Các tỉnh Nam Bộ chỉ số UV ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao
Theo thang bảng đo chỉ số tia cực tím, từ 3-5 là trung bình, từ 6-7 là cao, từ 8-10 là rất cao, gây bỏng trong thời gian 25 phút và từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.
Cụ thể, các tỉnh thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ có chỉ số UV đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao, các tỉnh thuộc Nam Bộ chỉ số UV ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Trong ba ngày tới (từ ngày 14-16/1), chỉ số UV các khu vực Hạ Long (Quảng Ninh), Hải Phòng, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng có dao động nhẹ.
Hai ngày đầu, chỉ số này ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao sau đó giảm xuống ở ngưỡng nguy cơ gây hại trung bình vào ngày thứ ba. Các khu vực Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, trong 3 ngày tới chỉ số UV đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao.
Các tỉnh thuộc Nam Bộ chỉ số UV ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao như: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. |
Tia bức xạ cực tím UV và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời rất nguy hại khi con người ở ngoài trời lâu, đặc biệt là thời điểm chỉ số UV tăng cao có thể gây nên một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da hoặc các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể…
Để phòng tránh tác hại tia UV, các chuyên gia khuyên cần hạn chế ra ngoài trời khi nắng gắt, cố gắng tranh thủ tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát. Khi ra ngoài trời nắng, cần đội nón rộng vành, có chiều rộng vành trên 2,5 cm, phủ được 2/3 khuôn mặt; sử dụng ô; hoặc đeo mắt kính màu sậm bảo vệ mắt với lựa chọn kính chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia UV từ 99-100% để bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh; bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím; đeo khẩu trang, mặc áo khoác và thoa kem chống nắng... mỗi khi ra ngoài.