Kết hợp ca-kịch- xiếc để đổi mới, phát huy nghệ thuật truyền thống
- Khởi động đề án sân khấu “Huyền sử Việt”
- Chử Đồng Tử: Một trầm tích văn hóa
- Khai hội Đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung
Nhiều bất ngờ từ sự kết hợp của xiếc và cải lương
Câu chuyện về Chử Đồng Tử - Tiên Dung vốn đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, tích truyện này, kịch bản này của cố tác giả Hoàng Luyện được tái hiện trên sân khấu bằng ngôn ngữ cải lương và xiếc. Việc kết hợp của 2 loại hình vốn được mặc định là khó hài hòa với nhau trên sân khấu tạo nhiều tò mò và cả sự nghi hoặc ngay trong người làm nghề lẫn công chúng. Nhưng, ngay trong buổi biểu diễn đầu tiên, vở diễn “Cây gậy thần” đã nhận được những tín hiệu phản hồi khá tích cực từ phía người xem.
Thử nghiệm kết hợp xiếc và cải lương trong vở "Cây gậy thần" |
Bất ngờ, nhạc nhiên nhưng tự hào, đó là chia sẻ của nghệ sĩ Xuân Hồng, con gái của cố tác giả Hoàng Luyện – tác giả kịch bản “Cây gậy thần” (Chử Đồng Tử - Tiên Dung). Khai thác tích truyện về Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, đề cao tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, kịch bản này đã từng được 7-8 đoàn ở phía Nam chọn dàn dựng. Kịch bản dành cho Chèo của ông cũng đã được Nhà hát Chèo Việt Nam dựng rất thành công. Sau 25 năm, kịch bản được Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam chọn dàn dựng là một bất ngờ lớn với gia đình.
Cũng theo nghệ sĩ Xuân Hồng, mặc dù vở diễn “Cây gậy thần” kết hợp giữa xiếc và cải lương nhưng vẫn giữ được nội dung tư tưởng của kịch bản. Việc đưa xiếc vào cải lương đã tạo sự mới lạ thú vị cho sân khấu, nhất là sân khấu cải lương trữ tình, lãng mạn nhưng tiết tấu chậm, khó bắt nhịp được đời sống hôm nay. “Tôi rất mừng là kịch bản của bố được các nghệ sĩ, đạo diễn phả vào hơi thở của cuộc sống đương đại, có thể thu hút được người trẻ”. Nghệ sĩ Xuân Hồng xúc động bày tỏ.
Chia sẻ về vở diễn đặc biệt này, NSND Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, 1 trong 2 đạo diễn của “Cây gây thần” cho biết, đây là tác phẩm đầu tiên được dàn dựng trong dự án nghệ thuật “Huyền sử Việt”. Dự án này gồm 4 vở diễn thuộc thể loại Ca – Kịch – Xiếc, ca ngợi công đức của “Tứ bất tử” – bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thủy của người dân Việt Nam, đó là Tản Viên sơn Thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh. Dự án nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng là một sáng tạo mang nhiều yếu tố cách tân nhằm thu hút đông đảo hơn nữa khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn.
Sân khấu Rạp Xiếc trung ương lung linh hơn với sự "nhập cuộc" của cải lương |
Trong đó, vở diễn “Cây gậy thần” kể về một mối thiên duyên vô tiền, khoáng hậu thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người, ca ngợi trung, hiếu, tiết, nghĩa và công lao to lớn của vị Thánh đã tạo dựng nền tảng giao thương giữa các bộ tộc Việt với cư dân bốn biển. Hiện nay có rất nhiều kịch bản viết về huyền tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung nhưng hội đồng nghệ thuật của hai nhà hát đã quyết định lựa chọn dựng kịch bản “Cây gậy thần” của cố tác giả Hoàng Luyện, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017. Để phù hợp dàn dựng khi kết hợp giữa cải lương và xiếc, con rể của cố tác giả là tác giả Lê Thế Song đã chỉnh lý rút gọn kịch bản từ 80 trang xuống chỉ còn 30 trang. NSND Triệu Trung Kiên chỉnh lý lời ca.
Vẫn chờ thêm nhiều cơ hội khai phóng sức sáng tạo của nghệ sĩ
NSND Triệu Trung Kiên cũng cho hay, vì dàn dựng tác phẩm mang tính thử nghiệm nên ngay từ đầu, ê kíp dàn dựng của cả 2 đơn vị là Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã cùng ngồi lại bàn bạc rất kỹ lưỡng và thống nhất phối hợp để cùng thỏa sức sáng tạo nhưng phải có sự cộng hưởng hiệu quả. Thời lượng dàn dựng ban đầu rất dài, gồm gần 2,5h. Sau nhiều lần rút gọn, tiết chế lại, đến nay, vở diễn vẫn còn thời lượng gần 2h. Nghệ sĩ cải lương và xiếc đều rất vui với kết quả hợp tác lần này.
Có những điều, nếu chỉ có nghệ sĩ cải lương thì sẽ khó làm được một cách hấp dẫn như trong “Cây gậy thần” và ngược lại, nhờ có sự phối hợp với cải lương mà xiếc được tán thưởng nhiều hơn. Như NSND Lưu Phúc, nghệ sĩ nổi tiếng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ là tiết mục dây đu bay nếu bình thường sẽ không nhận được sự tán thưởng rầm rập từ khán giả như khi xem diễn viên cải lương đu bay nhận được sự tán thưởng rầm rập của khán giả.
NSND Tống Toàn Thắng |
Khi diễn viên xiếc đóng Chử Đồng Tử Tiên Dung cũng bay lên càng được ngưỡng mộ nhiều hơn. Sự cộng hưởng của xiếc và cải lương đã tăng sự thăng hoa cho nghệ sĩ, cho tác phẩm. Việc đưa nhạc jazz và rap vào vở diễn cũng là một thử nghiệm táo bạo của ê kíp nhưng cũng được kỳ vọng sẽ từng bước cởi bỏ dần những giới hạn của sân khấu cải lương lâu nay.
Các nghệ sĩ cũng chấp nhận thử nghiệm này như 1 cuộc chơi, 1 ngã rẽ, 1 con đường mới cho sân khấu cải lương nói riêng, sân khấu truyền thống nói chung cho tương lai và bước đầu có thể sẽ gặp phải những phản ứng trái chiều, có thể có những bộ phận khán giả chưa chấp nhận. Nhưng may mắn là đến thời điểm này chưa có sự phản ứng nào gay gắt từ công chúng và giới chuyên môn.
Bày tỏ vui mừng với những thành công hợp tác bước đầu với cải lương, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, thành công này giống như là tiền đề để các nghệ sĩ vượt qua ngưỡng giới hạn của chính mình, của chính đơn vị mình trong sáng tạo nghệ thuật, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của khán giả hiện nay hơn. Anh cũng cho hay, vở diễn “Cây gậy thần” đã nhận được sự hậu thuẫn của khá nhiều đơn vị tài trợ nên trong thời gian tới, vở diễn sẽ được phục vụ đông đảo công chúng trên cả nước. Vở diễn thứ 2 là dự án “Huyền sử Việt” khai thác tích truyện về Mẫu Liễu Hạnh, về đạo Mẫu, “chạm” được vào đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Việt nên sự hậu thuẫn có thể còn lớn hơn.
Cảnh trong vở "Cây gậy thần" |
Hiện tại, anh và các nghệ sĩ đang ấp ủ khá nhiều ý tưởng mới như kết hợp xiếc với nhạc nhẹ, xiếc với Tuồng, Chèo nhằm tiếp cận đông đảo khán giả hơn nữa. “Hiện nay, chúng ta có 12 nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các đơn vị đều tập hợp một đội ngũ làm nghề hùng hậu, đầy thực lực. Xiếc, ảo thuật có một lợi thế là giàu tính giải trí. Sân khấu truyền thống có những giới hạn cố hữu. Khi các bên kết hợp lại sẽ bổ sung lợi thế cho nhau.
Tất nhiên, để có sự phối hợp hiệu quả, tạo ra các sản phẩm mới mẻ để chinh phục khán giả, các nghệ sĩ phải sáng tạo không ngừng, các đơn vị phải ngồi lại bàn bạc, thống nhất để tìm ra con đường chung nhất. Nhưng, mọi sự sáng tạo, mọi cá tính phải phục tùng mục đích tối thượng là hiệu quả của tác phẩm và chinh phục khán giả”. NSND Tống Toàn Thắng bày tỏ.