Hà Nội giảm phát thải nhà kính 15%

Thứ Năm, 19/11/2020, 17:20
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch này nhằm thực hiện Kế hoạch số 206-KH/TU ngày 16/9/2020 của Thành ủy Hà Nội triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn TP giai đoạn 2020 - 2030 và khoảng 14% giai đoạn 2031 - 2045, đẩy mạnh việc sử dụng các trang thiết bị, máy móc có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, kiểm toán năng lượng và tăng cường các giải pháp giảm thiểu điện năng tiêu thụ, khí thải tại các khu công nghiệp, nhà máy, khu đô thị.

Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 2% vào năm 2030; 5% vào năm 2045. Phấn đấu đến năm 2045 tổng công suất nguồn điện năng mặt trời ước đạt khoảng 700 MWp (triển khai lắp đặt đồng bộ điện mặt trời mái nhà tại các chung cư thấp tầng, tòa nhà cao tầng của thành phố) và điện rác khoảng 300MW phù hợp với tiềm năng, đặc thù của TP;…

Để có thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trên, UBND TP Hà Nội cũng đã triển khai 9 nội dung để tổ chức thực hiện. 

Cụ thể: Phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP; cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả; Phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng.

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng.

Đặc biệt, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng. Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững,..

Hải Châu
.
.
.