Những người thầy mang sắc phục trong môi trường đặc biệt

Thứ Tư, 20/11/2024, 06:18

Cũng bục giảng, phấn trắng, cũng dạy từ các lớp i, tờ, cũng cầm tay đưa những nét chữ đầu tiên nhưng học sinh của họ không phải là những em bé đang độ tuổi đến trường mà là những người từng lầm lỗi. Phạm nhân - có người đến khi vào trại mới được cầm bút viết, có người học xong đại học nhưng cần “sửa chữa tâm hồn”. Thầy, cô giáo trong môi trường đó, chính là những cán bộ Công an – những người “chèo đò” trong môi trường đặc biệt này.

Cầm tay người phụ nữ hơn 50 tuổi sửa những nét chữ còn nguệch ngoạc, Thiếu tá Hoàng Thị Thuỳ Dung, cán bộ Trại giam Ngọc Lý, Bộ Công an cho biết: sau khi các phạm nhân vào trại giam, đơn vị sẽ phân loại, những phạm nhân nào chưa biết chữ sẽ được học xoá mù. Theo đó, cán bộ giáo dục sẽ dạy chữ, dạy toán cho họ. Kết thúc khoá học, Phòng Giáo dục huyện sẽ tổ chức kiểm tra, cấp chứng chỉ.

thay giao.jpg -0
Những người thầy - cán bộ quản giáo Trại giam Hoàng Tiến truyền đạt kiến thức pháp luật cho phạm nhân.

Mân mê lá thư vừa viết định gửi cho con gái, bà Giàng Thị Mý ở Mường Chà, Điện Biên, hiện đang thi hành án ở Trại giam Ngọc Lý cho biết, năm nay đã  54 tuổi nhưng lần đầu tiên viết được lá thư hoàn chỉnh để gửi về nhà. “Trước đây tôi cũng học lớp 4 nhưng trường xa nhà, phải lội qua suối, lại không có cơm ăn nên nghỉ học.

Lâu rồi không đọc, không viết nên quên hết chữ rồi. Hàng xóm nhờ tôi mang ít hàng lên huyện, tôi tiện đi chợ nên cầm theo luôn. Không ngờ đó là ma tuý. Tôi bị xử phạt 10 năm tù giam. Khi vào đây, tôi được cán bộ dạy viết, dạy đọc, làm toán. Giờ già rồi tay cứng viết khó nhưng cán bộ chỉ dạy rất tận tình. Tôi đã viết được, đọc được sách và cộng trừ nhẩm được đến số 100. Trước kia, mỗi khi đi bán ít ngô, không biết cộng tiền lại phải nhờ người khác, giờ biết chữ rồi, tôi đọc sách, hiểu được bao nhiêu điều hay mà trước kia không biết” – bà Mý chia sẻ.

Khác với bà Mý, phạm nhân Nguyễn Thị Hoạ My, SN 1985, ở Yên Phong, Bắc Ninh, phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có bằng đại học thì điều các cán bộ cần dạy đó là kỹ năng vượt qua khó khăn và những trăn trở trong lòng của phạm nhân này. My từng là niềm tự hào của bố mẹ, là học sinh xuất sắc, được kết nạp Đảng khi học năm thứ 2 đại học. Ra trường, My làm một cơ quan nhà nước, có gia đình hạnh phúc với chồng và 2 con. Tuy nhiên, vì ham làm giàu nên My tham gia kinh doanh đất đai. Không ngờ, năm 2011, đất đai bị đóng băng, không thanh khoản được nên My lâm vào nợ nần, vay chỗ nọ, đập chỗ kia cho đến khi không còn khả năng thanh toán. Để “quay” được tiền, My đã nói dối mục đích huy động vốn nên phạm tội lừa đảo. Với mức án 21 năm, My cảm thấy bầu trời như sụp đổ, cô không ăn, không ngủ được, vừa thấy xấu hổ với mọi người, vừa lo lắng cho bố mẹ, cho các con.

Thấy tình cảnh của My như vậy, các cán bộ Trại giam Ngọc Lý đã dành nhiều thời gian động viên, chia sẻ với cô, giúp My dần lấy lại tinh thần, yên tâm cải tạo để sớm được hưởng khoan hồng. Nhờ đó, dần dần My hiểu ra, cố gắng cải tạo tốt nhất, tích cực tham gia các phong trào do trại tổ chức. My còn được cán bộ giúp đỡ, hướng dẫn tham gia nhiều cuộc thi như: kể chuyện theo sách, văn hoá ứng xử trong phạm nhân… Trong các cuộc thi trên, My đều đạt giải cao. Đây cũng chính là động lực để cô cố gắng hơn mỗi ngày.

Được biết, công tác giáo dục là một trong những nhiệm vụ chính của CBCS các trại giam. Mỗi đơn vị sẽ có một đội Giáo dục và Hồ sơ để thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, CBCS của Đội sẽ thực hiện tất cả các nhiệm vụ liên quan đến “cải tạo tâm hồn” cho phạm nhân, từ dạy mù chữ cho những người chưa biết chữ, dạy kiến thức pháp luật, nội quy cho phạm nhân mới đến trại; dạy nghề, tái hoà nhập cộng đồng…; giáo dục riêng, giáo dục đặc biệt đối với các phạm nhân vi phạm kỷ luật; dạy các kỹ năng sống, truyền đạt kiến thức để phạm nhân tham gia các phong trào, cuộc thi dành cho phạm nhân. Không chỉ là người thầy, nhiều khi họ còn là người thân để chia sẻ, giúp đỡ phạm nhân trong quá trình làm lại cuộc đời.

Những người thầy mang sắc phục trong môi trường đặc biệt -0
Cán bộ trại giam hướng dẫn phạm nhân lao động cải tạo tốt để sớm được trở về gia đình.

Đại úy Lê Xuân Tình, cán bộ giáo dục Trại giam Thanh Lâm cho biết, để thực hiện công tác giáo dục, ngoài kiến thức học ở trường, anh và đồng đội còn tìm hiểu thêm về thời sự, về các quy định pháp luật mới và các kỹ năng sống để giảng dạy, truyền đạt cho các phạm nhân.

Hôm chúng tôi đến, Đại uý Lê Xuân Tình đang giảng về Luật Căn cước và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đây là những dự án luật mới, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 nên các phạm nhân chưa biết nhiều về những quy định trong những luật này. Theo đó, Đội Giáo dục – Hồ sơ xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tài liệu, nội dung để giảng dạy, cố gắng chuyển tải các nội dung sao cho dễ nhớ, dễ hiểu nhất. Trong quá trình giảng dạy, truyền đạt, cán bộ sẽ trả lời đầy đủ các thắc mắc của phạm nhân để họ đủ kiến thức, có thể sử dụng được sau khi hết án trở về.

CBCS Trại giam Bến Giá còn đặc biệt hơn khi tìm nhiều cách giáo dục, giúp đỡ các phạm nhân chưa yên tâm cải tạo, để họ tin tưởng vào cuộc sống, làm lại cuộc đời. Như trường hợp phạm nhân Đặng Bá Diệp ở Trà Vinh, từng 7 lần tự sát và cũng 7 lần được cán bộ phát hiện, ngăn chặn kịp thời, động viên, giáo dục để Diệp yên tâm cải tạo. Để ngăn chặn được phạm nhân này không tiêu cực, các cán bộ Trại giam Bến Giá đã bỏ nhiều công sức, nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ Diệp để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó biết được, Diệp bị vợ bỏ, gia đình không thăm nuôi nên anh ta chán nản, tìm cách tự sát. Chính vì vậy, ngoài giáo dục riêng, cán bộ Trại giam Bến Giá đã trao đổi với chị gái Diệp cùng phối hợp giáo dục, động viên anh ta, nhờ đó, Diệp dần hiểu ra từ bỏ ý định tự sát.

Trường hợp của Bùi Văn Thuận (SN 1994, trú ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) phạm tội cố ý gây thương tích đặc biệt hơn bởi anh ta có án ngắn, chưa tiền án, tiền sự nên người bình thường sẽ hiếm khi tìm đến cái chết. Tuy nhiên, qua nắm bắt tâm lý, cán bộ phát hiện Thuận có biểu hiện buồn chán nên đã tìm hiểu nguyên nhân và cử phạm nhân giám sát. Nhờ đó, đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi tiêu cực của Thuận. Tìm hiểu hoàn cảnh của Thuận, cán bộ biết nguyên nhân bố anh ta không lên thăm con không phải là bỏ rơi Thuận mà vì già yếu, bệnh tật, không đi lại được. Khi Thuận gọi điện về nhà thì mọi người đi vắng, bố Thuận nặng tai nên không nghe được. Hiểu hoàn cảnh như vậy, Trại giam Bến Giá đã động viên gia đình đưa bố Thuận lên thăm con. Sau khi bố mẹ, anh trai lên thăm, Thuận đã hiểu được và yên tâm cải tạo.

Nói về công tác giáo dục phạm nhân, Đại tá Nguyễn Đình Giang, Giám thị Trại giam Thanh Lâm cho biết, việc cải tạo, giáo dục phạm nhân trước hết là phải đảm bảo về chế độ, chính sách. Bên cạnh đó là sự sẻ chia tình cảm, trao đổi, giáo dục chung, giáo dục riêng, giáo dục đặc biệt. Để các phạm nhân cố gắng cải tạo để hưởng khoan hồng, chúng tôi lấy gương những phạm nhân cải tạo tốt, những phạm nhân được đặc xá để tuyên truyền cho các phạm nhân đang thi hành án, để họ thấy rằng, không có gì là không thể vượt qua, chỉ có cố gắng cải tạo thì mới được khoan hồng của pháp luật, đồng thời giúp họ hiểu ra, ý thức chấp hành pháp luật, cải tạo tốt trong trại giam sẽ là tiền đề khi ra ngoài đời sẽ là những công dân biết sống, biết lao động, biết tuân thủ pháp luật và trở thành người có ích cho xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Phương Thuỷ
.
.