Tương lai bất định của Ukraine
Ukraine đang phải đối mặt với một tương lai bất định, khi họ không nhận được sự hỗ trợ quyết liệt từ phương Tây để có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga. Bên cạnh đó là mối đe dọa đến từ khả năng ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Thái độ “nửa vời” của phương Tây
Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine kéo dài chưa có hồi kết, phương Tây đang ở trong một tình thế khó xử: họ không muốn Ukraine thất bại, nhưng cũng chưa chuẩn bị đầy đủ để Kiev có thể giành chiến thắng dứt điểm. Hay nói rõ hơn, họ đang có thái độ “nửa vời” trong việc hỗ trợ Ukraine, và điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong dài hạn.
Mặc dù chiến thắng hoàn toàn của Ukraine vẫn là mục tiêu tối đa, nhưng viễn cảnh này ngày càng trở nên xa vời. Kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhằm giành lại toàn bộ lãnh thổ do các lực lượng Nga kiểm soát từ trước năm 2014, vẫn nằm trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, không ít người cho rằng điều này là phi thực tế. Những ý kiến này kêu gọi sự thỏa hiệp, chấp nhận rằng một số vùng lãnh thổ như Crimea có thể không bao giờ quay trở lại dưới quyền kiểm soát của Ukraine.
Dẫu vậy, bất kỳ nhượng bộ nào với Nga đều khó có thể chấp nhận đối với Ukraine. Thậm chí, ngay cả một cuộc xung đột “đóng băng” như từ năm 2014 đến 2022 cũng không phải là một giải pháp bền vững. Với số lượng lớn thường dân đã thiệt mạng và Nga đã “dốc nhiều nguồn lực” trong cuộc chiến, tình hình hiện tại không còn dễ dàng quay trở lại trạng thái “đóng băng” như trước.
Một Ukraine nhượng bộ hoàn toàn trước Nga là điều khó tưởng tượng, vì ngay cả khi thua trên chiến trường, Kiev vẫn có khả năng tiếp tục cuộc chiến dưới hình thức “chiến tranh du kích”. Vấn đề đặt ra là phương Tây đang không làm đủ để giúp Ukraine giành chiến thắng, nhưng cũng không sẵn lòng để nước này thất bại. Họ cung cấp hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, nhưng các biện pháp này mang tính “nhỏ giọt” và thiếu quyết đoán.
Phương Tây cũng lo ngại về những hậu quả nếu Nga thất bại. Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây lo ngại rằng, một nước Nga suy yếu sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, kiểm soát vũ khí hạt nhân lỏng lẻo. Đây là những viễn cảnh mà phương Tây không sẵn sàng đối mặt, dẫn đến sự thận trọng trong các động thái chống Nga. Một trong những vấn đề cốt lõi hiện nay là phương Tây không có một kế hoạch dài hạn rõ ràng cho Ukraine.
Phương Tây muốn duy trì trật tự thế giới hiện tại, nhưng lại không có đủ ý chí để đối đầu trực diện với Nga và kết thúc cuộc chiến theo hướng có lợi cho Ukraine. Điều này là hệ quả của việc phương Tây không muốn đối mặt với những thay đổi lớn trong cán cân quyền lực quốc tế. Trước bối cảnh đó, Ukraine đang phải đối mặt với một tương lai bất định, khi họ không nhận được sự hỗ trợ quyết liệt từ phương Tây để có thể giành chiến thắng.
Cuộc chiến có thể kéo dài thêm nhiều năm nữa nếu không có những thay đổi mang tính chiến lược từ phía các nước phương Tây. Điều này tạo ra một trạng thái “tê liệt” trong cuộc xung đột: không bên nào thắng, không bên nào thua, và không có dấu hiệu rõ ràng về kết thúc.
Thời khắc đen tối
Giới chuyên gia đánh giá, Ukraine đang tiến vào thời khắc có lẽ là đen tối nhất của cuộc chiến cho đến nay. Họ đang thua trên chiến trường phía Đông đất nước, trong lúc lực lượng Nga tiến lên không ngừng nghỉ. Ukraine đang phải vật lộn để khôi phục lại lực lượng đã suy yếu của mình bằng những người lính được đào tạo bài bản và có tinh thần chiến đấu, nhưng hệ thống huy động quân lực tùy tiện đang gây ra căng thẳng xã hội thực sự. Nước này cũng đang phải đối mặt với một mùa đông ảm đạm với khả năng mất điện nghiêm trọng và không có điện sưởi ấm. Nga đã phá hủy ít nhất một nửa công suất phát điện của Ukraine sau khi họ nối lại các cuộc tấn công hàng loạt bằng máy bay không người lái và tên lửa nhắm vào các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng lưới điện của Ukraine hồi mùa xuân năm nay.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Ukraine hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu điện “nghiêm trọng” lên tới 6GW, tương đương một phần ba nhu cầu cao điểm mùa đông. IEA cũng lưu ý rằng, Ukraine đang ngày càng phụ thuộc vào ba nhà máy điện hạt nhân đang còn hoạt động. Nếu Nga tấn công các trạm biến áp gần các nhà máy này, họ có thể khiến hệ thống điện của Ukraine sụp đổ, cùng với đó là hệ thống sưởi ấm và cấp nước. Các cơ sở sưởi ấm trung tâm ở các thành phố lớn như Kharkov và Kiev cũng dễ bị tổn thương. Một nguồn căng thẳng khác là việc tuyển quân. “Xã hội đã kiệt sức”, ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine, nhận định.
Cùng lúc đó, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các đối tác phương Tây, nhằm tìm ra con đường hướng tới một giải pháp đàm phán, bất chấp những hoài nghi về thiện chí tham gia đàm phán của Nga trong tương lai gần và lo ngại rằng vị thế của Ukraine hiện còn quá yếu để đảm bảo một thỏa thuận công bằng.
“Hầu hết các bên đều muốn xuống thang căng thẳng”, một quan chức cấp cao của Ukraine tại Kiev cho biết. Trong khi đó, người đứng đầu văn phòng tại Washington của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) Jeremy Shapiro tuyên bố: “Mọi người đang nghĩ cách để chấm dứt cuộc chiến một cách hòa bình hơn”. Nhiều nhà ngoại giao châu Âu tham dự Đại hội đồng Liên hiệp quốc được tổ chức tuần trước tại New York cho biết đã có sự thay đổi rõ rệt trong giọng điệu và nội dung của các cuộc thảo luận xoay quanh một giải pháp tiềm năng.
Một cuộc thăm dò do Viện Xã hội học Quốc tế Kiev (KIIS) có liên kết với Viện Dân chủ Quốc gia Mỹ thực hiện hồi tháng 5 vừa qua cho thấy, 57% số người được hỏi cho rằng Ukraine nên tham gia đàm phán hòa bình với Nga, tăng từ mức 33% một năm trước đó. Cuộc khảo sát cho thấy chiến tranh đang gây ra thiệt hại ngày càng nặng nề hơn: 77% số người được hỏi nói rằng họ đã mất đi người thân, bạn bè, hoặc người quen, cao gấp bốn lần so với hai năm trước. Hai phần ba cho biết họ cảm thấy khó hoặc rất khó để sống bằng thu nhập thời chiến của mình.
Cuộc thăm dò của KIIS cũng cho thấy, nếu người dân Ukraine chấp nhận ý tưởng đàm phán, thì phần lớn, khoảng 55%, vẫn phản đối bất kỳ sự nhượng bộ lãnh thổ chính thức nào như một phần của thỏa thuận hòa bình. “Người dân muốn hòa bình nhưng họ cũng phản đối việc nhượng bộ lãnh thổ. Thật khó để thỏa hiệp”, ông Oleksandr Merezhko cho biết. Tuy nhiên, khảo sát của KIIS cho thấy tỷ lệ người trả lời phản đối bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào đã giảm mạnh từ mức đỉnh điểm là 87% vào đầu năm ngoái.
Khảo sát cũng phát hiện ra rằng người Ukraine sẵn sàng chấp nhận một thỏa hiệp mà trong đó, để đổi lấy tư cách thành viên NATO của Ukraine, Nga duy trì quyền kiểm soát trên thực tế đối với các vùng bị chiếm đóng của Ukraine, nhưng không xác lập chủ quyền đối với chúng. Nhưng các cuộc thăm dò khác cho thấy người dân Ukraine vẫn tự tin vào chiến thắng và sẽ thất vọng vì bất kỳ điều gì khác ngoài chiến thắng toàn diện trên chiến trường.