Dấu hiệu lừa đảo từ các đơn thư xin tiếp nhận hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài
- Có dấu hiệu lừa đảo trong việc quảng cáo bán vé đưa khách Việt về nước
- Cảnh báo dấu hiệu lừa đảo mua bán Lan “đột biến gen”
- Có dấu hiệu lừa đảo, Phó phòng Viện KSND Đồng Nai bị bắt
- Những dấu hiệu lừa đảo của ví thanh toán điện tử PayAsian
Điển hình có thể kể đến như: Công ty cổ phần Quốc tế Hồ Tràm, Công ty cổ phần Di sản quốc tế Hồ Tràm do Nguyễn Quốc Long, Lê Nguyên Thành (còn tự xưng là Chủ tịch Hội đoàn xử lý di sản quốc tế) là thành viên sáng lập; Công ty cổ phần CT Toàn cầu giác mạc 13579 do Văn Hùng Tính là Tổng Giám đốc; Công ty cổ phần Đầu tư Nam Hải Thái Bình Dương do Trần Minh Phương là Tổng Giám đốc; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư PHM do Nguyễn Hoàng Ngân là Giám đốc; Công ty cổ phần Quốc tế An sinh toàn cầu phát; Công ty Đông Đô miền Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn tài chính toàn cầu DONA do Trần Lê Thu Thảo làm đại diện pháp luật...
Một số cá nhân có liên quan như: Nguyễn Thị Thúy Chiêu, Lê Thị Thu Liễu, Lê Quang Ngọc, Lý Ngọc Thắng (là đối tượng đã có tiền án, tiền sự và có dấu hiệu tâm thần) có dấu hiệu lừa đảo...
Các đối tượng liên tục làm "Tờ trình", "Thông báo", đơn "Đề nghị" xin được “khai thác kho báu”, “tiếp nhận di sản”. |
Các đối tượng thành lập các doanh nghiệp nhưng không có hoạt động sản xuất kinh doanh; tự xưng các tổ chức không có cơ sở pháp lý, không đúng quy định của pháp luật; phần lớn các cá nhân tham gia vào hoạt động lừa đảo này đều có tiền án, tiền sự về tội lừa đảo, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; không có nghề nghiệp, nơi cư trú rõ ràng, có nhiều dấu hiệu về thần kinh.
Qua xác minh, đa phần các đối tượng đều không có mặt tại nơi cư trú theo địa chỉ trong giấy phép đăng ký kinh doanh.
Các cá nhân, doanh nghiệp này đã nhiều lần trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp trong nước lập các bộ hồ sơ gửi tới các cơ quan Trung ương đề nghị xem xét, giải quyết cho tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khai thác “kho báu”...
Hoạt động của các cá nhân, doanh nghiệp mang dấu hiệu lừa đảo này đã được Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần; một số đối tượng đã bị Công an các địa phương khởi tố, điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc phối hợp với các ban, ngành để xử lý theo quy định của pháp luật (thu hồi giấy phép), yêu cầu viết cam kết không thực hiện các hoạt động tương tự.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các cá nhân, doanh nghiệp nêu trên vẫn tiếp tục hoạt động, lập và sử dụng nhiều pháp nhân mới, tự xưng là người của các tổ chức mới (không có thật) như “Tổ chức hậu cần mật”, “Di sản Triều Nguyễn”, “Hội đoàn xử lý di sản tài chính thế giới”, “Hội đoàn xử lý di sản Việt Nam – Hoa Kỳ - Vatican”, “Tổ chức đền ơn chí sĩ Campuchia - Việt Nam”, “Tập đoàn JESC”... để soạn thảo các “Tờ trình”, “Thông báo” và “Đề nghị”... gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương đề xuất xin được “khai thác kho báu”, “tiếp nhận di sản”...; chào mời các cá nhân, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, góp vốn, gây thiệt hại kinh tế cho các cá nhân, doanh nghiệp và làm ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan Nhà nước khi liên tục phải tiếp nhận, xử lý các hồ sơ “không có thật” do các đối tượng gửi đến.
Số tiền, kho báu có trị giá từ hàng chục tỷ đến hàng nghìn tỷ USD, EURO, Yên Nhật mà các đối tượng nêu trong các "Tờ trình", đơn "Đề nghị" là bịa đặt. |
Thủ đoạn chung của các đối tượng là:
(1) Thành lập các doanh nghiệp nhưng không hoạt động kinh doanh, sản xuất; trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp trong nước lập các bộ hồ sơ gửi tới các cơ quan của Đảng, Chính phủ đề nghị xem xét, giải quyết cho tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khai thác kho báu... mục đích chính là để lấy được các văn bản tiếp nhận đơn, thư của các ban, bộ, ngành nhằm lấy mẫu dấu, mẫu chữ ký để làm văn bản giả mạo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong phạm vi cả nước;
(2) Làm giả các giấy tờ chứng nhận tài chính như hóa đơn, chứng từ bảo lãnh, hối phiếu thanh toán quốc tế, điện chuyển tiền, chứng nhận sở hữu tài sản, di sản được thừa kế có giá trị hàng triệu đến hàng ngàn tỷ đồng, USD, EURO, Yên Nhật... của các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế; giả mạo giấy tờ của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...;
(3) Tìm cách tiếp cận các cán bộ lão thành, lãnh đạo các cấp để gây sức ép tới các bộ, ngành, địa phương xử lý hồ sơ, tiếp nhận đơn thư, tạo uy tín cho bản thân;
(4) Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, doanh nghiệp trong nước để tiếp cận, tạo niềm tin và đề nghị ký kết hợp đồng hợp tác hoặc tham gia vào việc lập hồ sơ để đăng ký tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài, khai thác “kho báu”, “di sản, tài sản thừa kế”; mập mờ, che dấu thông tin trong việc mua – bán các loại tiền xu lưu niệm có màu vàng, bạc của các quốc gia, các loại thẻ được tự giới thiệu có tính chất như thẻ tín dụng ngân hàng...;
(5) Móc nối với các cá nhân là người nước ngoài, Việt kiều tự xưng là “chuyên gia”, người đại diện cho các tổ chức, quỹ tài chính quốc tế, xét duyệt dự án, tìm kiếm “kho báu”, sở hữu tiền và tài sản trôi nổi của các quốc gia khác tại Việt Nam... hoặc tự nhận là người của các ban, bộ, ngành, có quen biết lãnh đạo các ban, bộ, ngành đang giữ các thông tin, tài liệu liên quan đến “dự án”, “kho báu”, “di sản, tài sản thừa kế”... Từ đó, các đối tượng đề nghị các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tiếp nhận/vay vốn phải tạm ứng, chi trả các “chi phí cho chuyên gia xét duyệt hồ sơ”, “chi phí tìm kiếm kho báu”, “chi phí làm thủ tục tiếp nhận di sản, tài sản thừa kế”, “chi phí ngoại giao, bôi trơn”, “chi phí xem hồ sơ, nguồn tiền”... rồi chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an đề nghị các tổ chức, cá nhân, đơn vị trong cả nước cần cảnh giác với các thủ đoạn tương tự nêu trên của các đối tượng, tránh để bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...