Vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ Mỹ – Trung

Chủ Nhật, 09/01/2022, 10:26

Các chuyên gia cho rằng, các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ khó bị thuyết phục và ASEAN sẽ duy trì vai trò trung tâm trong mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chiến trường then chốt

Nhận thấy những thách thức nhất định của việc xây dựng mối quan hệ mật thiết với các thành viên ASEAN nên Mỹ đang nuôi dưỡng ý tưởng liên minh với Nhật Bản trong một nỗ lực nhằm khuyến khích các nước Đông Nam Á đối trọng lại với Trung Quốc. Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao hàng đầu của Washington và Tokyo đã nhất trí về một cuộc họp của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm tăng cường khả năng ứng phó trong việc đối trọng với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. ASEAN đã trở thành “chiến trường then chốt” của cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ Mỹ – Trung -0
Bên cạnh việc lần lượt công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nước lớn còn phát động “cuộc tấn công ngoại giao” nhằm “quyến rũ” ASEAN. (Ảnh minh họa)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang hướng tới ba quốc gia ASEAN để theo đuổi điều mà các nhà phân tích dự đoán là một “sự can thiệp rập khuôn về mối đe dọa từ Trung Quốc”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các thành viên ASEAN sẽ khó bị thuyết phục và ASEAN sẽ duy trì vai trò trung tâm trong mối quan hệ phức tạp Mỹ-Trung.

Trong cuộc gặp hồi tháng 12 năm ngoái bên lề cuộc họp Ngoại trưởng G7 kéo dài hai ngày tại Liverpool (Anh), Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và người đồng cấp Antony Blinken đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với ASEAN cũng như các quốc gia cùng chí hướng như Australia và Ấn Độ, một động thái nhằm tăng cường liên minh các nước để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết hai quan chức này đã nhất trí rằng việc tăng cường những năng lực phản ứng của liên minh trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng khắc nghiệt là điều không thể thiếu được.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, đã bắt đầu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua và Mỹ hiện vẫn từ chối quay trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó bao gồm một số quốc gia Đông Nam Á. Vậy làm thế nào để Mỹ bù đắp các tác động kinh tế của Trung Quốc? Đây sẽ là một vấn đề quan trọng khác mà Mỹ phải lo lắng. Các vấn đề kinh tế có thể là nhiệm vụ quan trọng nhất của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai và Mỹ hiện đang “để mắt” đến Nhật Bản, một quốc gia đã có quan hệ hợp tác sâu sắc với khối ASEAN. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây hoàn toàn không phải một nhiệm vụ dễ dàng.

Năm 2020, ASEAN đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) để lần đầu tiên trong lịch sử trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 12 năm qua. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẵn sàng cung cấp cho ASEAN một khoản hỗ trợ phát triển lên đến 1,5 tỷ USD trong ba năm tới để hỗ trợ các thành viên ASEAN chống dịch COVID-19 đồng thời phục hồi nền kinh tế.

Ông Koh King Kee, Chủ tịch Trung tâm Vì châu Á Toàn diện Mới ở Malaysia, chia sẻ rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 12 năm liên tiếp. Và Malaysia, với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong số các nước ASEAN, cần thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, để giúp phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch.

Về phía Mỹ, ông Antony Blinken vào trung tuần tháng 12/2021 đã thực hiện chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Những chủ đề trong các chuyến thăm chính này bao gồm: Việc nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa Mỹ và các nước này, xây dựng các chuỗi cung ứng linh hoạt, phục hồi kinh tế sau đại dịch và giải quyết vấn đề Myanmar. Các chuyên gia cho rằng chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ là nhằm mục đích khuyến khích khu vực ASEAN “nghiêng” về Washington, trong bối cảnh khối này đang ngày càng cảnh giác về mối quan hệ với Bắc Kinh đang nóng lên gần đây. 

Trong khi đó, năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm Quan hệ Đối thoại Trung Quốc-ASEAN, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ chia sẻ hơn nữa những lợi nhuận phát triển của mình với các đối tác ASEAN và mở cửa thị trường cho các đối tác ASEAN. Mặc dù vậy, chuyên gia Koh King Kee cho rằng ASEAN sẽ duy trì vai trò trung tâm trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.

Sức nóng của cuộc đua “giành giật” ASEAN

Tại Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN hôm 22/11/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – ASEAN và nhấn mạnh, đây là cột mốc mới trong lịch sử quan hệ song phương. So với quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN với Mỹ, Nhật Bản, EU, Nga và Kế hoạch đối tác phát triển ASEAN - Ấn Độ (AIDPP) vừa mới khởi động, việc ASEAN và Trung Quốc chuyển từ quan hệ đối tác chiến lược sang quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa quan trọng.

Điều này đồng nghĩa với một bước thắng lợi của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để “giành giật” ASEAN. Tuy nhiên, nhìn lại tổng thể tình hình khu vực, nếu quan hệ Trung Quốc - ASEAN muốn duy trì vị thế dẫn đầu, sức ép sẽ hết sức nặng nề. Cùng với việc trọng tâm kinh tế thế giới chuyển dịch về phía Đông, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trở thành tiêu điểm quan tâm của thế giới và tầm quan trọng của ASEAN ở khu vực này ngày càng nổi bật.

Năm 2016, Nga tăng tốc tiến về phía Đông, tuyên bố muốn làm “lực lượng thứ ba” ở khu vực ASEAN. Hai năm sau, Nga và ASEAN nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược. Tại hội nghị trực tuyến Ngoại trưởng EU-ASEAN vào tháng 12/2020, hai bên khẳng định giá trị và lợi ích chung dựa trên quan hệ đối thoại song phương 43 năm, nâng cấp quan hệ song phương thành quan hệ đối tác chiến lược. Từ ngày 26/10/2021, chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN kéo dài trong 3 ngày được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Sau 4 năm, Tổng thống Mỹ lại tham dự hội nghị cấp cao ASEAN, đặt các nước Đông Nam Á vào vị trí trung tâm của vũ đài quốc tế một cách hiếm thấy.

Tranh giành quyền thống trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, lôi kéo ASEAN - đây là cuộc cạnh tranh mà các nước vừa mới khởi động và chắc chắn sẽ còn quyết liệt hơn trong tương lai. ASEAN theo đuổi chính sách ngoại giao giữ khoảng cách dưới sức ép của nhiều bên, nên không biểu hiện thái độ quá nhiệt tình đối với Trung Quốc. Trung Quốc nắm chắc cơ hội sẽ thúc đẩy quan hệ với ASEAN tiến về phía trước, còn các bên như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc dẫn đầu và tất nhiên sẽ quyết liệt bám sát. Đối với các nước, coi trọng ASEAN không đơn giản là những lời nói suông, bất cứ động thái mở rộng ảnh hưởng nào đều phải dựa trên tiền đề là thực lực.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.