Liều thuốc hữu hiệu nhất tránh chạy đua vũ trang tại Trung Đông
Người biểu tình Iran giận giữ đốt hình hai ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ sau vụ ám sát nhà khoa học hàng đầu. Ảnh Reuters. |
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây được New York Times đăng tải, ông Biden nhận định rằng việc quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân Iran, hay Kế hoạch hành động toàn diện chung – JCPOA, là cách tốt nhất để tránh một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông.
Ông Biden cho biết, Mỹ sẽ tái gia nhập thỏa thuận này nếu Iran cũng quay trở lại tuân thủ nghiêm ngặt. Theo thỏa thuận này, Iran đã đồng ý ngừng phát triển công nghệ hạt nhân để đổi lại việc giảm trừ trừng phạt từ quốc tế.
Ngoài ra, việc quay trở lại thỏa thuận, bao gồm dỡ bỏ nhiều trừng phạt được Tổng thống Donald Trump tái áp đặt, sẽ là “điểm khởi đầu cho những cuộc đàm phán tiếp theo”. Ông Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này năm 2018, sau đó tái áp đặt nhiều trừng phạt trong chiến dịch “áp lực tối đa” với Iran.
“Người ta đang nói quá nhiều về việc những tên lửa có độ chính xác cao và những thứ khác nữa có thể gây bất ổn trong khu vực, cách tốt nhất để đạt được sự ổn định trong khu vực là giải quyết được chương trình hạt nhân”, Tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh.
Ông Biden nói thêm rằng các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ bao gồm việc tìm cách kéo dài thời hạn 15 năm của thỏa thuận hạt nhân nhằm hạn chế Iran làm giàu uranium đến mức cần thiết cho vũ khí hạt nhân.
Các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ giải quyết sự chống lưng của Iran đối với các nhóm dân quân trong các cuộc xung đột ủy nhiệm ở Lebanon, Iraq, Syria và Yemen. Ông cũng bày tỏ mong muốn các nước láng giềng trong khu vực như Arab Saudi hay Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cùng tham gia với các bên ký kết ban đầu là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, trong bất kỳ thỏa thuận mới nào.
Tehran cũng đã bày tỏ sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, trong một cuộc phỏng vấn ngày 18/11, cho biết rằng nước này sẽ quay trở lại “các cam kết đầy đủ trong hiệp định” nếu ông Biden dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran, Mohsen Fakhrizadeh ngày 27/11, được cho là sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa chính quyền Biden và Tehran.
Iran đã cáo buộc Israel thực hiện vụ ám sát. Trong khi Israel và Mỹ hầu như giữ im lặng về vấn đề này.
Trong khi đó, tờ Daily Beast hôm 30/11 đưa tin rằng ông Trump đã cho các quan chức chính quyền của ông, đặc biệt là Ngoại trưởng Mike Pompeo, “đặc quyền” thực hiện bất kỳ cách tiếp cận nào với Iran trong những ngày cuối của nhiệm kỳ này.
Chỉ thị của Tổng thống cho phép áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran trong khi tiếp tục giữ im lặng về vụ ám sát Fakhrizadeh. Động thái này được cho là nhằm mục đích vừa gây tổn hại cho Iran vừa làm tê liệt triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân của ông Biden.