Học giả quốc tế đề cao UNCLOS và phán quyết của PCA về Biển Đông

Thứ Hai, 12/07/2021, 07:22
Nhân dịp 5 năm Tòa Trọng tài thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vấn đề Biển Đông (ngày 12/7/2016), truyền thông quốc tế có nhiều bài viết đề cao vai trò của luật pháp quốc tế và ý nghĩa phán quyết của PCA trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, cũng như đánh giá cao vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong giải quyết các vấn đề ở vùng biển này.


Trong bài phân tích đăng trên Cổng thông tin pháp lý Porady của giới luật sư Ukraine, chuyên gia Sergey Tolstov, Giám đốc Viện Phân tích chính trị và nghiên cứu quốc tế có trụ sở ở Kiev (Ukraine) nêu rõ PCA đã đưa ra phán quyết rõ ràng về yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích ở Biển Đông. Cụ thể, PCA đã tuyên bố rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để khẳng định "quyền lịch sử" đối với các tài nguyên ở Biển Đông trong phạm vi cái gọi là "đường 9 đoạn".

Điều đó có nghĩa là Trung Quốc không thể nêu yêu sách đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), cũng như không có "quyền lịch sử" để tuyên bố chủ quyền đối với hoạt động khai thác tài nguyên trong khu vực này. Về ý nghĩa của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, chuyên gia Sergey Tolstov nhấn mạnh nghĩa vụ của các bên trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương không tuân thủ luật pháp quốc tế đã gây sự bất ổn về an ninh tại khu vực.

Theo chuyên gia này, "các bên cần tự nguyện tuân thủ UNCLOS và phán quyết của PCA". Chuyên gia Ukraine khẳng định trong bối cảnh hiện nay, bước đi tích cực là việc các bên có thể thảo luận để tiến tới ký Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), theo đó coi trọng việc đảm bảo tự do hàng hải.

PCA công bố phán quyết về Biển Đông, năm 2016.

Cổng thông tin Parody cũng đăng tải bài phỏng vấn Giáo sư Euclides Campos từ Đại học Panama (Cộng hòa Panama), trong đó khẳng định giá trị pháp lý của phán quyết PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Ông phân tích và lập luận bác bỏ các luận điểm Trung Quốc đưa ra để từ chối thừa nhận và thực thi Phán quyết.

Liên quan tính chất bắt buộc thi hành của phán quyết, Giáo sư Euclides Campos nhấn mạnh rằng, Điều 296, Khoản 1 của Công ước quy định "bất cứ phán quyết nào do Tòa có thẩm quyền thuộc Điều này đưa ra đều là cuối cùng và cần phải được tất cả các bên trong tranh chấp thực hiện". Trong khi đó, Điều 11, Phụ lục VII quy định phán quyết "là cuối cùng và không được khiếu nại". Ông nhận định rằng, chưa có nhiều tiến triển trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, thậm chí căng thẳng còn có xu hướng gia tăng do Trung Quốc phớt lờ phán quyết của PCA, gia tăng hoạt động bất hợp pháp.

Theo đó, Bắc Kinh không chỉ thiết lập kiểm soát toàn bộ đá Mischief, biến đá này thành căn cứ quân sự có đường cất hạ cánh máy bay (sau đó đến rặng Scarborough nằm cách bờ biển Philippines 220km), mà còn mở rộng kiểm soát đến cả các vùng lãnh thổ khác của Philippines, tiếp đó còn đưa tàu hiện diện trái phép trong lãnh hải của Philippines.

Tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn khi mới đây ít nhất 240 tàu Trung Quốc, trong đó có cả tàu quân sự hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Việc Trung Quốc yêu cầu Philippines không áp dụng phán quyết có lợi cho nước này của PCA khó mà phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là biến Biển Đông thành "ao nhà".

Giáo sư Euclides Campos bày tỏ quan ngại khi Trung Quốc thông qua "Luật về phòng vệ bờ biển", hồi tháng 2-2021. Việc thực thi luật này trong các vùng nước tranh chấp và các vùng nước quốc tế đang làm gia tăng nguy cơ xung đột diện rộng. Giáo sư bày tỏ hy vọng rằng phán quyết dựa trên luật pháp quốc tế này sẽ được tất cả các bên tôn trọng và thực thi.

Cũng liên quan đến chủ đề này, trang Tin tức Ukraine (news24ua.com) đã đăng bài viết với tiêu đề "Bản phán quyết không được thực hiện" của tác giả Alexander Danilov. Bài viết nêu kết quả vụ kiện, theo đó PCA ra phán quyết xác định Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với các vùng nước ở Biển Đông.

Bài viết dẫn chứng rằng, trong vài năm gần đây, Trung Quốc tích cực phát triển hạ tầng quân sự ở các đảo tranh chấp, xây dựng đường băng cất hạ cánh và bãi đỗ trực thăng. Ngoài ra, trên Biển Đông còn xuất hiện hàng chục đảo nhân tạo có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Hoạt động của Trung Quốc gây sự chú ý và phản ứng từ các nước.

Phát biểu tại Hội thảo lần thứ 4 về Biển Đông nhân dịp 5 năm PCA ra phán quyết về Biển Đông do Viện Á-Phi thuộc Đại học Hamburg của Đức tổ chức hôm 9/7, Giáo sư Thomas Engelbert thuộc Đại học Hamburg cho rằng, từ sau khi PCA ra phán quyết về Biển Đông, tình hình tại vùng biển này tiếp tục có nhiều diễn biến căng thẳng trên thực địa, với việc liên tiếp diễn ra các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế khiến nhiều nước phải lên tiếng phản đối. Trong khi đó, quá trình đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành.

 Theo ông, thời gian qua Mỹ đã thúc đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc thành viên cũng đã ban hành các chiến lược riêng về khu vực này. Giáo sư Thomas Engelbert cũng nhắc đến việc đầu năm nay Nhật Bản đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia, New Zealand, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam cũng đã đưa ra các tuyên bố về những diễn biến căng thẳng trên vùng biển này. Các bên đều mong muốn Biển Đông sẽ là một vùng biển an toàn, ổn định và đảm bảo tự do hàng hải. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế và phản đối mạnh mẽ những hành động vi phạm UNCLOS cũng như việc không tuân thủ phán quyết của Tòa PCA.

Chia sẻ quan điểm này, Giáo sư Suzette Suarez đến từ Đại học Khoa học ứng dụng Bremen khẳng định phán quyết của Tòa PCA là văn bản pháp lý có giá trị quốc tế cao và có vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp cũng như phân định giới hạn bên ngoài của thềm lục địa ở Biển Đông. Việc phân định các giới hạn của thềm lục địa là thủ tục ràng buộc và bắt buộc trong UNCLOS.

Theo luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài PCA, yêu sách "đường 9 đoạn" cũng như các yêu sách chủ quyền khác trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố là hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Tham luận của các chuyên gia tham dự hội thảo cũng đánh giá cao phán quyết của PCA, cho rằng phán quyết là cơ sở pháp lý quan trọng trong giải quyết vấn đề Biển Đông và các bên liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, không có hành động làm phức tạp tình hình.
Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.