ hàng hai bên đã có mặt đông đủ nhưng bố mẹ cô dâu lại nhất định không chấp nhận cho sự "lừa dối" này mặc dù Trang đã hết lòng giải thích và khóc lóc van xin. 

Thấy thương cô dâu trẻ những người họ hàng, làng xóm của Trang đã nhảy vào nói đỡ Trang. Cuối cùng thì hôn lễ vẫn được tiến hành nhưng người đón cô dâu và trao nhẫn cưới lại không phải chú rể mà là em trai của chú rể.

Lấy được Trang làm vợ, anh như lấy lại được sự tự tin của bản thân. Đứa con trai kháu khỉnh ra đời càng như nhân lên niềm hạnh phúc của hai vợ chồng trẻ. Nhiều lúc thấy Trang vất vả, Tĩnh thương và cảm phục vợ vô cùng. 

"Mình luôn thầm cảm ơn ông trời đã đưa cô ấy đến với mình. Từ lúc có Trang mình đã thôi không nghĩ tới những thiệt thòi mà mình đã và đang phải trải qua. Khi mới lấy nhau Trang luôn nói cô ấy sẽ làm đôi chân cho mình bước đi tới cuối cuộc đời. Nhưng có lẽ, cuộc sống cơm áo gạo tiền cộng với việc ngày ngày phải chăm người chồng bại liệt cùng đứa con trai nhỏ đã khiến Trang kiệt sức. Ngày cô ấy về quê ngoại ăn giỗ mình đã linh tính có thể sẽ mất cô ấy mãi mãi. Không ngờ điều mình linh tính đã trở thành sự thật".

Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ bé, chỉ có người đàn ông yếu ớt tật nguyền và tiếng bi bô của con trẻ. Nhiều lúc chán chường, Tĩnh đã nghĩ đến cái chết để giải thoát bản thân. Nhưng cứ nhìn vào đứa con trai kháu khỉnh, đáng thương anh lại muốn mình phải sống thật mạnh mẽ để bù đắp cho nó.

Hiện Tĩnh đang cùng với một người em đứng ra mở một cơ sở nhân đạo tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, bao gồm các công việc như: may, gấp phong bì, làm các mặt hàng thủ công… Anh bảo, phần đời còn lại của mình sẽ cố gắng sống thật có ích để cuộc đời này sẽ "tàn nhưng không phế".

Phong Anh
.
.
.