UNCLOS - bản Hiến pháp của đại dương
Cách đây 40 năm, ngày 10/12/1982, Lễ ký Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển (UNCLOS) được tổ chức tại Montego (Jamaica) với 107 quốc gia tham gia ký kết, trong đó có Việt Nam. Công ước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và trở thành một trong những văn kiện quốc tế quan trọng nhất của thế kỷ XX, tiếp sau Hiến chương LHQ, với 168 quốc gia phê chuẩn tính đến thời điểm này.
UNCLOS là một văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ, thể hiện sự thoả hiệp mang tính toàn cầu, bao quát toàn bộ các vấn đề pháp lý quan trọng nhất liên quan đến biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, có tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia khác nhau (gồm cả những nước có biển và không có biển, các nước phát triển cũng như đang phát triển).
Công ước khẳng định chủ quyền của quốc gia ven biển đối với các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (bao gồm lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), đồng thời xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mọi quốc gia về hợp tác, sử dụng và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên biển, về giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, giải quyết hòa bình các tranh chấp về biển, tuân thủ chế độ quản lý khai thác tài nguyên đối với các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.
Công ước không chấp nhận bảo lưu mà đòi hỏi phải tham gia “cả gói” (package deal) theo nguyên tắc “nhất trí” (consensus). Các quốc gia tham gia Công ước phải có trách nhiệm ràng buộc và thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước. Công ước còn được coi là một trong những thành tựu có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực luật pháp quốc tế của thế kỷ XX, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật và được mệnh danh là “Bản Hiến pháp của đại dương”.
Theo nhận định của ông Pavel Gudev, chuyên gia Luật biển quốc tế, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, UNCLOS là một thử nghiệm độc đáo trong quan hệ quốc tế vì đã được soạn thảo trong gần 10 năm (từ 1973 đến 1982). Nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước, ông cho rằng UNCLOS có thể được xem như Hiến pháp về biển vì có vai trò điều chỉnh hầu hết các hạng mục sử dụng về biển như khai thác, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, giao thông hàng hải…
Trong UNCLOS, các phương pháp đàm phán và ra quyết định hoàn toàn độc đáo cũng đã được sử dụng. Lần đầu tiên Công ước đưa ra cách tiếp cận trọn gói trong việc đưa ra quyết định khi giải quyết một vấn đề lớn bao gồm nhiều vấn đề nhỏ, có tác dụng giúp đàm phán giữa các bên diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, theo chuyên gia Pavel Gudev, UNCLOS ra đời đã đưa ra những phạm trù mới, như nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, vùng đáy biển quốc tế. UNCLOS 1982 cũng là công ước đi tiên phong trong khái niệm di sản chung của nhân loại.
Chia sẻ quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Hải Đăng, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách đại dương thuộc Trung tâm luật quốc tế - Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn cầu bao trùm và quan trọng nhất để điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trên biển.
Công ước được coi như bản hiến pháp về đại dương, quy định về các hoạt động trên biển từ xác định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; phân định biển, khai thác các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, đến thực thi pháp luật trên biển và giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển. Việc Công ước được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn, trong đó có cả những quốc gia không có biển như Lào, Mông Cổ hay Thụy Sĩ, cho thấy các quy định của Công ước được cộng đồng quốc tế công nhận một cách rộng rãi.
Theo Tiến sĩ Vũ Hải Đăng, do UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển của các quốc gia, nên Công ước này thường xuyên được viện dẫn và áp dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan tới biển trên thế giới. Nguyên tắc quan trọng nhất về giải quyết tranh chấp mà UNCLOS 1982 đưa ra là mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương LHQ.
Tiến sĩ Vũ Hải Đăng nêu rõ UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý để các bên xây dựng yêu sách về vùng biển của mình, phân định các vùng biển chống lấn và tiến hành các hoạt động hợp tác trong các khu vực có tranh chấp. Việc thực thi Công ước sẽ làm giảm thiểu các khu vực chồng lấn và quản lý các tranh chấp một hiệu quả hơn, tránh gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tiến sĩ Vũ Hải Đăng nhắc lại Việt Nam là nước đồng sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS 1982 vào tháng 6/2021. Từ 12 quốc gia sáng lập đến nay, Nhóm đã có 115 thành viên, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý trên thế giới trong đó có tất cả 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và nhiều quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong thời gian qua, Nhóm bạn bè của UNCLOS đã tổ chức định kỳ hằng quý các buổi họp nhóm để thảo luận các vấn đề xung quanh việc thực thi UNCLOS, vai trò của UNCLOS trong quản trị biển và đại dương, cũng như các vấn đề liên quan đến biển và đại dương khác như bảo tồn và phát triển bền vững biển, bảo vệ môi trường biển, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, nghề cá, tội phạm trên biển...
Vai trò quan trọng nhất của Nhóm bạn bè UNCLOS là thúc đẩy, tăng cường nhận thức của cộng đồng quốc tế về vai trò quan trọng của UNCLOS như là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động của tất cả các quốc gia trên biển. Các hoạt động của Nhóm cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự thượng tôn của luật pháp quốc tế và là một kênh hữu ích trong việc trao đổi, thảo luận giữa các quốc gia về các vấn đề liên quan đến biển và đại dương.
Có chung nhận định, Giáo sư, Tiến sĩ Thomas Engelbert, chuyên gia nghiên cứu về biển tại Đại học Hamburg (Đức) nhấn mạnh UNCLOS 1982 có ý nghĩa rất lớn đối với an ninh hàng hải, không chỉ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà trên cả thế giới. Theo ông, đây là lần đầu tiên những quy định rõ ràng về các hành xử trên biển được đặt ra. Ví dụ Công ước quy định rõ những thực thể nào được gọi là đảo, phân biệt đảo đá, định nghĩa các vùng khai thác kinh tế trên biển của quốc gia...
Đây là lần đầu tiên các khái niệm này được định nghĩa rõ ràng. Văn bản này cũng quy định các cơ chế pháp lý giải quyết các tranh chấp biên giới trên biển giữa các quốc gia mà không sử dụng bạo lực. Giáo sư Engelbert đánh giá sự ra đời của UNCLOS là một cột mốc quan trọng trong luật quốc tế liên quan đến biển. Trên cơ sở UNCLOS, một số tổ chức quan trọng được thành lập như Tòa án quốc tế về Luật Biển (tại thành phố Hamburg, Đức) hay Tòa trọng tài thường trực PCA (tại thành phố La Haye, Hà Lan). Đây là cơ sở để các quốc gia có biển giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình.
Theo Giáo sư Thomas Engelbert, từ khi ra đời, UNCLOS đã được áp dụng để giải quyết thành công nhiều vụ tranh chấp phức tạp về biển, ví dụ vụ tranh chấp giữa Anh và Mauritius trong việc thành lập khu bảo tồn biển tại khu vực quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương; vụ Nicaragua kiện Colombia ra Tòa án Công lý quốc tế về phân định chủ quyền các đảo và vùng biển liên quan tại biển Caribe; vụ Timor Leste kiện Australia liên quan đến phân định biên giới biển giữa hai nước...
Trong khi đó, Tiến sĩ Gerhard Will, nguyên chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP) nhận định các bên liên quan tại Biển Đông đang thúc đẩy các cuộc đàm phán về vấn đề này. UNCLOS 1982 vẫn có tầm quan trọng rất lớn, phải là cơ sở cho bất kỳ giải pháp nào ở Biển Đông. Chuyên gia này nhấn mạnh rằng mọi quy định nhằm mục đích lâu dài và bền vững phải được thực hiện trên cơ sở UNCLOS.