Người đàn ông tật nguyền và tình yêu đẹp như cổ tích bên dòng sông Mã

Thứ Năm, 17/12/2015, 10:37
Lên ba tuổi, một cơn bạo bệnh đã cướp đi đôi chân của ông Lê Kim Hoa (54 tuổi, xã Hoàng Long, TP Thanh Hóa).Cuộc đời ông tưởng chừng chỉ còn nằm một chỗ, nhưng rồi số phận bỗng mỉm cười, cho ông khả năng đặc biệt để mưu sinh. Giờ đây đã bước sang tuổi ngũ tuần, ông viên mãn bên mái ấm với người vợ hiền và hai đứa con ngoan.

Bước ngoặt cuộc đời

Ngôi làng nhỏ nằm dưới chân cầu Hoàng Long (TP Thanh Hóa), là nơi mà một lão ngư phủ tên Lê Kim Hoa hàng ngày lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ mưu sinh bằng nghề săn cá Vực. Nhắc đến ông, người dân nơi đây ai cũng biết, bởi cuộc đời ông bao biến cố thăng trầm như chiếc thuyền dập dềnh trên mặt nước sông Mã.

Sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, khi lên ba tuổi, đôi chân của ông Hoa bỗng bị teo dần theo năm tháng. Đến năm học lớp 7, ông phải bỏ dở việc học vì đôi chân không còn cử động được nữa.

Nhà ông Hoa nằm cạnh ngay dòng sông Mã, những khi buồn, chán, nhớ bạn bè, trường lớp, ông Hoa lại lê thân mình ra sau nhà nhìn sông nước. Một lần bất cẩn, ông bị trượt và chìm xuống sông. Trong lúc giữa sự sống và cái chết, ông Hoa buông tay chấp nhận khép lại số phận của mình, chờ mong một kiếp khác. Lạ thay, trong giây phút đó cơ thể ông Hoa bỗng nổi bềnh bềnh trên mặt nước. Ông lấy tay quơ quẩy đưa thân mình vào bờ, rồi túm lấy búi cỏ kêu người đến cứu.

Sau lần đó, ông Hoa nhờ bạn bè đưa mình thử xuống nước để xem cơ thể có nổi được như hôm trước không, và quả thật ông nhận ra mình có khả năng đặc biệt hơn người thường. Cũng từ đó, lão ngư Hoa "què" gắn chặt đời ông với nghề sông nước. "Từ cái ngày biết mình có bị ném xuống sông cũng chẳng chết, lúc nào tôi cũng ở dưới sông, năm thì mười họa hay có công việc gì tôi mới lên bờ. Lúc thì đi câu, khi nước xuống lại đi thả lưới… Ở trên bờ thì tôi đúng là một kẻ vô dụng vì chỉ làm bạn với xe lăn, nhưng dưới sông tôi chính là "rái cá". Ở khúc sông này chẳng có vũng, hộc hay luồng lạch nào tôi không thuộc nằm lòng cả" - ông Hoa trải lòng.

Ông Lê Kim Hoa đang đan lưới để đi đánh bắt cá trên sông Mã.

Với khả năng đặc biệt đó, ông Hoa đã trở thành một lao động chính trong gia đình, hàng ngày ông đều đi đánh cá trên sông Mã. Đến hôm nay, ông Hoa đã có hơn 40 năm làm nghề săn bắt cá. Cuộc đời làm ngư phủ của mình, ông Hoa có rất nhiều cuộc đụng độ với cá lớn, có đôi lúc cá kéo lật thuyền nhưng ông Hoa vẫn bình yên vô sự. 

Khả năng đặc biệt của ông Hoa không những dùng để bắt cá mà ông còn dùng để cứu người, vớt xác trôi sông: "Những vụ tự tử, chết đuối quanh đây gần như tôi đều có mặt để tham gia cứu vớt. Mỗi năm nước lũ lên, tôi gặp nhiều xác chết đuối, tôi phải kéo vào bờ để cho chính quyền họ thông báo cho người nhà đến nhận. Trong cái nghiệp của tôi có nhiều điều buồn vui! Hài nhất là năm ngoái có một ông đứng trên cầu Hoàng Long tự tử, tôi đứng ngay dưới chân cầu để trục vớt. Khi ông ấy nhảy xuống, tôi kéo luôn ông ấy vào bờ, rồi bảo sao tự tử? Ông ấy đáp gọn lỏn, muốn lấy vợ nhưng con cái cấm vì tuổi cao rồi! Thế là tôi cười phá lên bảo: "Có thế mà cũng tự sát, không biết xấu hổ à. Tôi bị què cụt đây mà còn yêu đời, ông lành lặn thế này mà dại dột thế". Nghe xong, ông ấy lồm cồm đứng dậy đi về.

Còn buồn nhất là năm kia, 5 cháu học sinh ra bờ sông chơi thì bị cát sụt lăn xuống sông. Nhưng sức tôi yếu quá, chỉ cứu được có 3 cháu… còn hai cháu chết đuối.Tôi thấy cắn dứt vô cùng" - ông Hoa kể.

Bén duyên trên sông

"Ngày đó tôi cứ ngồi trên chiếc thuyền thúng xuôi theo dòng sông Mã để câu cá, tình cờ một lần tôi gặp vợ tôi bây giờ là Lê Thị Mai (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) đang giặt quần áo bên bến sông. Tự nhiên tôi thấy cảm mến cô ấy, và rồi ngày nào đi câu cũng đi qua bến sông ấy xem cô ấy có đi giặt không.Cứ như vậy nhiều tháng trôi qua, cô ấy mới để ý đến tôi, và buông lời hỏi "sao anh hay đáp thuyền bến này vậy?Chỗ này bến nông, nhiều người giặt giũ lấy đâu cá mà câu".

Lúc ấy tôi cũng hơi bối rối, không biết nói như thế nào, nhưng khi định thần lại thì tôi buông lời trêu cô ấy: "Cá ở đây không nhiều, nhưng có con cá lớn mà anh muốn câu", sau câu ấy cô ấy có vẻ đoán ra sự tình, tôi còn nhớ lúc đó má cô ấy ửng hồng, không nói gì cả, lẳng lặng bê chậu quần áo rời bến" - ông Hoa nhớ lại.

Sau buổi đầu trò chuyện, ông Hoa càng thấy quý mến cô gái bên bến sông, ngày ngày ông vẫn kiên trì ngược dòng sông Mã đến bến sông đó.Mỗi lần câu được cá, ông Hoa đều ghé bến tặng bà Mai, duyên tình cũng bén dần từ những lần đó. Tuy hai người đã yêu thầm, nhưng trong thâm tâm vẫn còn những cách trở nhất định: "Ngày đó, khi hai người đã có tình cảm nhưng trong lòng mỗi người luôn có rào cản. Bản thân tôi thì cũng biết mình là kẻ tật nguyền, có những mặc cảm khó lòng quên đi được.Còn cô ấy thì sợ gia đình không chấp thuận người như mình.Thế nên mỗi lần chúng tôi hẹn hò, tôi lại phải đi thuyền tới bến sông đợi cô ấy ra"- ông Hoa nói.

Ông Lê Kim Hoa và bà Lê Thị Mai có một gia đình hạnh phúc.

Mối tình của ông Hoa và bà Mai cứ thầm lặng nhưng mãnh liệt như dòng sông Mã cuồn cuộn. Khi tình cảm ngày càng sâu nặng, ông Hoa quyết định sang "trình diện" gia đình bà Mai. Thế nhưng buổi gặp đầu tiên, ông Hoa đã bị gia đình phản đối kịch liệt.Sau lần đó, ông Hoa luôn trong trạng thái u buồn.Ông quyết tâm phải lấy bằng được bà Mai làm vợ.

Để bày tỏ lòng thành với gia đình nhà gái, hằng ngày ông Hoa quần quật trên dòng sông Mã kiếm những con cá lớn mang đến gia đình bà Mai. Không thể đi lại trên cạn, hằng đêm ông Hoa nhờ bạn bè đạp xe đưa sang nhà người yêu trò chuyện, đến giờ bạn bè ông lại đến đón. Tuy nhiên, khi đến nhà không ai tiếp đón ông, ngay cả bà Mai cũng bị cấm bước ra khỏi phòng. Vì thế, mỗi lần đến ông Hoa phải ngồi một mình ngoài sân, ngắm người mình thương qua cửa sổ.

Năm tháng qua đi, sự kiên trì của ông cũng được hồi đáp khi gia đình bà Mai đã xiêu lòng trước chàng rể tật nguyền mà kiên nhẫn, giàu tình cảm.Tuy nhiên, khi tác thành cho hai người, gia đình bà Mai vẫn đặt những điều kiện với ông Hoa phải tổ chức cưới xin đầy đủ cỗ bàn.Và hơn hết phải đảm bảo cuộc sống tốt cho bà Hoa.

Chỉ cần có vậy, mặc cho cảnh tật nguyền, ông Hoa vẫn ngày đêm lăn lộn trên dòng sông Mã hung dữ để kiếm tiền lo cho đám cưới. Hồi đó, sông Mã vốn là cái nôi của loài cá Vực (một loài cá nước ngọt lớn) ông dành thời gian và công sức đi săn những con cá Vực lớn, có những lần ông bị cá kéo lật thuyền nhưng vẫn cố bám, thu phục cá lớn "Hôm đó vào khoảng xế chiều, tôi buông cần lần cuối để chuẩn bị về, vì nước sông bắt đầu rút. 

Bất ngờ cuộn cước trên mạn thuyền của tôi cứ lao đi vun vút, biết có cá lớn, tôi liền cầm cuộc cước để khống chế nhưng con cá Vực quá lớn, nó kéo tôi lộn nhào xuống sông Mã để thoát thân. Nó kéo lê tôi trên dòng sông cả ki-lô-mét, nước xộc vào mặt, mũi ho sặc sụa nhưng tôi không buông cước. Lúc đó tôi cũng không nghĩ đến an nguy tính mạng, vì chỉ con cá to thế này, đưa lên bờ thì phải bán được tiền triệu, thế là có tiền lấy vợ. Sau gần mấy tiếng vật lộn, cả tôi và con cá đều mệt lử nhưng cuối cùng nó cũng chịu nằm yên cho tôi kéo vào bờ.Sau khi tôi kéo vào bờ, bán được hơn một triệu, thế là đi sắm sửa đồ đạc để cưới vợ" - ông Hoa nhớ lại.

Vượt qua những rào cản định kiến, ông Hoa và bà Mai nên mối lương duyên. Ngày rước dâu, ông Hoa nghêu ngao ngồi sau chiếc xe đạp mà bạn bè chuẩn bị để đưa chàng rể tật nguyền đón hạnh phúc về nhà. Bao năm lênh đênh mưu sinh trên dòng sông Mã, ông Hoa đã nuôi được một gia đình ấm êm, hai đứa con của ông đã khôn lớn. Cô con gái đầu sau khi tốt nghiệp đại học đã lập gia đình ổn định, còn đứa con trai út sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự đã thi đỗ vào trường Cao đẳng Công nghiệp, vừa học vừa làm để giúp gia đình. "Giờ hai đứa lớn cả rồi! Nó bảo tôi ở nhà để nó phụng dưỡng, không cho đi ra sông đánh cá nữa. Nhưng tôi thì thi thoảng vẫn lênh đênh trên sông nước để cho đỡ nhớ nghề" - ông Hoa nói.

Hiện nay, ông Hoa là một trong những thành viên tích cực của Hội Người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa. Ông được chính quyền địa phương và các tổ chức khác trao tặng nhiều bằng khen, trong đó có ghi nhận của chương trình "Chuyện lạ Việt Nam".

Văn Hùng
.
.
.