Người dân chủ quan trong phòng dịch COVID-19

Thứ Sáu, 30/10/2020, 09:05
Việt Nam đã 56 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, song tình hình dịch bệnh trên thế giới đang rất phức tạp, châu Âu đang lo ngại sụp đổ nền y tế khi số ca mắc mới tăng cao kỷ lục trong nửa tháng qua.

Nguy cơ dịch xâm nhập vào nước ta vẫn rất lớn, tuy nhiên nhiều người dân lại đang thờ ơ với phòng dịch. Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp 5K và đã hoàn tất dự thảo hướng dẫn đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người, theo đó người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 1 đến 3 triệu đồng.

Hiện nay, tuy đã bước sang cuối thu đầu đông, song các khu du lịch đang rất đông khách. Tuy nhiên, rất ít người đeo khẩu trang ở những nơi này. Tại một số điểm du lịch có đi cáp treo, khách chật như nêm, người nọ va vào người kia nhưng phần lớn đều không đeo khẩu trang. Tại những nơi này, không có nhân viên hay hướng dẫn yêu cầu khách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên…

Tại Hà Nội, người dân đi chợ, siêu thị cũng đã bỏ qua thói quen đeo khẩu trang như khi thời điểm dịch bùng phát. Tại nhiều điểm vui chơi giải trí, nơi cộng cộng, rất ít người chịu đeo khẩu trang.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số bệnh viện như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an…, người bệnh, người nhà bệnh nhân vào viện đều được đo nhiệt độ, đóng dấu đã kiểm tra. Tuy nhiên, có một số cơ sở y tế, khi người vào vẫn qua lại bình thường mà không phải kiểm tra.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, người nhập cảnh vào Việt Nam nhiễm SARS-CoV-2 và người nhập cảnh trái phép là những nguy cơ lớn lây lan COVID-19 trong cộng đồng. Vì vậy, người dân không được chủ quan, lơ là cho rằng dịch đã không còn nguy hiểm. Điển hình là ngày 28/10, TP HCM phải cách ly y tế 39 người để theo dõi sức khỏe do có tiếp xúc với 1 chuyên gia Hàn Quốc. Chuyên gia này làm việc cho 1 công ty Nhật Bản, có trụ sở ở Hà Nội, sau khi rời TP Hồ Chí Minh đi Nhật Bản đã được phía Nhật Bản test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. 

Lo lắng về sự chủ quan của người dân hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phân tích: Hiện dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp với làn sóng nhiễm mới ở châu Âu. Nguy cơ mùa đông tới, dịch bùng phát là rất cao nếu có mầm bệnh lan vào Việt Nam.

Người dân vẫn phải cảnh giác cao độ với các triệu chứng cúm. Tiếp tục đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, phương tiện giao thông, thường xuyên rửa tay với xà phòng, hạn chế thăm người ốm trong bệnh viện. Đặc biệt, các bệnh viện cần thắt chặt công tác phòng chống nhiễm khuẩn, thực hiện bệnh viện an toàn theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Nhiều khách du lịch không đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.

Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và và dịch COVID-19 trong mùa đông năm 2020 và mùa xuân năm 2021 do Bộ Y tế vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tại Việt Nam, dù dịch COVID-19 đã và đang được kiểm soát tốt, song nguy cơ ghi nhận ca bệnh mới vẫn hiện hữu.

Dự báo trong những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020, đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp khi bệnh COVID-19 chưa có vaccine dự phòng. Do vậy, các địa phương không được lơ là phòng chống dịch COVID-19.

Ông Tuyên đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, thành phố; đề xuất để UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các địa phương, các sở, ngành duy trì triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế.

"Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; duy trì và thực hiện hiệu quả của tổ phòng chống dịch COVID tại cộng đồng", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Vừa qua, có hiện tượng lơi lỏng giám sát cách ly người nhập cảnh ở một số nơi cách ly tập trung, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải quản lý chặt, giám sát chặt các chuyên gia, công nhân tay nghề cao đang cách ly tại khu ký túc xá. Hằng ngày phải cử cán bộ y tế theo dõi sức khoẻ, nếu có vấn đề gì lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đưa đi cách ly ngay.

Đồng thời yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng. Đặc biệt duy trì, dự phòng các tình huống dịch có thể xảy ra.

Trước hiện tượng người dân còn chủ quan chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải có công văn yêu cầu người điều khiển, người phục vụ và hành khách đi trên các phương tiện giao thông công cộng phải thực hiện đeo khẩu trang đúng cách theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong suốt quá trình di chuyển.

Ngày 28/10, Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu tăng cường công tác chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Theo đó, Hà Nội yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng và nơi công cộng; thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 5K phòng chống COVID-19 (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Đặc biệt, để công tác phòng chống dịch bệnh phát huy hiệu quả, Bộ Y tế yêu cầu cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để đi kiểm tra việc chỉ đạo của địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh cũng như hỗ trợ hướng dẫn các địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện việc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Huy Văn
.
.
.