Nâng cao ý thức phòng dịch
- Hoả tốc yêu cầu siết chặt biện pháp phòng dịch với thành viên tổ bay
- Người dân chủ quan trong phòng dịch COVID-19
Mặc dù trước đó, trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo ngành Y tế đã cảnh báo và đề nghị các địa phương tăng cường siết chặt quản lý người nhập cảnh vì đã xuất hiện tình trạng lơi lỏng ở một số nơi cách ly ngoài quân đội quản lý, cách ly ở khách sạn… Song, hậu quả đã xảy ra khi ca bệnh 1342 ở TP Hồ Chí Minh vi phạm nghiêm trọng cách ly tại khu tập trung và cách ly tại nhà, khiến cho cả nghìn người phải cách ly, nhiều nơi bị phong tỏa.
Nguy cơ dịch bùng phát
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ dịch vào Việt Nam là rất lớn khi mỗi chuyến bay về nước có ít nhất 3 người dương tính, có chuyến lên tới trên 20 người, nếu không kiểm soát và tuân thủ tốt cách ly người nhập cảnh, nguy cơ lây ra cộng đồng hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng ta vừa có bài học hiện hữu lây dịch COVID-19 ra cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh do BN1342 là tiếp viên của Vietnam Airlines.
Người dân phải đeo khẩu trang khi đến bệnh viện, nơi đông người. |
BN 1342 trong thời gian cách ly tại nhà đã tự ý bỏ ra ngoài. Cụ thể là đi ăn trưa ngày 21/11 trên đường Lê Văn Sỹ và ngày 22/11 đi học tại ĐH Hutech (ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh). Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá “Đây là vi phạm rất nghiêm trọng trong cách ly tại khu tập trung và cách ly tại nhà, rất nguy hiểm”. Việc không tuân thủ quy định cách ly và để lây nhiễm ra cộng đồng khiến cho gần 800 người ở TP Hồ Chí Minh trở thành F0 phải lấy mẫu xét nghiệm, đã có 737 người có kết quả âm tính.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn, nơi người dân đi lại nhiều, nguy cơ lây dịch càng cao. Bên cạnh đó, tình trạng người nhập cảnh trái phép vào nước ta vẫn diễn ra ở đường mòn, lối mở ở biên giới phía Bắc, khu vực giáp Lào, Campuchia, số người này vào cộng đồng là mối nguy hiểm rình rập nếu mang mầm bệnh.
Kể từ khi TP Hồ Chí Minh phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, ý thức của người dân đã nâng lên, bằng việc đeo khẩu trang khi ra đường, nơi đông người, hội họp. Song, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người chủ quan khi tới bệnh viện, khu vui chơi, trung tâm thương mại… không đeo khẩu trang và quên sát khuẩn tay thường xuyên. “Chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhưng không được lơ là chống dịch. Tăng cường tất cả các biện pháp phòng bệnh của mỗi người dân vẫn vô cùng quan trọng. Bộ Y tế đã có các hướng dẫn cụ thể cho từng nơi, các nơi phải tuân thủ thực hiện theo”, ông Phu nói.
Theo ông Phu, vừa qua có sự lơi lỏng tại một số nơi cách ly ngoài quân đội, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong khu cách ly, lây nhiễm ra ngoài cộng đồng rất cao. Những lo ngại này đều được lãnh đạo Bộ Y tế nhắc nhở và yêu cầu chấn chỉnh trong nhiều cuộc họp. Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng có công điện yêu cầu tăng cường giám sát, siết chặt.
Song đáng tiếc, việc lơi lỏng trong khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà đã để lại hậu quả dịch COVID-19 quay trở lại nước ta sau gần 90 ngày chúng ta giữ được thành quả. Mối lo lắng lớn nhất hiện nay là việc cách ly tại nhà sẽ như thế nào nếu công tác giám sát của chính quyền địa phương không được 24/24h? Theo chuyên gia dịch tễ, chính quyền không giám sát được 24/24h, mỗi ngày kiểm tra được 2-3 lần, đêm đến người cách ly ra ngoài, hoặc cho người vào nhà thì không biết được. Do vậy, chính quyền địa phương phải tăng cường giám sát. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức tuân thủ quy định của người cách ly, nếu vi phạm thì xử lý theo NĐ117/2020-NĐ-CP.
Xử lý nghiêm vi phạm quy định về phòng, chống dịch
Việc để xảy ra lây nhiễm COVID-19 trong quá trình cách ly ở TP Hồ Chí Minh, theo LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp Hà Nội, cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ y tế, người được phân công quản lý bệnh nhân, khiến những người có nguy cơ mang mầm bệnh, người mắc bệnh tiếp xúc gần với người khác dẫn đến việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bởi về nguyên tắc, nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là cách ly y tế đối với những người nhập cảnh một cách triệt để thì sẽ không thể nảy sinh những ca mắc trong cộng đồng.
Những ca bệnh trong cộng đồng chỉ có thể phát sinh khi có người nhập cảnh trái phép hoặc việc khai báo y tế, cách ly y tế có những sai sót, chủ quan hoặc nhầm lẫn. Trong quá trình cách ly y tế mà để các bệnh nhân tiếp xúc với nhau hoặc người bệnh tiếp xúc gần với người khác thì đây là vấn đề sai sót nghiêm trọng có thể dẫn đến việc lây lan dịch bệnh trong khu vực cách ly, có thể lây lan ra ngoài cộng đồng.
Theo ông Cường, hành vi vi phạm về cách ly, cưỡng chế cách ly sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 11, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt cao nhất có thể lên tới 15-20 triệu đồng.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, với các vi phạm nghiêm trọng về cách ly, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm, cụ thể là Vietnam Airlines và cơ sở cách ly của Vietnam Airlines.
Để dịch COVID-19 không tiếp tục lây lan ra cộng đồng, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: Đây là thời điểm có nguy cơ cao lây nhiễm dịch, vì vậy người dân, cán bộ y tế không được chủ quan, cần phải tăng cường ý thức phòng dịch, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra giám sát người nhập cảnh cách ly. Người dân cần thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế là vô cùng quan trọng lúc này.
Truy vết, cách ly các trường hợp liên quan tới bệnh nhân COVID-19 mới Ngày 2/12, bà Lê Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND quận 6 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin ca bệnh 1.347 (Giáo viên tiếng Anh), Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của quận 6 đã đã tiến hành cách ly tập trung 23 người, cách ly tại nhà 78 trường hợp liên quan. Quận cũng đã phong tỏa các khu vực có liên quan đến ca bệnh này với 92 nhà, 267 người dân. Ngoài ra, lấy mẫu xét nghiệm người dân tại khu dân cư và phun khử khuẩn trên bán kính 100m khu vực bệnh nhân di chuyển, thông báo người dân địa phương nghiêm túc thực hiện “khuyến cáo 5K” của Bộ Y tế. Liên quan 4 bệnh nhân COVID-19 mới phát hiện, trong ngày 2-12, thành phố đã tiếp cận và lấy mẫu xét nghiệm 737 trường hợp. Trong đó có 37 trường hợp tiếp xúc gần của BN1.342, phát hiện 1 trường hợp dương tính là BN1.347, 36 trường hợp còn lại âm tính. Có 372 trường hợp tiếp xúc gần với BN1.347, trong đó có 2 trường hợp dương tính (BN1.348, BN1.349), 207 âm tính, 163 trường hợp đang chờ kết quả. Có 184 trường hợp tiếp xúc gần của BN1.348, trong đó 160 trường hợp âm tính, 24 đang chờ kết quả xét nghiệm. Có 36 trường hợp tiếp xúc gần của BN1.349, đang chờ kết quả xét nghiệm. 108 trường hợp còn lại là tiếp xúc khác của 4 bệnh nhân này. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) vẫn tiếp tục thực hiện điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc, thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc. HCDC khuyến cáo người dân cần tăng cường cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đồng thời, cài đặt ứng dụng Bluezone để hỗ trợ, truy vết tiếp xúc nhanh chóng; tuân thủ việc cách ly tại nhà; không chủ quan lơ là nhưng cũng không lo lắng thái quá; bình tĩnh thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế. (H.Nga-N.Cảnh) |